ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: KỲ HỌP THỨ 5 GHI DẤU ẤN ĐỔI MỚI, TẠO TÁC ĐỘNG LAN TỎA

Qua nắm bắt tâm tư cử tri sau Kỳ họp, Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Kỳ họp thứ 5 đã ghi dấu nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức, nội dung chương trình, tạo tác động lan tỏa, mang đến nhiều hy vọng cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội đất nước.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, nêu cao tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; giám sát tối cao chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Qua nắm bắt tâm tư cử tri sau Kỳ họp, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Kỳ họp thứ 5 đã ghi dấu nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức, nội dung chương trình, tạo tác động lan tỏa, mang đến nhiều hy vọng cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội đất nước.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình

Phóng viên: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc, cơ bản hoàn thành được nội dung chương trình đã đề ra. Đây là Kỳ họp đầu tiên được tổ chức theo Nội quy Kỳ họp mới được ban hành năm 2022. Điều gì để lại nhiều ấn tượng nhất với đại biểu qua Kỳ họp này?

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Không chỉ trong Kỳ họp này, mà có thể nói, trong suốt thời gian qua, Quốc hội đã không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, thực hiện nhiều thay đổi cả về hình thức tổ chức và nội dung làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động, bám sát mục tiêu vì lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp.

Về mặt tổ chức hoạt động, Quốc hội đã tổ chức các Kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước, đến nay, các Kỳ họp bất thường đã trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội.

Riêng tại Kỳ họp lần này, Quốc hội đã sắp xếp khung thời gian hợp lý khi chia Kỳ họp làm 2 đợt với thời gian nghỉ để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó chỉnh lý, bổ sung các dự thảo luật, Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất.

Tôi cho rằng, việc sắp xếp thời gian như vậy đã được suy xét kỹ lưỡng, đem lại lợi ích lớn. Thực tế, thời gian nghỉ giữa hai đợt của Kỳ họp là khoảng thời gian rất cần thiết để đảm bảo các luật, Nghị quyết, các quyết sách của Quốc hội được thông qua đảm bảo yêu cầu cao về chất lượng.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Khoảng thời gian một tuần giữa 2 đợt của Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp trong suốt 4 ngày để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phóng viên: Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Qua các phiên tiếp xúc cử tri vừa qua, đại biểu nhận thấy cử tri đánh giá như thế nào về các nội dung này?

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Qua các phiên tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy sự ghi nhận rộng rãi của cử tri, rằng Quốc hội luôn hướng đến bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, trong các luật được thông qua tại Kỳ họp, phần lớn các nội dung đều để giải quyết những vướng mắc, bất cập đang gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn phát sinh trong tình hình dịch bệnh vừa qua, và trong bối cảnh mới.

Cụ thể, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thông qua nhằm giải quyết những bất cập trong đấu thầu vật tư, thuốc, thiết bị y tế để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe của người dân. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hướng đến tạo cơ chế thuận lợi cho người nông dân tham gia vào hợp tác xã, để chuyên nghiệp hóa, nâng cao giá trị của hoạt động sản xuất, kết nối sản phẩm với thị trường quốc tế. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết nhiều vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh mới, để cân bằng, hài hòa quyền lợi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Cũng tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận công khai tại hội trường về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây là một nội dung quan trọng, trước đây chỉ tiến hành gửi tài liệu cho các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, nhưng trong Kỳ họp này, Quốc hội đã dành một buổi để thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Việc thảo luận này đã tạo điều kiện cho chính cử tri được tham gia giám sát trực tiếp vào quá trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết, phản hồi kiến nghị cử tri của các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, nội dung thảo luận này cũng nâng cao hiệu quả công tác thực hiện kiến nghị của cử tri.

Qua các phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, tôi thấy cử tri theo dõi rất sát sao hoạt động của Quốc hội, nhiều ý kiến đánh giá cao việc tổ chức phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kiến nghị của cử tri. Chính những đổi mới như vậy đã thể hiện rõ Quốc hội đang hướng đến những quyết sách nhanh, đúng, đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dân, doanh nghiệp

Phóng viên: Trong tổng kết công tác của Quốc hội, giám sát thường không được coi là điểm mạnh, luôn cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa. Thời gian qua, các hoạt động giám sát của Quốc hội đã được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp với nhiều đổi mới mạnh mẽ. Đại biểu nhận định như thế nào về những đổi mới trong hoạt động giám sát đóng góp vào thành công của Kỳ họp lần này?

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Giám sát là nhiệm vụ quan trọng, một trong những chức năng chính yếu của Quốc hội. Lần này, thông điệp giám sát được thể hiện rất rõ, khác với thanh tra, kiểm tra, nhằm sớm phát hiện vấn đề, khó khăn, vướng mắc, để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chương trình, chính sách pháp luật, qua đó tạo những kết quả tốt nhất cho người dân, xã hội và doanh nghiệp.

Tôi vui mừng nhận thấy, nhiều hoạt động giám sát đã phát huy ngay tác dụng khi chưa kết thúc giám sát. Ngay trong quá trình giám sát, các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các chương trình, chính sách pháp luật cũng đã nhìn nhận ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, các cơ quan hữu quan cũng có cơ hội để chủ động hơn, kịp thời hơn trong việc điều chỉnh, thực hiện.

Tiêu biểu là chuyên đề giám sát về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy chưa kết thúc nhưng đã tạo ra những chuyển biến, thay đổi rõ rệt. Qua hoạt động giám sát của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan đã có nhiều điều chỉnh chính sách phù hợp, đồng loạt rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, có giải pháp khắc phục kịp thời những vướng mắc trong phân bổ vốn, giải ngân.

Bên cạnh đó, các nội dung, chuyên đề được lựa chọn để giám sát đã tương đối có trọng tâm, bám sát nhu cầu, đòi hỏi của đời sống thực tế. Trong năm 2024, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề gồm: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Đây đều là những vấn đề nóng, trọng tâm, cần kịp thời tháo gỡ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của 05 năm tới.

Một trong những điểm ấn tượng đối với tôi và nhiều cử tri khác tại Kỳ họp lần này là các phiên chất vấn. Bước vào Kỳ họp lần này, Quốc hội đã có định hướng rõ ràng, cụ thể trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các cam kết của Bộ trưởng. Đây là chủ trương rất đúng đắn. Việc thực thi những lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ trong các phiên chất vấn cũng được giám sát kỹ lưỡng.

Việc công chiếu trực tiếp nhiều phiên thảo luận, phiên chất vấn của Kỳ họp đã thể hiện rõ Quốc hội ngày càng đổi mới theo hướng công khai, minh bạch. Cánh cửa mở rộng của nghị trường cho phép cử tri được theo dõi, lắng nghe, tham gia, phản hồi với những luận bàn, quyết sách của Quốc hội. Điều đó thu hút được nhiều sự quan tâm, đóng góp, phân tích, đánh giá, nhận định tình hình, kiến nghị giải pháp… qua đó kiến tạo nên một diễn đàn rộng lớn, thu hút sự tham gia của các bên, các tổ chức, các chuyên gia để tổng hợp các giải pháp, các góc nhìn. Tác động lan tỏa từ Kỳ họp trong thời gian qua cho phép chúng ta hy vọng vào sự phát triển của mọi mặt kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=77818