Thêm nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng

Nhiều hệ thống phân phối, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đã và đang gửi yêu cầu về những mặt hàng cần kết nối, giao thương sự kiện Vietnam International Sourcing.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trước thềm diễn ra sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" (Vietnam International Sourcing 2024) sẽ chính thức được diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 6 - 8/6/2024 rất nhiều hệ thống phân phối, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đã và đang gửi yêu cầu về những mặt hàng cần kết nối, giao thương; trong đó, nhiều nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới lần đầu tiên xác nhận tham gia sự kiện.

Doanh nghiệp trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh. Ảnh: Bộ Công Thương

Doanh nghiệp trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ, lần đầu tiên thương hiệu chuỗi bán lẻ hàng đầu Trung Quốc - MINISO xác nhận sẽ tham gia Vietnam International Sourcing 2024 và có mong muốn tìm kiếm, kết nối với các nhà sản xuất, cung ứng trong các lĩnh vực, ngành hàng: đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi, đồ nội thất, đồ thủ công..

Sau hơn 10 năm phát triển, MINISO đã có mặt tại 105 quốc gia với hơn 6,400 cửa hàng, bao gồm thị trường Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, Tây Ban Nha, UAE, Ấn Độ và Mexico... và phân phối sản phẩm tới hơn 1 tỷ khách hàng trên khắp các châu lục.

Đại diện thương hiệu MINISO cho biết sẽ cử đại diện cấp cao để tìm kiếm đối tác bền vững thông qua Vietnam International Sourcing 2024. Từ đó ký kết hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu thu mua số lượng lớn các nhóm sản phẩm tiêu dùng.

Đặc biệt, những mặt hàng mà thương hiệu này có nhu cầu thu mua, kết nối là: Dép đi trong phòng, lược, dụng cụ làm đẹp, cốc nhựa, hộp đựng đồ bằng nhựa, đồ chơi bằng nhựa, văn phòng phẩm, nước hoa, thú nhồi bông... để phân phối cho hơn 1 tỷ khách hàng của chuỗi hệ thống trên khắp thế giới.

Nhiều hợp đồng được ký kết tại chuỗi sự kiện. Ảnh Bộ Công Thương

Nhiều hợp đồng được ký kết tại chuỗi sự kiện. Ảnh Bộ Công Thương

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, tiếp nối thành công từ sự kiện năm 2023, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã tiếp tục xác nhận tham dự sự kiện Vietnam International Sourcing 2024 với số lượng doanh nghiệp đông hơn và đa dạng mặt hàng tìm kiếm hơn.

Năm 2024, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu có nhu cầu tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực, nhóm hàng thực phẩm gồm gạo, bún phở khô loại dai để xào, dứa đóng hộp, ngô non đóng hộp…

Liên quan đến nhóm hàng đồ gia dụng, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu cũng có nhu cầu tìm hiểu kết nối với nhà sản xuất Việt Nam và nhà sản xuất quốc tế ở ngành hàng sản xuất gỗ keo, gỗ sồi và các loại gỗ (trong số đó, chứng chỉ FSC - một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. là điều bắt buộc); nhà cung cấp gỗ sứ; nhà sản xuất kính; cơ sở sản xuất đồ chơi phục vụ cho Giáng Sinh...Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp phải được chứng nhận BSCI (Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh) hoặc SQ8000.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu chia sẻ, kết thúc sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2023”, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng tại thị trường Bắc Âu như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á Châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)... đã ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Nhờ đó, một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…

Tại sự kiện năm 2024, doanh nghiệp Bắc Âu tiếp tục quan tâm tìm kiếm nhà cung cứng về sản phẩm thực phẩm, gỗ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với hàng thực phẩm, các doanh nghiệp thực phẩm, sản phẩm không những đáp ứng yêu cầu bắt buộc của EU như an toàn sản phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu…mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe của người mua như các chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội…

Ngoài ra, Aeon - hãng phân phối hàng đầu Nhật Bản sẽ cử đoàn thu mua tại 5 nước đến Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” để tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng cho chuỗi siêu thị. Đặc biệt, Aeon tại Malaysia tìm kiếm các nhà sản xuất có thể hỗ trợ Halal; hải sản đông lạnh (tôm, cua, cá tra...); trái cây; thực phẩm chế biến sẵn; các loại rau củ (khoai lang...). Aeon tại Campuchia cũng có nhu cầu tìm kiếm nhà sản xuất bánh quy, bánh kẹ; hải sản đông lạnh; trái cây (Đà Lạt...); kem; Công ty Kirin - nhà sản xuất nước giải khát...

Ngoài ra, Aeon Thái Lan tìm kiếm nhà cung cấp về hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây... Aeon Hong Kong (Trung Quốc) có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp về thủy sản đông lạnh, thực phẩm chế biến đông lạnh và chế biến sẵn, trái cây và rau quả, sản phẩm liên quan đến giấy... Riêng Aeon Việt Nam cần tìm kiếm các nhà cung cấp chuối tươi xuất khẩu...

Tương tự, tại khu vực Mỹ - Latinh, Falabella hiện là hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực này với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại hoạt động tại Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Uruguay. Năm 2023, Tập đoàn này đã cử đoàn thu mua tham dự Vietnam International Sourcing và ngay lập tức tìm kiếm được đối tác cung ứng tại Việt Nam trong lĩnh vực quần áo và dụng cụ thể thao. Qua đó, đưa sản phẩm Made in Vietnam tiếp cận trực tiếp với 35 triệu khách hàng thường xuyên trong hệ thống cửa hàng của hãng tại khu vực Mỹ La tinh.

Theo Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, Vietnam International Sourcing 2024 có quy mô gấp đôi năm 2023 với 10.000 m2 dành cho 500 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, tập trung vào 5 ngành hàng: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất...

Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, các hội thảo chuyên đề và kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn: Điển hình như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển), LuLu (UAE)… cũng như các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tích cực triển khai đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/them-nhieu-tap-doan-phan-phoi-ban-le-den-viet-nam-tim-nguon-cung-ung/333863.html