Đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo di tích

Với 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa - Đồng Nai có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa hàng trăm năm tuổi, phong phú, đặc sắc. Tuy nhiên, nhiều di tích trong số này đã xuống cấp ở các mức độ khác nhau.

Một số hạng mục của di tích Nhà hội Bình Trước (TP.Biên Hòa) xuống cấp nghiêm trọng, hiện đã được Bộ VH-TTDL cho chủ trương trùng tu, tôn tạo. Ảnh: L.NA

Hiện nay, một số di tích đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo, tu sửa cấp thiết nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong đời sống.

* Sẽ trùng tu, tôn tạo nhiều di tích

Trong số các di tích xuống cấp nghiêm trọng phải kể đến các di tích cấp quốc gia trên địa bàn TP.Biên Hòa gồm: Nhà hội Bình Trước, Đền thờ Nguyễn Tri Phương, Văn miếu Trấn Biên; di tích cấp tỉnh Đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, H.Tân Phú); Đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Bình Sơn, H.Long Thành)… Hiện các di tích này đã được Bộ VH-TTDL và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, sẽ được trùng tu, tôn tạo, tu bổ cấp thiết trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Sang, bảo vệ di tích Nhà hội Bình Trước (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi và bà con ở địa phương rất phấn khởi khi hay tin di tích được Bộ VH-TTDL chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo. Trước đây, Nhà hội là địa chỉ thu hút khá đông và thường xuyên người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, do di tích xuống cấp nghiêm trọng nên thời gian qua di tích đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tôi mong rằng, di tích sớm được các cấp, các ngành thực hiện tu bổ, tôn tạo để phát huy hơn nữa giá trị của di tích trong đời sống”.

Đồng Nai hiện có hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 68 di tích đã được xếp hạng. Hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích luôn được quan tâm thực hiện, kịp thời xây dựng phương án bảo vệ, tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích. Từ năm 2009-2022, Đồng Nai đã và đang triển khai thực hiện gần 30 dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn, việc trùng tu, tôn tạo và tu sửa cấp thiết các di tích trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là di tích thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm ký quyết định trùng tu. Do đó, với di tích cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia, tỉnh phải xin ý kiến từ Bộ VH-TTDL nên các thủ tục trùng tu, tôn tạo lâu hơn. Phải kết hợp lập hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ, có các phương án cụ thể… để đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện tại.

“Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã tham mưu cho Sở VH-TTDL và UBND tỉnh có lộ trình cụ thể để trùng tu, tôn tạo các di tích, trước hết đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tàng đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để trùng tu, tôn tạo di tích, điều quan trọng phải đảm bảo yếu tố gốc. Với các di tích xuống cấp nghiêm trọng nếu không thực hiện sớm, để càng lâu càng bị thời gian hủy hoại, làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, kiến trúc, nghệ thuật” - ông Sơn chia sẻ.

* Để phát huy giá trị di tích

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, việc đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo di tích được ngành quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh những năm qua được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Sở VH-TTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (thay thế Quyết định 39-2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phân cấp, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai).

Nhiều hạng mục của di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương (TP.Biên Hòa) xuống cấp nghiêm trọng, hiện đã được Bộ VH-TTDL cho chủ trương trùng tu, tôn tạo

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở VH-TTDL về việc ban hành kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch là hết sức quan trọng và rất cần thiết nhằm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh thắng và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý nhà nước về di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, dự thảo kế hoạch chưa xác định rõ danh mục công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, công trình, dự án sử dụng vốn chi sự nghiệp thường xuyên, nguồn xã hội hóa… để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm hoặc nguồn vốn, khả năng cân đối vốn để tham mưu trình HĐND tỉnh danh mục nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo có kinh phí để thực hiện các công trình, dự án theo đúng thời gian, lộ trình, kế hoạch đề ra.

UBND tỉnh đang xem xét ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thay thế cho Quyết định số 39-2018/QĐ-UBND ngày 29-7-2018 của UBND tỉnh. Do đó, việc ban hành kế hoạch cần căn cứ vào quy định mới nhằm đảm bảo tính pháp lý và các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào quy định phân cấp để thực hiện các dự án theo đúng thẩm quyền được giao. UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TTDL thống nhất ý kiến với các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan, hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo đúng quy định.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202304/day-manh-trung-tu-ton-tao-di-tich-3163679/