Để bảo tàng thu hút đông đảo công chúng

Là địa chỉ hội tụ tinh hoa, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, bảo tàng là điểm đến được lựa chọn của du khách để tìm hiểu về con người, văn hóa và những nét đặc sắc của một vùng đất. Nhưng đáng buồn là số bảo tàng thu hút được đông đảo người xem chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Triển lãm Bảo vật hoàng cung - kim sách triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Buồn như... đến bảo tàng (!)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 10 giờ sáng một ngày cuối tuần. Dù tọa lạc ở một vị trí đắc địa của Thủ đô, liền kề Nhà hát TP Hà Nội, nhưng phòng trưng bày cả hai tầng của tòa nhà chỉ vẻn vẹn chưa đến chục người khách. Không gian tĩnh mịch, vắng lặng. Một nhân viên ở đây xác nhận, tình trạng Bảo tàng vắng vẻ thế này là bình thường, chỉ khi có khách tua du lịch hay các trường học tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế thì các phòng trưng bày mới trở nên rộn rã, đông vui. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Thái Học cũng không hơn là mấy. Dù là một Bảo tàng quốc gia, nơi sở hữu rất nhiều tư liệu, hiện vật giá trị của nền mỹ thuật nước nhà, nhưng lâu nay lượng khách tự do thường xuyên đến để tìm hiểu nền mỹ thuật Việt Nam, thưởng thức những tác phẩm tranh, tượng điêu khắc của các nghệ sĩ tên tuổi trong nước còn rất khiêm tốn.

Là một địa chỉ hiếm hoi có lượng khách thường xuyên đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, sau gần 20 năm mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều "phép thử" để tìm được giải pháp hữu hiệu, xóa bỏ cách nhìn nhận buồn tẻ lâu nay về hoạt động bảo tàng. Trình diễn rối nước, văn nghệ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống,... chính là những thử nghiệm để tìm lời giải cho bài toán hút khách mà bảo tàng đã thực hiện. Thật may mắn khi không còn hiếm cảnh tượng người dân Thủ đô tìm đến nơi đây vào những ngày nghỉ lễ, dịp cuối tuần để tham gia các hoạt động trải nghiệm sống động này. PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, để công chúng tò mò tìm đến thì dễ, nhưng làm thế nào cho người ta quay trở lại nhiều lần mới khó. Yêu cầu đó buộc các bảo tàng phải chuyển động, thay đổi tư duy.

Buồn như đến bảo tàng, có lẽ đó không chỉ là cách ví von mà còn là thực trạng chung tại phần lớn các bảo tàng trên cả nước hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, "bắt bệnh" thực trạng vắng khách của bảo tàng không khó, mà dễ thấy nhất là con đường từ bảo tàng đến công chúng còn dè dặt, thụ động. Khối lượng di sản khổng lồ đang được trưng bày và lưu giữ trong các bảo tàng, di tích vì thế cũng chưa thể được phát huy mạnh mẽ giá trị. Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo tàng, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, trong số hơn 150 bảo tàng cả nước mới chỉ có một vài đơn vị có phòng hoặc bộ phận chuyên trách việc quảng bá, tiếp thị như các Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Dân tộc học Việt Nam... Hiếm bảo tàng có kế hoạch dài hạn, đặt ra mục tiêu và phương thức thực hiện cụ thể cho việc này. TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đã qua rồi cái thời ngồi chờ khách tự tìm đến xem; mà cần phải biết nhu cầu của khách hàng để tiếp thị, đưa bảo tàng đến với khách tham quan. Hoạt động trưng bày lâu nay ở các bảo tàng thường chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền thuần túy, trưng bày kém hấp dẫn, khô khan theo kiểu căng-tin thời bao cấp, có gì cho ăn nấy mà không quan tâm xem khách hàng thích ăn gì, cần gì? Công tác nghiên cứu trong bảo tàng cũng nhằm mục đích lấy thông tin chứ không quan tâm đến sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Vì vậy mà khó thu hút được du khách.

