Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 11 tháng qua chỉ đạt 70,2% kế hoạch, trong đó vẫn còn 13 đơn vị có số giải ngân thấp dưới 50% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giải ngân cũng chỉ đạt 46,6% kế hoạch, trong đó có 17 đơn vị có số giải ngân dưới 50% kế hoạch. Như vậy, tốc độ giải ngân cả hai nguồn vốn quan trọng này còn thấp, nhất là so với cùng kỳ năm trước.

Vướng mắc do giao vốn chậm

Tổng số vốn đã thanh toán ước đến hết ngày 30-11 vừa qua là 173,5 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt gần 70% dự toán đã thông qua và dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân này đạt thấp so với mức 75,2% của cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số vốn đã giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 45,4 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 66,2% dự toán Quốc hội đã thông qua, đạt 66,7% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm 2015 đạt 76%. Số vốn các địa phương giải ngân được là 128 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt gần 70% dự toán vốn được giao.

Đối với nguồn vốn TPCP, tổng số vốn đã thanh toán ước đến hết ngày 30-11 là 22,2 nghìn tỷ đồng, chỉ mới đạt 46,6% dự toán vốn TPCP đã được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 62,3%). Theo đó, khối trung ương chỉ giải ngân được 7.544 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao, trong khi cùng kỳ năm 2015 đạt 62,3%. Khối các địa phương mới giải ngân được 14,6 nghìn tỷ đồng, đạt 59,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao, trong khi cùng kỳ năm 2015 đạt 70,5%.

Phó Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) Triệu Thọ Hân cho biết, việc giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 cho các bộ, ngành trung ương còn chậm và giao theo nhiều đợt (tháng 8 mới giao kế hoạch đợt 3) dẫn đến các bộ, ngành không chủ động được trong việc thực hiện kế hoạch và giải ngân. Việc giao kế hoạch vốn ngoài nước không bám sát với nhu cầu giải ngân thực tế. Một số bộ, ngành, địa phương được giao vốn với số kế hoạch lớn nhưng số liệu giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân (Bộ Công an chỉ mới giải ngân được 15,8%, Bộ Giáo dục và Đào tạo 15,9%, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạt 1,8%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 0,6%, tỉnh Quảng Ninh là 0%, Bắc Ninh là 0,5%,...).

Đối với nguồn vốn TPCP, sở dĩ có tỷ lệ giải ngân thấp là do một số dự án có kế hoạch năm 2016 được giao rất lớn (như dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là 4.249,7 tỷ đồng, dự án luồng tàu tải trọng lớn vào sông Hậu là 2.332,1 tỷ đồng...) nhưng hiện đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án nên chưa thực hiện; việc phân bổ vốn dư của các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ giao nên chưa có khối lượng để giải ngân cũng đã chiếm tới 11.902 tỷ đồng.

Cùng chung đánh giá với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhìn chung, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Do đó, tiến độ giải ngân nguồn vốn này các tháng cuối năm có tăng cao hơn nhiều so với trước khi có Nghị quyết số 60/NQ-CP. Điển hình như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, có nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm trong việc gửi báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình mục tiêu để thẩm định dù đã quá thời gian quy định; nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Một số bộ, ngành trung ương và địa phương không cải thiện được tiến độ giải ngân so với trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP.

Cần phương án điều chuyển linh hoạt

Từ tình hình nêu trên, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch vốn năm 2016 từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nhưng lượng vốn đầu tư phải giải ngân còn tương đối lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2016 của các dự án, kịp thời phát hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh việc nghiệm thu, quyết toán các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đi vào sử dụng để thanh toán dứt điểm khối lượng đã thực hiện.

Đối với đề xuất, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2016 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch trong năm 2016, dự kiến điều chuyển cho dự án khác (nếu có), các đơn vị sử dụng vốn đầu tư cần nhanh chóng báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác hoặc cho các dự án khác trong nội bộ bộ, ngành trung ương và địa phương. Đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định về đầu tư công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Trong đó, có yêu cầu cấp có thẩm quyền điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch 2016 để bảo đảm thực hiện hết kế hoạch được giao. Trong trường hợp không thực hiện hết kế hoạch sẽ cắt giảm số vốn của các dự án không giải ngân chưa có khối lượng thực hiện đến hết năm 2016 để điều chuyển, bổ sung cho các nhiệm vụ khác. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát việc thực hiện giải ngân vốn ODA để có phương án điều hòa, điều chỉnh cho phù hợp với khả năng giải ngân của các đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện về việc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017. Trong đó, sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ tiến độ giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có số giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 đến hết tháng 11 đạt dưới 50% kế hoạch vốn được giao, phải báo cáo phương án cắt giảm kế hoạch vốn. Đồng thời, người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch đã giao.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31482002-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html