Đê biển 150tỷ đồng, 8 tháng đã lún: Lại do thời tiết

Nguyên nhân do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày không phải nguyên nhân chính, điểm mấu chốt có thể là thiết kế sai.

Do nền đất yếu

Công trình nâng cấp đê biển Tây (tỉnh Cà Mau) với tổng số vốn đầu tư 150 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng khoảng 8 tháng đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng.

Trước thông tin trên, ngày 10/8, trao đổi với Đất Việt, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Bên cán bộ của tỉnh cũng đã xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo cụ thể.

Về nguồn vốn 150 tỷ đồng được dùng để làm công trình trên, tỉnh dùng nhiều nguồn vốn khác nhau chứ không riêng gì vốn ngân sách".

Trong khi đó, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND cho biết: "Sáng 10/8, tôi đã trực tiếp xuống hiện trường và tổ chức họp báo thông tin chính thức về sự cố trên".

Cụ thể, sự cố lún mặt đường và thân đê tại vị trí từ Km94+300 ÷ Km94+430 xảy ra vào lúc 5h10 phút ngày 06/8/2017, tại công trình thi công xây dựng gói thầu số 85, tổng chiều dài đoạn sụt lún khoảng 130m. Đoạn xảy ra sụp lún này chưa tổ chức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Đoạn công trình bị nứt, sụt lún

Đoạn thứ 02 cách đoạn đã sụt lún không xa, mái đê cho thấy những vị trí có biểu hiện bị xô lệch, chiều dài khoảng 100m. Đơn vị thi công đã gia cố thêm cọc bằng dừa, có gắng ổn định đoạn này. Đoạn đê này cũng chưa tổ chức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Thời điểm sự cố xảy ra mưa liên tục nhiều ngày, lượng mưa rất lớn.

Cả đoạn sụt lún 130 m và đoạn đang có biểu hiện bị xô lệch dài khoảng 100 m đều thuộc một trong hai đường dẫn kết nối giữa hệ thống đê biển với cống Hương Mai, có tổng chiều dài 1,2 km, trước đây nền đường có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đê biển đã được đầu tư từ năm 1997, 02 bên có khoan đào do đào đất lên đắp đường dẫn, nên khi nâng cấp, mở rộng, thân đê rơi vào 02 khoản khoan đào, nền đường rất yếu.

Đoạn xảy ra sự cố sụt lún thuộc một trong hai đường dẫn đã xây dựng xong, nhưng chưa được nghiệm thu. Còn 01 đường dẫn đang trong quá trình thi công.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, toàn bộ phần bê tông tấm đan mặt đường và kết cấu bên dưới mặt đường, mái taly phía đông của 130 m đê bị sụt lún hoàn toàn sâu từ 1,8 đến 2,0 m, ước thiệt hại khoảng 01 tỷ đồng.

Cũng theo nhận định ban đầu của các cơ quan chuyên môn, do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày, lượng nước mưa lớn, gây ngập úng cho khu vực; khi tháo nước chống úng, có thể làm giảm áp lực nước lên mái đê phía đồng gây trượt; hoặc cũng có thể bên dưới nền đê có các túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trược sâu nền, mái và chân đê.

Do thiết kế sai, thiếu dự tính

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho biết: "Đê biển Cà Mau rất thấp, chỉ một vài mét, chứ không cao hàng chục mét như ở các nơi khác, thậm chí nó rất đặc biệt, vì thường có gió chướng rất mạnh, thủy triều lại lên cao.

Đê biển Cà Mau lại rộng, thoải, không gian gió thổi mạnh, nên các gia cố bờ kè hiện tại không chịu được. Vì vậy, dù có tu bổ, nâng cấp thì cũng không ăn thua, vì sóng cao, đê lại thấp, theo các chuyên gia phải có cơ quan thiết kế, đo chiều cao sóng, tốc độ sóng.

Nền đường sụt lún 1-2m

Xảy ra vấn đề này theo tôi nguyên nhân chính là do thiết kế không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn cho tiến hành làm. Có thể họ quan niệm đá to chịu được nhưng đê biển sóng lớn như thế không làm kiên cố sẽ không chịu được?

Đê biển Dung Quất (Quảng Ngãi) sóng không mạnh bằng Cà Mau nhưng phải thả khối bê tông 4m3 để giữ đê mới chịu được.

Biển Cà Mau chỉ có thể tu sửa, chứ không ép được sóng. Nếu muốn sửa chữa thì cũng không khó khăn, vì trong năm sẽ có vụ thủy triều lên, thủy triều xuống, phải dựa vào mà làm, nhưng kiên cố chắn được sóng rất khó".

Bên cạnh đó, theo ông Hồng, hàng năm theo quy định của ngạch thủy lợi vẫn phải tu sửa đê điều, đổ sỏi, đổ đá, theo đúng quy định của Bộ.

Cà Mau phải xác định không chống được hoàn toàn, thì phải dùng cách khác, chủ trương nhà nước là cho trồng cây ngập mặn chặn sóng, nên cần dùng phương án này, sau đó bên trong đổ đá, xây bê tông, còn giờ chưa trồng cây đã làm thì thiệt hại là đúng.

Trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý đê, cụ thể là Sở NN-PTNT, Chi cục phòng chống thiên tai, Chi cục đê điều phải báo cáo phương án thiết kế, sửa chữa.

Trong khi đó, GS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho hay: "Tôi vừa đi tham quan con đường ven biển miền Tây xong, nhưng ở đây sụt lún là do khảo sát địa chất, đánh giá thiếu chính xác ngay từ ban đầu, nên khi đưa vào sử dụng một thời gian mới xảy ra sụt lún.

Đê biển làm ở vùng Cà Mau rất phức tạp vì địa hình nền địa chất yếu, biển lại có xu hướng xâm lấn vào đất liền.

Công trình này vẫn còn đang được xây dựng chứ chưa được nghiệm thu 100%, nên nhà thầu thi công phải có trách nhiệm sửa chữa. Với đê biển mọi mặt kỹ thuật đều phải lường trước, nếu không lường được hết thì hệ quả sụt lún, xuống cấp, thậm chí bị phá vỡ là nhìn thấy trước.

Đây là sự cố không ai mong muốn, tuy nhiên làm chưa đúng, chưa đạt chuẩn thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm".

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-bien-150ty-dong-8-thang-da-lun-lai-do-thoi-tiet-3340874/