Để Huế còn mãi nét mộng mơ

(Toquoc)- Bây giờ, nếu đến Huế để tìm lại cảm giác một cuộc sống chậm rãi, nhẹ nhàng với những nét mộng mơ thì có thể, không ít người sẽ cảm thấy thất vọng.

“Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi”- cậu thơ của Olga Berggoltz chỉ còn hợp với Huế độ dăm năm trước.

Xứ Huế, xứ mộng mơ- không ai muốn rằng điều đó sẽ chỉ còn là hoài niệm. Bây giờ, nếu du khách đến Huế để tìm một cuộc sống chậm rãi, để cảm nhận sự lắng đọng của thời gian như dăm năm trước thì không khỏi thất vọng. Huế đang vươn mình thành một thành phố sôi động, náo nhiệt. Phải chăng dòng chảy cuộc sống và những toan tính thị trường đang dần làm mất nét trầm mặc và mộng mơ của Huế.

Đầu tiên là những người xe ôm ở Huế đã biết chèo kéo khách ở bất cứ điểm dừng nào của xe khách. Thậm chí, khi khách bày tỏ ý định đi taxi thì đã bị dọa “đi taxi nó cắt cổ (ý nói đắt đỏ)”, thậm chí còn lôi cả cha mẹ khách ra ngay. Ôi Huế, hai năm đã khác thế sao?

Không chỉ vẻ đẹp của phong cảnh là đủ mà tình người mới chính là thương hiệu của du lịch xứ Huế níu chân du khách

Một cô gái người Hà Nội vào Huế dịp Festival để thăm người thân đồng thời thưởng thức Festival. Đi xem lễ khai mạc, cô đã cẩn thận mặc cả bác xe ôm rồi mới leo lên xe, nhưng đi chưa được 1/3 chặng đường thì đường tắc (do cấm đường để tổ chức lễ khai mạc Festival), thế là cô gái đành chọn giải pháp xuống xe đi bộ cho kịp thời gian. Tuy nhiên, cô phải trả cho "cuốc" xe ôm đó số tiền của cả chặng đường dù chỉ mới đi được 1/3 chặng.

Chợ Đông Ba. Người bán hàng giờ nói đủ thứ tiếng: Pháp, Anh, Campuchia, rồi cả Trung Quốc…tùy theo dự đoán người khách đến từ nước nào. Tất nhiên đều là thứ tiếng tây bồi. Cả người đạp xích lô cũng xì xồ tiếng tây bồi để chèo kéo khách.

Huế đang xây dựng hình ảnh một thành phố du lịch chuyên nghiệp, nhưng đội ngũ những người phục vụ du lịch như xe ôm, xích lô lại chưa được quy hoạch thành từng cụm, từng khu vực. Vẫn mạnh ai nấy làm, gặp chỗ nào thì chào khách chỗ đó.

Khách sạn, nhà nghỉ vẫn tăng giá dịp Festival dù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết chống tăng giá. Trong đó, đặc biệt, các nhà nghỉ bình dân thì tăng đến 100- 150%. Thông tin từ một số người dân xung quanh khu vực nhiều nhà nghỉ (đường Hai Bà Trưng) cho biết, ngày thường, mỗi phòng chỉ có giá khoảng 100 ngàn nhưng trong dịp Festival, mỗi phòng được đề giá 250 ngàn!?

Festival đã trở thành thương hiệu của xứ Huế. Càng có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nghệ thuật của Festival, thì dường như, vẻ “hương đồng gió nội” của Huế càng bay đi ít nhiều. Đường phố Huế bây giờ đông người hơn. Xe máy, ô tô nhiều hơn, đường phố náo nhiệt, ồn ào hơn, đời sống người dân đã thay đổi nhiều và nếp sống cũng thay đổi. Nếu như chưa đầy chục năm trước, chẳng còn hàng quán nào ở Huế mở cửa sau 9 giờ tối thì bây giờ, có những hàng quán bán thâu đêm. Người dân giàu có hơn, cuộc sống sôi động hơn.

Dự báo năm 2012 Huế sẽ đón khoảng 2,2- 2,5 triệu lượt khách du lịch

Những đổi thay của Huế, ít nhiều có sự đóng góp từ Festival Huế đem lại. Đúng như mục tiêu của những người tổ chức Festival, khi xây dựng thương hiệu Festival, hiệu ứng tích cực nhất mà theo ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Sau mỗi kỳ Festival, tiềm năng du lịch với thế lợi về thiên nhiên, văn hóa được phát huy hơn; kinh tế xã hội của tỉnh sẽ vì thế mà mạnh hơn”.

Không phải bỗng dưng mà Huế đều đặn chi mỗi năm vài chục tỉ đồng cho Festival. Năm nào, BTC Festival cũng công bố nguồn tài trợ của các đơn vị cho chương trình văn hóa đặc sắc này. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa phần nào cũng đỡ gánh nặng cho ngân sách. Năm nay, BTC cho biết, có hơn 25 tỷ đồng của các nhà tài trợ cho hoạt động Festival và Năm du lịch Quốc gia. Từ các hoạt động văn hóa của Festival, hình ảnh Huế, con người Huế nói riêng và hình ảnh, con người Việt Nam nói chung được quảng bá ra thế giới. Đây cũng là một cách Huế từng bước tạo dựng thương hiệu cho mình.

Nhờ vậy, năm 2011, chỉ riêng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón được gần 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 883.218 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu trên 88 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2012, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 800 ngàn lượt khách, trong đó, khách lưu trú 450 ngàn lượt, khách quốc tế 220 ngàn lượt, doanh thu đạt 450 tỷ đồng, trong đó, doanh thu quốc tế chiếm 60%; doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt trên 1000 tỷ đồng.

Năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huếphấn đấu đạt doanh thu từ các hoạt động bán vé tham quan và dịch vụ là 100 tỷ đồng. Huế cũng dự báo năm 2012 sẽ đón khoảng 2,2- 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 1 triệu lượt khách quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu ấy, Festival là động lực thúc đẩy rất lớn. Chính ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: “Festival 2012 sẽ là động cơ để đẩy thu từ dịch vụ du lịch của tỉnh từ 45% tổng sản phẩm GDP lên 50% vào năm 2015. Đây cũng là nền tảng để Thừa Thiên Huế sớm thực hiện thành công Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015”.

Vẫn biết đời sống kinh tế phát triển, dù muốn thì cũng không thể nào vừa có một người phụ nữ buôn bán đảm đang tháo vát vừa dịu dàng, e ấp như thiếu nữ. Vì vậy, phải chăng mặc nhiên chúng ta phải chấp nhận sẽ mất dần một Huế mộng, Huế mơ để có một Huế năng động, náo nhiệt của một thành phố Festival. Nhưng dù có năng động và phát triển đến đâu thì cũng mong rằng Huế còn giữ lại được những nét duyên đặc trưng của Huế. Và cũng chỉ mong rằng, một vài hiện tượng như bài viết đã nêu, sẽ sớm được những người làm công tác quản lý chấn chỉnh. Bởi dù thế nào, muốn phát triển du lịch bền vững, không phải vẻ đẹp của phong cảnh là đủ mà tình người mới chính là thương hiệu của du lịch xứ Huế níu chân du khách. Để mỗi lần đến Huế, sẽ vẫn nhớ da diết câu dạ thưa ngọt lịm “Dạ thưa xứ Huế bây chừ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Hồng Hà

Ảnh: Thảo Tuấn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/102975/de-hue-con-mai-net-mong-mo.aspx