Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, cộng đồng

Trước tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, ngành Y tế và các trường học tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường học và cộng đồng.

Một tiểu phầm về phòng chống dịch bệnh tại chương trình ngoại khóa trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình).

Mùa tựu trường là thời điểm giao mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Từ sau ngày khai giảng năm học mới, tại các nhà trường và các địa phương, số ca bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh chóng, nhất là ở trẻ em mầm non, bậc Tiểu học. Trong khi, trẻ mầm non và học sinh tiểu học chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân khi đến trường nên rất dễ lây bệnh và lây lan gia trong gia đình, cộng đồng.

Chị Hoàng Thùy Anh, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Mặc dù đến nay đã khai giảng được 3 tuần, nhưng lớp học và trường mầm non nơi con tôi học đã có nhiều trẻ phải nghỉ học do đau mắt đỏ. Để hạn chế cá bệnh truyền nhiễm cho con, tôi cho con đi tiêm phòng các loại bệnh hiện đã có vắc xin dự phòng, đồng thời tập cho con thói quen vệ sinh cá nhân, như ăn uống riêng, thường xuyên rửa tay và khi ho, hắt hơi phải che miệng, khăn giấy lau phải bỏ vào thùng rác có nắp đậy...

Theo thống kê của ngành Y tế (số các ca bệnh đã đến cơ sở y tế thăm khám), thời gian gần đây, trong số các bệnh truyền nhiễm theo mùa, bệnh đau mắt đỏ và sốt xuất huyết gia tăng nhiều hơn cả. Trong tháng 8/2023, số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình và Bệnh viện Mắt Hoa Lư là gần 700 ca. Tính từ đầu tháng 9 đến ngày 25/9, trong thời gian 25 ngày có khoảng 1.500 ca bệnh. Trong khi, ghi nhận qua hệ thống giám sát, số người bị đau mắt đỏ thực tế trong cộng đồng cao hơn nhiều lần.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, tính từ tháng 6/2023 đến ngày 20/9, toàn tỉnh ghi nhận 135 ca bệnh. Trong đó, riêng 25 ngày đầu tháng 9 đã ghi nhận gần 60 ca bệnh, có những ca bệnh mới 1 tuổi và người già gần 100 tuổi. Số ca bệnh và ổ dịch không ngừng tăng. Toàn tỉnh ghi nhận 12 ổ dịch đang hoạt động, ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Điều đáng nói là có những ổ dịch kéo dài đến ngày thứ 39 lại tiếp tục phát sinh thêm ca bệnh mới, cho thấy bệnh dịch đang tồn tại trong cộng đồng và có thể lây lan, bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có các biện pháp phòng chống và xử lý triệt để.

Trước thực tế một số bệnh truyền nhiễm gia tăng và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho phụ huynh, học sinh, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong trường học và cộng đồng.

Tại trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình), nơi có trên 1,4 nghìn giáo viên, học sinh. Để nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống các dịch bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, nhà trường đã tổ chức chương trình ngoại khóa "Tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh đau mắt đỏ".

Trong chương trình ngoại khóa, để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, các nội dung tuyên truyền, tìm hiểu về kiến thức các bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết được nhà trường tổ chức sinh động, bằng các hình thức đa dạng, như giao lưu, trả lời câu hỏi, xây dựng tiểu phẩm từ thực tế cuộc sống do chính các em thực hiện.... Từ đó thu hút sự chú ý, lắng nghe của các em học sinh, góp phần làm giảm tình trạng mắc và lây lan các bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Cũng sau chương trình ngoại khóa, các em học sinh được hướng dẫn và trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động làm sạch môi trường lớp học, khuôn viên, sân trường... Cùng nhau giữ gìn lớp học, trường học, môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh, không để muỗi sốt xuất huyết xuất hiện và gây bệnh, xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp và an toàn. Đồng thời, mỗi học sinh cũng là những tuyên truyền viên tích cực, có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trước số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương, trong khi hiện đang là thời điểm có mưa nhiều, nền nhiệt dao động từ 25-33 độ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Để chủ động phòng chống bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức hoạt động tẩm màn cho nhân dân một số địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) tẩm màn phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo đó, trong đợt này, tại xã Yên Đồng, có khoảng 1.600 chiếc màn được tẩm hóa chất và 30 hộ dân được phun hóa chất. Trước đó, Trạm Y tế xã Yên Đồng đã làm tốt công tác tuyên truyền tại hộ gia đình, trên hệ thống loa truyền thanh về những kiến thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh như: dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, thường xuyên súc rửa, thay nước và đậy kín các dụng cụ chứa nước, lật úp các vật dụng chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy, mặc đồ dài tay và ngủ màn kể cả ban ngày...

Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Dự báo những tháng cuối năm 2023, tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao do thời tiết thay đổi thất thường. Mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, điều kiện vệ sinh kém, dẫn đến một số dịch bệnh gia tăng. Cùng với đó, một số lượng học sinh, sinh viên và du khách đi, về Ninh Bình từ những nơi có dịch, sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan.

Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cùng vào cuộc để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp ngành Giáo dục, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống các dịch bệnh.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và nhà trường, rất cần sự phối hợp hiệu quả từ phía các bậc phụ huynh. Trong thời điểm học sinh đến trường, phụ huynh cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con em mình, tăng cường theo dõi sức khỏe và cập nhật tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh để không lây lan dịch bệnh trong cộng đồng... Đặc biệt, khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-benh-truyen-nhiem-trong/d20230927193654816.htm