ĐBQH - PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT

Khẳng định phụ nữ có những đóng góp rất to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam từ xưa đến nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thông qua chính sách và luật pháp, Quốc hội có thể khuyến khích cơ hội cho các nữ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, cũng như thúc đẩy đa dạng và bình đẳng giới trong ngành nghệ thuật.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc sống càng hiện đại, vai trò của người phụ nữ càng lớn. Ngoài việc đóng góp hơn năm mươi phần trăm dân số và gần năm mươi phần trăm lực lượng lao động xã hội, họ ngày càng có xu hướng tham gia vào nhiều lĩnh vực, hoạt động xã hội, nổi bật có thể kể tới trong lĩnh vực nghệ thuật… Ông có suy nghĩ thế nào về đóng góp của phụ nữ đối với nghệ thuật Việt thời gian qua?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong những năm vừa qua, chúng ta có thể thấy, nhiều nghệ sĩ nữ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam, đóng góp rất lớn vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung.

Trước tiên phải kể đến loại hình giải trí được ưa chuộng nhất hiện nay đó là âm nhạc. Chúng ta có thể thấy các nghệ sĩ nữ như Lê Dung, Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc, Thái Bảo, Thu Hiền, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà... đã có những đóng góp rất lớn, ghi dấu ấn đậm nét cho nền âm nhạc Việt Nam. Hay là những ngôi sao sáng đắt show của làng nhạc Việt hiện nay như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên... hầu hết đều là nữ giới. Ngoài ra, những nữ ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Khởi My, Hòa Minzy… cũng góp phần không nhỏ làm cho hoạt động âm nhạc ở Việt Nam sôi nổi, phong phú và đa sắc màu hơn.

Trong những năm vừa qua, các nghệ sĩ nữ đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung

Không chỉ thế, một số nghệ sĩ nữ còn mang đến những góc nhìn mới mẻ và sáng tạo trong nghệ thuật. Chúng ta có thể thấy điều đó từ những ca khúc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống trong âm nhạc của Hà Myo, Hoàng Thùy Linh,... hay cả ngay ở các loại hình nghệ thuật khác. Sự đa dạng và tinh thần sáng tạo của họ cũng thúc đẩy sự đổi mới và phát triển trong các lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học, và điện ảnh. Bằng cách tiếp cận mới mẻ, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nghệ sĩ nữ trẻ đồng thời cũng thể hiện khả năng biểu diễn và truyền đạt cảm xúc một cách chân thành và sâu sắc. Sự biểu diễn đầy tinh thần và nhạy cảm của họ giúp tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả và góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến việc các nghệ sĩ nữ trẻ trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật và thế hệ khán giả mới. Nhiều diễn viên điện ảnh, âm nhạc như Ninh Dương Lan Ngọc, Phương Anh Đào, Chi Pu, Vũ Cát Tường... đã thể hiện những câu chuyện, trải nghiệm cá nhân và tầm nhìn độc đáo thông qua nghệ thuật của mình, làm cho nghệ thuật trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, các nghệ sĩ nữ của Việt Nam đã có những đóng góp một cách to lớn vào sự phát triển nghệ thuật, lan tỏa tác động sang các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông qua sức sáng tạo, biểu diễn, làm nguồn cảm hứng cho sự tự hào của phụ nữ, giúp nghệ thuật trở nên đa dạng, phong phú, và mang tính nhân văn cao hơn.

Phóng viên: Dù được ghi nhận và dành nhiều tình cảm nhưng các nghệ sĩ nữ ở Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối mặt với câu chuyện “tiêu chuẩn kép” giữa nghệ sĩ nam và nữ. Ông có suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Vấn đề "tiêu chuẩn kép" giữa nghệ sĩ nam và nữ là một vấn đề đáng quan ngại trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, dù nghệ sĩ nữ đã nhận được sự đón nhận và tình cảm từ công chúng và ngành công nghiệp giải trí, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, họ vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và đánh giá theo "tiêu chuẩn kép".

Một số quan điểm và nhận thức còn tồn tại trong xã hội về vai trò và khả năng của nghệ sĩ nữ so với nghệ sĩ nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và biểu diễn. Có thể thấy rằng các nghệ sĩ nữ thường phải đối mặt với áp lực và kỳ thị về vấn đề ngoại hình, tuổi tác, và vai trò giới tính trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều đó đến từ việc dường như có một tiêu chuẩn về ngoại hình đẹp được xã hội đặt ra, và các nghệ sĩ nữ thường phải đối mặt với áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn này. Họ có thể phải đối mặt với sự kỳ vọng về việc giữ gìn ngoại hình để xuất hiện trên sân khấu hoặc trong các bức ảnh quảng cáo. Cũng tương tự như vậy, xã hội luôn trông đợi nghệ sĩ nữ phải giữ gìn tuổi trẻ để tiếp tục thành công trong nghệ thuật. Tôi nghĩ, tất cả những áp lực và kỳ thị này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, tinh thần đối với nghệ sĩ nữ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cũng với sự tiến bộ và sự thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật, ngày càng có nhiều nghệ sĩ nữ được công nhận và tôn vinh vì tài năng và đóng góp của họ vào sự đa dạng và phong phú trong nghệ thuật. Điều này không chỉ có ý ngiã tích cực đối với phụ nữ, mà còn với cả với sự phát triển chung của đất nước.

Phóng viên: Theo ông, Quốc hội có vai trò như thế nào trong việc phát huy vai trò của nghệ sĩ nữ trong phát triển nghệ thuật cũng như giải quyết các vấn đề xã hội khác?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ, Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy vai trò của nghệ sĩ nữ không chỉ giúp thúc đẩy phát triển nghệ thuật mà còn giúp giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra một môi trường công bằng và đa dạng cho tất cả các nghệ sĩ.

Đầu tiên là thông qua chính sách và luật pháp. Quốc hội có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành nghệ thuật bằng các chính sách và luật pháp hỗ trợ cho nghệ sĩ nữ, như xem xét về những chính sách khuyến khích các nguồn tài trợ và hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi và cơ hội cho nghệ sĩ nữ, cũng như thúc đẩy đa dạng và bình đẳng giới trong ngành nghệ thuật.

Thứ hai, trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, hay trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, cũng như xem xét đầu tư, Quốc hội có thể xem xét cung cấp nguồn một tài chính để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển và sản xuất các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nữ, trong đó có cả quỹ hỗ trợ, học bổng và chương trình đào tạo đặc biệt cho nghệ sĩ nữ.

Thứ ba, Quốc hội của chúng ta nên khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật bằng cách định hình các chính sách và khuyến nghị hỗ trợ cho việc sản xuất và thúc đẩy các tác phẩm của nghệ sĩ nữ, đồng thời khuyến khích việc đa dạng trong biểu diễn và sáng tác của họ.

Thứ tư, tôi nghĩ cũng rất quan trọng, đó là Quốc hội cũng cần đảm bảo rằng nghệ sĩ nữ có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định và đại diện cho quan điểm và quyền lợi của họ trong các cơ quan quyết định và tổ chức liên quan đến ngành nghệ thuật và các vấn đề xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85205