Dạy thêm-học thêm: Góc nhìn đa chiều

Cụm từ 'dạy thêm-học thêm' xuất hiện từ khi nào, nhiều người không nhớ, nhưng tôi cho rằng, nó hình thành từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, nhất là thời kỳ luyện thi vào đại học khá rầm rộ. Thế hệ chúng tôi ở miền Nam trước năm 1975, bấy giờ cũng có đi học cours (học cua) ngoài giờ học chính khóa ở trường hoặc các trung tâm ngoại ngữ nhưng không phổ biến.

Trong các buổi dạy thêm, bên cạnh làm sâu sắc thêm các kiến thức trong chương trình, thầy-cô giáo còn phát triển thêm một tầng cao hơn, giải quyết những bài tập khó, nâng cao... mà ở giờ học trên lớp không đủ thời gian để rèn luyện, mở rộng.

Thực tế hiện nay, đa phần học sinh phổ thông trên cả nước đều đi học thêm, ngay cả các cháu mầm non chuẩn bị vào lớp 1 cũng được cho đi học trước chương trình để biết đọc, biết viết. Chỉ trừ những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, phong trào dạy thêm-học thêm mới không có đất “dụng võ” vì không có nhu cầu. Đây là vấn đề rất nóng trong ngành Giáo dục cả nước những năm gần đây.

Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư số 17/TTBGDĐT nhằm lập lại trật tự trong công tác dạy thêm-học thêm. Thông tư này làm rõ hơn quy phạm dạy thêm-học thêm. Đó là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành.

Ở đây, có những quy định khá chặt chẽ như: Không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ những trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được dạy thêm.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm-học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ chủ quản cũng cho biết, sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm-học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm-học thêm tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy vậy, một số quy định khác của thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành, như một số điều đã nhắc tới ở trên.

Thực tiễn của việc dạy thêm-học thêm trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng, cả tỉnh nói chung diễn ra khá phổ biến, tập trung vào một số môn như: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Bên cạnh các trung tâm giáo dục tư nhân được cấp phép, các lớp dạy thêm được cơ quan quản lý cho phép hoạt động thì cũng có trường hợp giáo viên đương chức dạy thêm ở lớp, trường mình đang công tác mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng tại Pleiku, có lẽ chính áp lực tranh suất vào học tại những trường THPT thuộc tốp đầu đã khiến các bậc phụ huynh của học sinh THCS cho con đi học thêm. Nhiều em ngoài giờ lên lớp chính khóa ở trường, còn phải cắp sách đi học thêm 4 đến 5 tiết mỗi ngày. Nhiều giáo viên THCS chính khóa lợi dụng nhu cầu này mà bắt buộc học sinh phải đi học thêm môn mình dạy để tăng thu nhập. Điều đó đã phát sinh nhiều tiêu cực như: dạy trước chương trình chính khóa, ưu ái cho điểm cao đối với học sinh đi học thêm…

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, một số lớp dạy thêm-học thêm hay các trung tâm ngoại ngữ, nhiều thầy-cô giáo có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề và có trách nhiệm nên hiệu quả học tập của các em được nâng cao, có kỹ năng thực hành tốt.

Tuy việc dạy thêm-học thêm có một số mặt tích cực, nhưng đa phần đã gây nhiều áp lực lên phụ huynh, học sinh và không đem lại sự công bằng cho cả giáo viên và học sinh trong trường học. Nhiều gia đình khó khăn, không có điều kiện cho con em đi học thêm, đa phần bị thiệt thòi, nhiều em học sinh phải đành dở dang trên chặng đường học tập.

Giáo viên dạy chính khóa sao nhãng đầu tư chuyên môn, truyền thụ kiến thức cho học sinh trên lớp mà chỉ chăm chú vào việc dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Nhiều học sinh bị cha mẹ ép phải đi học thêm quá mức, không có thời gian để vui chơi, dã ngoại, giao lưu, thể dục thể thao, đọc sách… Thiết nghĩ, ngành GD-ĐT cần xem lại việc quản lý, điều hành các cơ sở giáo dục và có phương án chấn chỉnh hoạt động dạy thêm-học thêm một cách thiết thực.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/day-them-hoc-them-goc-nhin-da-chieu-post253082.html