Dạy thêm, mùi hôi và 'quy hoạch vợ'...

TP. Hồ Chí Minh nhất quyết cấm dạy thêm và sẽ “đuổi việc” nếu giáo viên vi phạm. Bộ trưởng mới của GDĐT thì nói, thành phố có thể làm nhưng không nên vội vì học sinh giỏi cần học thêm để giỏi hơn và học sinh kém cần học thêm để khỏi kém thêm.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Phụ huynh cần con học thêm để quản chúng nếu trường chỉ dạy có một buổi. Luật sư nói, sao bác sĩ làm ngoài, khám thêm được mà giáo viên thì không. Cấm là sai luật hành nghề lao động. Giáo viên nói, lương 2,8 triệu chưa bằng lương “ô-sin” phổ thông, không dạy thêm lấy tiền đâu cho chính con mình cũng đang học thêm. Bộ trưởng nói, giáo viên là trung tâm, chìa khóa của đổi mới nhưng không nói gì tới thu nhập của họ cả. Cấm nhà trường cho thuê chỗ dạy, cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình thì chỉ còn cách đổi học sinh cho nhau mà dạy ở nhà phụ huynh nào đó thôi. Có hiệu trưởng đã rơi lệ vì thương giáo viên không được dạy thêm. Hiệu trưởng khác nói: Mất chức thì thôi chứ không cam tâm rình bắt đồng nghiệp của mình dạy thêm… Năm học mới đã khai giảng ngắn gọn ít diễn văn hơn dù Bộ đưa ra đến “9 nhiệm vụ và 5 giải pháp” khá cồng kềnh. “Trọng tâm” nhiều tới mức mất trọng tâm, khó nhớ xuể. Tuy nhiên, Bộ kỳ này rất hay khi tuyên bố: Sẽ cải cách theo ý mình, lắng nghe nhưng không đẽo cày giữa đường và đổi mới nhưng không gây sốc! Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... dự khai trường truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Khó có nước nào giáo dục được quan tâm ồn ào, tâm huyết đến như vậy. Tuy nhiên toàn cảnh vẫn là các thực trạng đa dạng ở các địa phương, các nguyên nhân khó truy tìm ở các thiết chế và các giải pháp khó khả thi ở các cấp từ thấp lên cao. Nhìn “một cách khoa học” thì mọi thứ đều rất “khó xác định”!

Mùi hôi lan tràn vùng rộng lớn phía nam thành phố, bao gồm cả khu đô thị mẫu - đáng sống nhất - Phú Mỹ Hưng. Cứ tưởng ngửi thì biết và nguyên nhân, xuất xứ của nó thì cứ theo hướng gió là truy ra ngay. Nhưng không phải vậy: Chưa chắc tại bãi rác mà chôn lấp hay đốt cháy còn là những quy trình xử lý gây tranh cãi về mặt “khoa học xử lý rác”. Có thể tại 5.000km kênh rạch ngập rác hiện đang được bốn, năm cơ quan chịu trách nhiệm và hàng chục quận huyện khác nhau quản lý khiến rác thải cứ lềnh bềnh ngao du cùng khắp vì ai cũng đứng chờ rác nó trôi đi chỗ khác, ra khỏi địa phận của mình, khỏi “khâu mình quản”. Mùi hôi ấy cũng có thể tại các cơ sở chế biến thực phẩm như “phế phẩm cá”, tức đầu ruột cá hư thối được sơ chế để cung cấp cho các chợ dân sinh nghèo, các bếp ăn công nhân… Nghe thật phẫn nộ và đau xót nhưng nó là thực tế mà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân. Tại sao người ta lại chuộng ăn lẩu đầu cá hỏng? Tại sao món hàng gây mùi thối này lại cháy hàng “bao nhiêu cũng hết”? Các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ khoa học thực phẩm dinh dưỡng, kinh tế học và xã hội học nên vào cuộc mà tìm cho ra ngọn nguồn của mùi hôi. Lại nữa: Cần xác định mùi hôi là gì một cách khoa học khách quan. Nồng độ chất H2S chẳng hạn là bao nhiêu thì gọi là “hôi thối”. Ở Mỹ người ta quy định là 19mg/1m3 không khí chẳng hạn. Nhưng ở ta, tiêu chuẩn Việt Nam cho phép tới 49mg cơ mà. Vậy cái mũi bạn có vấn đề. Đây chưa phải hôi thối (chỉ ở Mỹ thì mới là vấn đề môi trường). Vẫn dưới ngưỡng cho phép. Không khí vẫn an toàn, chớ kêu ca, hoang mang. Bằng chứng là nhiều quan chức ở khu đô thị cao cấp này vẫn hít thở làm mẫu (rồi quăng lên Facebook) cho dân chúng an tâm. Mùi hôi rất khó xác định.

Chính phủ đang quyết thành chính phủ kiến tạo, phục vụ Tổ chức cán bộ đang quyết quy hoạch luân chuyển cho đúng quy trình. “Tìm người tài, không tìm người nhà” là khẩu hiệu mới. Tuy nhiên rất khó xác định cái ông Phó chủ tịch V.X.Thanh kia đang ở đâu? Ốm bệnh hay nghỉ phép? Đang bị điều tra hay trốn lủi nơi nào? Cũng chưa xác định được vai trò của ổng trong vụ thất thoát hàng nghìn tỉ trước khi được thăng chức về địa phương. Giờ lại thêm một ông Cục trưởng V.T.Long “quy hoạch” ngay vợ mình vào chức vụ Cục phó Cục nhà mình vào năm sau. Ông nói rất hài hước và ngang nhiên tới mức “thô lỗ” rằng: “Quy hoạch để cho có” ấy mà. Quy hoạch ấy được anh em tập thể tín nhiệm, có ai phản đối đâu! Liệu những sự quy hoạch “bốc mùi” như vậy có phải là một nguyên do dẫn tới các vụ “bắn hạ nhau tại chỗ” (theo nghĩa bóng và nghĩa đen) thật rất sốc và đau đớn vừa qua? Các thực trạng, nguyên nhân và giải pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, cải cách bộ máy hành chính, quản lý, lãnh đạo… quả rất khó xác định.

Chúng ta cần biết sống chung với định mệnh “khó xác định” ấy của đất nước mình chăng?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/day-them-mui-hoi-va-quy-hoach-vo-590978.bld