Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng; sự yếu kém làm chưa hết trách nhiệm trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…”.

Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải tự giác, gương mẫu rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: TL Đây là sự kiểm điểm đánh giá hết sức nghiêm túc và sâu sắc của Đảng ta. Nguyên nhân trực tiếp, cơ bản của tình trạng trên trước hết và chủ yếu là do các tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; là do “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân còn “ẩn náu” trong mỗi cán bộ, đảng viên, nếu chúng ta không có các biện pháp tích cực để giáo dục, ngăn chặn thì đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa nhằm chống phá, bôi nhọ thanh danh của Đảng ta. Thực tiễn đã chứng minh, từ ngày ra đời đến nay qua các giai đoạn của cách mạng do Đảng ta thường xuyên làm tốt tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mà các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, vào sống ra chết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân, sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, được nhân dân tin tưởng và yêu mến. Thời kỳ đổi mới thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta đã xây dựng được đội ngũ, cán bộ đảng viên các cấp có đủ phẩm chất năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội; có khả năng tiếp cận và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong điều kiện mới; năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần làm cho kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; trách nhiệm vì dân, gần dân, hiểu dân, học dân và lo cho dân đang được các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đề cao; dân tin Đảng, tin cán bộ, nước lấy dân làm gốc...những phẩm chất cao quý đó đang được nhân lên và tỏa sáng. Tuy nhiên, trong điều kiện mới hiện nay, trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện vi phạm về đạo đức, lối sống, biểu hiện sự thoái hóa biến chất, tham nhũng, xa dân, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, lối sống, thực dụng tất cả vì đồng tiền, xa hoa, lãng phí, trụy lạc…mới đây nhất, dư luận rất bất bình vụ Ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang từ năm 2005 đến nay đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là việc đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ ra rằng, những biểu hiện thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh vọng, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền…cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức….Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân”. Thiết nghĩ, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; duy trì nghiêm túc nền nếp các chế độ tự phê bình trong sinh hoạt Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình chống những biểu hiện kèn cựa, địa vị, cơ hội, cục bộ, bản vị, bè phái; chống tư tưởng tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc, quy chế, vi phạm kỷ luật Đảng; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh và công bằng những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải tự giác, gương mẫu rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nếp sống đạo đức trong sạch, giản dị, khiêm tốn, chính trực, vượt qua những cám dỗ, ham muốn tầm thường về vật chất cũng như danh vị, chức, quyền….có như vậy chúng ta mới góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố lòng tin và mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong thời kỳ mới. Nguyễn Quang Tuyến

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/day-manh-tu-phe-binh-va-phe-binh-dau-tranh-chong-chu-nghia-ca-nhan/39644.051.html