Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Rút ngắn khoảng cách miền xuôi-miền ngược

Từ tháng 8-2008, Bộ GD&ĐT đã triển khai trên toàn quốc việc dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc chưa biết tiếng Việt với 5 phương pháp cơ bản. Thực tế cho thấy, chương trình đã mang lại nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện khó khăn trong việc tổ chức trường lớp, áp dụng chương trình tại các địa phương miền núi, dẫn đến tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số không đọc thông, viết thạo tiếng Việt còn khá cao.

Thực trạng 40-50% học sinh dân tộc thiểu số địa bàn miền núi trên cả nước chỉ đạt trung bình hoặc yếu về kỹ năng sử dụng tiếng Việt đang là bài toán nan giải đối với giáo dục vùng cao. Theo ông Lương Đức Soòng, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, việc thực hiện chương trình dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh thiểu số vấp phải nhiều khó khăn, cơ bản vẫn là các em chưa nói sõi tiếng Kinh (tiếng phổ thông). Việc triển khai đề án của Bộ GD&ĐT năm 2008 về dạy tiếng Việt sẽ đặt ra 2 vấn đề: nếu dạy kiến thức phổ thông bằng tiếng dân tộc thì trẻ tiếp thu rất nhanh, nhưng sau đó dạy kèm song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ) sẽ mất nhiều thời gian và thiếu giáo trình chuẩn. Còn nếu dạy tiếng phổ thông từ đầu, học sinh khó tiếp thu, buộc giáo viên phải biết cả “nội ngữ”, tức là tiếng dân tộc thiểu số! Do đó giải pháp của ngành GD Hà Giang là mở hàng loạt các lớp dạy tiếng Mông, Dao, Tày cho các giáo viên, nhằm góp phần nâng cao truyền thụ kiến thức trong giảng dạy đối với học sinh dân tộc thiểu số. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, việc áp dụng giáo trình dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trên toàn quốc như hiện nay gây khó khăn rất lớn đối với học sinh dân tộc thiểu số. Do chưa thạo tiếng phổ thông, việc tiếp thu kiến thức của những học sinh này luôn bị hạn chế. Trước thực trạng trên, ngày 21-9-2009, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục ban hành công văn hướng dẫn nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số từ năm học 2009 – 2010. Theo đó, nhiều giải pháp, nội dung phù hợp được áp dụng trong năm học này. Cấp học mầm non cần huy động tối đa trẻ 5 tuổi; tích cực chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 với tinh thần liên thông giữa mầm non và tiểu học. Các địa phương cũng cần triển khai chương trình làm quen với tiếng Việt trong hè đối với trẻ chưa học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, nhằm chuẩn bị tốt khả năng lĩnh hội khi trẻ vào lớp 1. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo, việc dạy học thí điểm môn tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc theo định hướng chỉ đạo tăng thời lượng dạy học từ 350 tiết thành 500 tiết sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Đối với 7 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Kon Tum, Quảng Bình) đang thử nghiệm dạy học Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, cần thực hiện. Hoàng Anh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=20881