Để khán giả vượt qua định kiến 'phim đặt hàng' đến rạp

'Đào, phở và piano' là phim điện ảnh do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Bộ phim tái hiện khoảng thời gian Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa. Nhờ kịch bản tinh tế, qua bàn tay tài ba của đạo diễn Phi Tiến Sơn, 'Đào, phở và piano' nhanh chóng trở thành 'cơn sốt phòng vé' với những vẻ đẹp đậm chất Hà Nội không thể lẫn đi đâu được.

Đào, phở và piano là một trong hai phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn. Chỉ trong vài ngày gần đây, bộ phim bất ngờ gây sốt và được khán giả ủng hộ nhiệt tình.

Trong vài ngày gần đây, "Đào, phở và piano" bất ngờ gây sốt và được khán giả ủng hộ nhiệt tình

"Đào, phở và piano" là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.

Mỗi nhân vật trong Đào, Phở và Piano mang theo một số phận, câu chuyện riêng. Điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những bộn bề, đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh. Đó có thể là một chàng dân quân đầy gan dạ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Một nàng tiểu thư Hà Thành, mặc hết hiểm nguy tìm đến nơi người mình yêu thương nhất để sống trọn vẹn những ngày tháng có thể là cuối cùng. Một cậu bé đánh giày làm giao liên với ước mơ nhỏ nhoi là được ăn một bát phở vào mỗi buổi sáng. Một ông họa sĩ già quyết bám trụ lại thủ đô đến cùng, để thắp hương cho những người lính đã ngã xuống và hoàn tất tác phẩm tâm huyết của mình. Trận chiến đã gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống, nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương.

Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng)

Phim còn kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Phim có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...

Phim còn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như đạo diễn Trần Lực

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã từng chia sẻ, Đào, phở và piano "cháy" vé là một tin vui, đây là một bộ phim đầy mỹ cảm, tiết tấu nhanh nên phù hợp với giới trẻ.

Chia sẻ về cơn sốt vé dành cho "Đào, phở và piano", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho biết: "Ngay từ đầu tôi đã nghĩ phim này sẽ thu hút được sự quan tâm của khán giả bởi vẻ đẹp đầy chất Hà Nội và góc nhìn vừa trẻ trung vừa đằm thắm của tác giả phim. Phim mô tả một hiện thực chiến tranh, nhưng bao phủ lên nó là tình yêu thủy chung giữa người với người và cả với mảnh đất họ đang sống".

Phim mô tả một hiện thực chiến tranh, nhưng bao phủ lên nó là tình yêu thủy chung giữa người với người và cả với mảnh đất Thủ đô nơi họ đang sống

Một trong những lý do tạo nên thành công trước hết là kịch bản. Với kịch bản dung dị, không đao to búa lớn, không mang tính dạy dỗ về những vấn đề xã hội. Tác giả đã chọn khoảnh khắc ngày cuối cùng của chuỗi 60 ngày đêm cầm chân giặc của người Hà Nội chỉ để nói lên sự tận hiến của người Hà Nội cho mảnh đất của mình".

Có lẽ tác giả chọn khoảnh khắc ngày cuối cùng của chuỗi 60 ngày đêm cầm chân giặc của người Hà Nội chỉ để nói lên sự tận hiến của người Hà Nội cho mảnh đất của mình

Một trong những yếu tố khác tạo nên thành công của bộ phim còn nằm ở việc chọn nhân vật. Từ Trần Lực, Trung Hiếu cho đến cặp đôi diễn viên chính, rồi các nhân vận phụ như vợ chồng ông hàng phở, chú bé đánh giày... tất cả họ đều đã diễn mà như không diễn, như chính bản thân họ đã từng sống trong những ngày tháng ấy. Nhờ đó, những diễn viên đã truyền tải tới khán giả một cách chân thực và xúc động nhất những thông điệp mà phim mang lại.

"Đào, phở và piano" còn vượt ra khỏi ấn tượng về một bộ phim chậm, an toàn thường thấy. Dù diễn biến phim diễn ra vô cùng nhẹ nhàng nhưng có những tình tiết không thể đoán trước được nên khán giả bị cuốn theo vô cùng tự nhiên. Vào thời điểm ra rạp, phim đã được tạo "cú hích" nhờ truyền thông, không chỉ trên báo chí mà cả lẫn trên mạng xã hội.

Nghệ sĩ Văn Lượng, người phụ trách casting (thử vai) của phim "Đào, phở và piano" từng tiết lộ: "Phim được quan tâm có lẽ do kịch bản hay, các nghệ sĩ diễn xuất tốt. Hơn nữa, đề tài về Hà Nội những năm 1946-1947 vẫn rất thu hút khán giả nói chung, giới trẻ nói riêng. Khi chọn diễn viên, chúng tôi cũng chọn những nghệ sĩ phù hợp với vai nhất".

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/de-khan-gia-vuot-qua-dinh-kien-phim-dat-hang-den-rap-220643.htm