Cần chủ động tìm đến công chúng

Chia sẻ những kinh nghiệm phát huy giá trị đặc biệt của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Giám đốc Khu Di tích - TS Nguyễn Văn Công, cho biết: 47 năm qua, nơi đây đã đón tiếp và phục vụ hơn 60 triệu lượt khách từ hơn 170 quốc gia trên thế giới đến tham quan và học tập. Ngoài sức thu hút lớn bởi giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của khu di tích đặc biệt quan trọng này, còn có một lý do không kém phần quan trọng là hoạt động tiếp thị, quảng bá được triển khai bài bản. Qua đó, phát huy được các giá trị ẩn chứa trong hệ thống di sản vật thể và phi vật thể, giúp khách tham quan có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên gây ấn tượng không chỉ bởi không gian xanh mát và những phòng trưng bày được bài trí công phu, mà còn ở nhiều hoạt động trải nghiệm sinh động thường xuyên được tổ chức. Chúng tôi đến đây khi đội ngũ cán bộ bảo tàng đang căng mình để hướng dẫn hàng trăm học sinh các trường THCS trên địa bàn tham gia chương trình trải nghiệm thực tế rất ý nghĩa. Với chủ đề Theo bước chân bộ đội Cụ Hồ, các em học sinh vào vai anh bộ đội, nữ dân quân hỏa tuyến. Mô hình bếp Hoàng Cầm, ba-lô ngụy trang, đoàn tàu không số, những bước chân xẻ dọc Trường Sơn... được tái hiện sinh động, cuốn hút. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Ngân cho biết, đáp ứng nhu cầu của công chúng, bên cạnh những trưng bày "tĩnh", bảo tàng đã tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề gắn với dòng chảy cuộc sống, với những vấn đề của xã hội đương đại như môi trường, bình đẳng giới... Trong mỗi không gian trưng bày của bảo tàng, công chúng không chỉ nghe, nhìn mà còn được trải nghiệm, vào vai các nhân vật, đối tượng khác nhau, nhờ vậy, khách tìm đến bảo tàng ngày càng đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Việc đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng cũng được đưa ra như một giải pháp tích cực để tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Từ kinh nghiệm hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS, TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng cho biết, đa dạng hóa các hoạt động đã phát huy được thế mạnh của bảo tàng trong việc khai thác sự phong phú của nhiều loại hình di sản, tạo thêm nhiều hoạt động giúp công chúng khám phá, trải nghiệm; kích thích khả năng và sự hứng thú đối với các giá trị văn hóa của nhiều vùng miền, địa phương, tộc người. Ở một khía cạnh khác, tăng thêm hoạt động cũng là giải pháp để giảm đi sự tĩnh lặng, đơn điệu và buồn tẻ. Qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào của công chúng, khích lệ ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Những năm qua, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) luôn là một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách khi đến thành phố. Theo Giám đốc Huỳnh Ngọc Vân, bảo tàng luôn tìm tòi những biện pháp hữu hiệu nhất để tiếp tục thu hút khách tham quan. Sau đợt tập huấn năm 2005 về "Chính sách công chúng" và nhiều đợt tập huấn cùng các chuyên gia quốc tế, bảo tàng đã quyết tâm xây dựng "Chính sách công chúng" cho chính mình. Hằng năm, bảo tàng thực hiện nhiều triển lãm chuyên đề ngắn ngày, tạo thêm sức hút đối với du khách. Các chủ đề Tình yêu trong chiến tranh, Trẻ em thời chiến, Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh... là những dấu ấn đẹp được tạo dựng từ các hoạt động hướng đến nhu cầu của công chúng mà đơn vị đã thực hiện.

Đến nay, những bảo tàng có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng như trên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đây là những địa chỉ có nhiều hoạt động đổi mới về nghiệp vụ, chất lượng chuyên môn và phương thức hoạt động. Và thực tế, lượng khách hàng đông đảo đã giúp các bảo tàng tồn tại và phát triển. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều bảo tàng vẫn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, hoạt động chuyên môn theo dạng "mùa vụ", thiếu sự quan tâm nghiên cứu nhu cầu của công chúng. Không hiếm trường hợp khi khảo sát, công chúng không biết hoạt động, chức năng của bảo tàng, đơn thuần vì hoạt động của bảo tàng đó không để lại ấn tượng gì trong ký ức cộng đồng. Xác định công chúng là khách hàng chính là giải pháp hữu hiệu chữa "căn bệnh" vắng vẻ, đìu hiu kéo dài ở nhiều bảo tàng trong nước hiện nay. Và đưa được bảo tàng và công chúng xích lại gần nhau chính là góp phần giúp các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại.

Bài và ảnh: NGUYỄN THU TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31386302-de-bao-tang-thu-hut-dong-dao-cong-chung.html