Để DN Việt không mất cơ hội kinh doanh công nghiệp tái chế trên 'sân nhà'

Việc tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào lĩnh vực công nghiệp tái chế ở Việt Nam là rất quan trọng trong lúc này, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy vậy, vẫn còn đó những rào cản, thách thức cho khối nội và cả nỗi lo đánh mất cơ hội ngay trên 'sân nhà' khi mà rất nhiều công ty nước ngoài nhăm nhe thâm nhập lĩnh vực này.

Theo ước tính, mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nhựa nguyên liệu, chưa kể mỗi năm thải ra môi trường 3,3 triệu tấn rác thải nhựa các loại, đứng thứ 4 trên thế giới. Điều đáng nói, tỷ lệ thu gom mới đạt 27% và tái chế đạt 10%.

Nhu cầu càng tăng, cơ hội càng nhiều

Trong khi đó, việc tham gia của các doanh nghiệp (DN) nội địa vào lĩnh vực công nghiệp tái chế các sản phẩm nhựa được cho là sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu nhựa nguyên liệu, thậm chí là thúc đẩy xuất khẩu (XK) hạt nhựa tái chế.

Nhu cầu tái chế chất thải đang rất lớn, là cơ hội cho các DN nội địa bước chân vào lĩnh vực này.

Như trường hợp Công ty Nhựa tái chế Duy Tân ở Tp.HCM từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2023 đã thu gom và xử lý 3,66 tỷ chai nhựa các loại, tương đương 36.600 tấn. Không những vậy, công ty này mới đây còn ký kết với một DN lớn trong lĩnh vực sản xuất nước suối đóng chai để thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa giai đoạn từ năm 2023 - 2027.

Nhờ tích cực trong lĩnh vực tái chế mà Duy Tân đã XK 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào thị trường Mỹ hồi năm 2022. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho các DN nội địa khi bước chân vào lĩnh vực kinh doanh tái chế dù vẫn còn khá khiêm tốn.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA), cho biết việc tái chế nhựa không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm của DN với môi trường và xã hội. Sự gia tăng đáng kể của việc sử dụng nhựa một lần, cùng các chất thải rắn có xu hướng gia tăng, rồi ô nhiễm môi trường nước…đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc xử lý tái chế.

Chia sẻ tại triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 14 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải Vietwater 2023 và triển lãm về ngành xử lý chất thải & công nghệ môi trường tại Việt Nam – WETV 2023 (quy tụ 450 DN trưng bày đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, kết nối với hơn 10.000 khách tham quan chuyên ngành) diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 11/10, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh việc tham gia của các DN Việt Nam vào lĩnh vực tái chế là rất quan trọng trong lúc này, nhất là cần đầu tư vào máy móc, công nghệ tiên tiến để phục vụ cho hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Qua đó các DN sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

“Chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân để hỗ trợ việc phân loại và thu gom, tái chế chất thải rắn, cũng như xử lý chất thải trong môi trường. Đây vốn là lĩnh vực đầy thách thức, đòi hỏi cần cải tiến công nghệ để mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các công ty tái chế”, vị chủ tịch của VWRA nhấn mạnh.

Tháo gỡ rào cản, “tiếp sức” cho khối nội

Còn theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các ngành sản xuất phục vụ XK của Việt Nam (như dệt may, da giày, sắt thép, nông lâm thủy sản…) trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới đều phải tính đến việc tăng cường quá trình tái chế. Các sản phẩm, hàng hóa muốn XK sang các nước đều phải đảm bảo tín chỉ carbon, chứng minh được hàm lượng tái chế. Điều này mang lại cơ hội phát triển rất lớn cho các DN Việt trong lĩnh vực tái chế, công nghiệp xử lý môi trường.

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế nội địa, ông Trung cho rằng ngoài sự ưu đãi từ khâu chính sách, từ các cơ quan quản lý, từ từng địa phương, thì cần sự tham gia đồng hành mạnh mẽ của các DN trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, vị Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu ý không ít khó khăn, thách thức. Nhất là trong nội tại của lĩnh vực tái chế, công nghiệp xử lý môi trường hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, về hạ tầng cũng chưa đảm bảo. Các DN tái chế mới vẫn chưa thể đa dạng hóa khả năng hoạt động, chỉ tập trung được một vài lĩnh vực đơn lẻ.

“Chẳng hạn như trong mảng chất thải ở ngành điện tử hay ở ngành thủy tinh vẫn còn rất ít DN tham gia xử lý tái chế để tạo thành nguyên vật liệu cho ngành sản xuất”, ông Trung nói.

Mặt khác, một số chính sách vẫn chưa đáp ứng và thúc đẩy hỗ trợ cho các DN nội địa trong ngành công nghiệp tái chế. Đơn cử như chính sách về hỗ trợ, xã hội hóa và đầu tư cho quản lý tái chế. Hay như giá thu gom, vận chuyển và xử lý vẫn còn nhiều điểm bất cập. Không những vậy, có những địa phương còn chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc thu gom, tái chế chất thải và chưa coi chất thải là nguồn tài nguyên, dẫn đến việc chỉ chăm chăm chôn lấp hoặc đốt chất thải.

Trong khi đó, có những DN dù rất mong muốn được tham gia vào lĩnh tái chế, tái sử dụng chất thải này nhưng chưa được sự đồng ý từ những cơ quan liên quan và địa phương. Đây cũng là rào cản lớn đối với lĩnh vực công nghiệp tái chế ở Việt Nam.

Điều đáng nói, trong khi các công ty nội địa ở lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường ở cả đầu vào lẫn đầu ra, thì như lưu ý của ông Hồ Kiên Trung, có rất nhiều công ty nước ngoài đang rất mong muốn thâm nhập vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngành công nghiệp tái chế trong nước cần hết sức lưu tâm để không phải mất đi cơ hội ngay từ trên “sân nhà”.

Đó là thách thức lớn cho những DN nội địa trong ngành công nghiệp tái chế và là điều mà khâu chính sách và các cơ quan quản lý, các địa phương cần lưu tâm để tạo điều kiện thuận lợi, “tiếp sức” cho khối nội trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-dn-viet-khong-mat-co-hoi-kinh-doanh-cong-nghiep-tai-che-tren-san-nha-1095920.html