Đây là những điều sẽ ập xuống Thế giới này nếu Donald Trump thành Tổng thống Mỹ

Khi cuộc chạy đua trở thành người đứng đầu Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút, khả năng Donald Trump có thể lên làm tổng thống Mỹ hay không đến giờ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vậy mọi chuyện sẽ ra sao nếu tỷ phú bất động sản ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất thế giới này?

Trật tự thế giới được dự đoán sẽ biến động mạnh mẽ một khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ (ảnh: AP/iStock)

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về những chính sách của Donald Trump một khi doanh nhân chưa hề có kinh nghiệm chính trị này trở thành người đứng đầu Nhà Trắng: Tổng thống Trump có gửi bộ binh Mỹ ra chiến trường để chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)? Đối đầu hay hợp tác với Vladimir Putin? Cấm vận Mexico hay Nhật Bản? Đánh bom các đảo nhân tạo của Mỹ trên Biển Đông? Phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? Tấn công Iran hay Triều Tiên? Rút khỏi các hiệp ước thương mại? Chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ trong Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các đồng minh không chịu giải ngân cho quốc phòng? Sử dụng nợ công như một biện pháp để làm đòn bẩy đàm phán? Những chính sách đó sẽ đem lại những lợi ích hay nguy cơ gì cho nước Mỹ?

Mới đây, Tập đoàn Eurasia – một công ty chuyên nghiên cứu và phân tích rủi ro toàn cầu, đã hợp tác cùng với tạp chí Politico nhằm đánh giá những chính sách của ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump được đề ra trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Theo ông Ian Bremmer – Chủ tịch của Eurasia, đồng thời là giảng viên chuyên ngành nghiên cứu toàn cầu tại Đại học New York, nghiên cứu những chính sách của Trump không hề đơn giản, do những phát ngôn của tỷ phú này trong các sự kiện tranh cử hầu hết đều gây tranh cãi.

Trái ngược với đối thủ Hillary Clinton đã từng dạn dày kinh nghiệm trên chính trường, Trump chưa hề có một chính sách đối ngoại nào cụ thể và mới chỉ đưa ra một vài kế hoạch cấp nhà nước không đáng kể. Bên cạnh đó, tỷ phú 70 tuổi đã sa thải hàng loạt các chuyên viên tư vấn thuộc đảng Cộng hòa, khiến các chính sách đối ngoại của ông khó có thể dựa vào một nền tảng chính trị vững chắc.

Với khẩu hiệu “America First” (Nước Mỹ dẫn đầu), Trump tự ca ngợi bản thân là một nhà thương thuyết cứng rắn, và ông ta muốn những người Mỹ và cả các quốc gia khác thấy rằng ông không phải là một kẻ ngốc.

Mặc dù nhiều khả năng Trump sẽ phải nhận thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7/11 tới, điều đó không có nghĩa những chính sách của tỷ phú này bị xem thường. Những lời lẽ đanh thép của ông ta đã đánh trúng tâm lý của hàng triệu người Mỹ, và đó là điều mà các ứng cử viên Tổng thống sau này cũng khó có thể học tập theo. Do vậy, cách tiếp cận “Nước Mỹ dẫn đầu” của Trump trong việc đưa ra các chính sách đối ngoại xứng đáng được đưa ra mổ xẻ, bởi chúng sẽ có tác động lớn tới nước Mỹ trong những năm về sau.

Dưới đây là những rủi ro mà các chính sách đối ngoại của Trump có thể mang lại.

1. Tiếng sét gữa trời xanh

Đối với Tổng thống Barack Obama, tôn chỉ trong đối ngoại của ông là “Đừng làm những điều ngu ngốc”. “Đừng làm điều ngu ngốc không phải là một nguyên tắc tổ chức,” bà Hillary Clinton đã từng nhận xét như vậy, thế nhưng cách tiếp cận này lại giúp nhiều đời tổng thống Mỹ thoát khỏi những rắc rối do chính họ tạo ra.

Trump lại phản ứng rất tốt với các cuộc khủng hoảng từ trên trời rơi xuống (ảnh: AP)

Trong khi đó, với Trump, rủi ro lớn nhất lại đến từ chính cách ông ta xử lý các cuộc khủng hoảng không ai ngờ tới. Với tư cách là một ứng cử viên Tổng thống, Trump thăng tiến nhanh một cách chóng mặt. Mặc dù thường xuyên thiếu kiềm chế và kiên nhẫn trong các chiến lược tranh cử, Trump lại phản ứng rất tốt với các cuộc khủng hoảng từ trên trời rơi xuống bằng các chiến thuật khiến đối thủ và cả kẻ thù của nước Mỹ, phải e sợ.

Mặc dù vậy, cách tiếp cận của Trump thực tế lại gây ra hàng loạt rủi ro. Một chính sách đối ngoại dựa trên việc đối phó với những yếu tố bất ngờ có thể khiến các nhà hoạch định chính sách cảm thấy mình dường như có nhiều quyền năng hơn. Thế nhưng, chúng có thể “mời gọi” các kẻ thù tìm kiếm và xoáy sâu vào những lỗ hổng của nước Mỹ.

2. Đồng đô la Mỹ

Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ những đồng đô la Mỹ dự trữ trên toàn thế giới. Đây là tài sản quan trọng đối với các ngân hàng tại nước này, cũng như các giao dịch thương mại của nền kinh tế trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư và chính phủ các nước tin rằng, đô la Mỹ là đồng tiền có giá trị và đáng tin cậy, và suy nghĩ này đã khiến cho nguồn cầu dành cho loại tiền tệ này luôn được giữ ở mức cao, qua đó giữ vững lãi suất của Mỹ ở mức tương đối thấp bất chấp các khoản nợ công ngày càng phình to.

Tuy vậy, một chính sách đối ngoại không thể đoán trước sẽ khiến các nhà đầu tư mất đi niềm tin vào đồng đô la Mỹ một cách nhanh chóng. Thậm chí, khi bất kỳ vị tổng thống nào của nước Mỹ mới chỉ úp mở khả năng nước này phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, các chính phủ nước ngoài đã phải khẩn trương tìm kiếm đồng tiền dự trữ thay thế. Trump đã nhận ra bài học này một vài tuần trước khi tỷ phú này vô tình phát ngôn về ý định đàm phán lại các khoản nợ một khi ông trở thành Tổng thống.

Trước đây, chưa có một nhà lãnh đạo nào của nước Mỹ từng đề cập tới nợ công của nước này như cái cách mà Trump bàn đến. Sự thật là, các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng đặt cược vào các đồng tiền khác ngoài đô la Mỹ, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn phát triển một cách hạn chế để có thể tăng cường sức nặng cho đồng Nhân dân tệ, trong khi đồng euro vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Do vậy, nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ sẽ vẫn ở mức cao trong thời điểm hện tại, tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm các giải pháp thay thế đồng tiền này vẫn sẽ tiếp tục do lo ngại về những nguy cơ mà Trump sẽ đem đến cho nền kinh tế Mỹ.

Chưa có một nhà lãnh đạo nào của nước Mỹ từng đề cập tới nợ công của nước này như cái cách mà Trump bàn đến (ảnh: AP)

3. Các đồng minh của Mỹ

Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, nước Mỹ rất cần những đồng minh. Tuy vậy, nhiều thành viên hoạt động trong bộ máy tranh cử của Donald Trump phải thừa nhận rằng, chiến dịch của ông ta làm cho Mỹ càng gặp nhiều khó khăn hơn để lấy lại lòng tin từ các đồng minh mà Tổng thống đương nhiệm Obama đã đánh mất. Với việc chỉ trích NATO là “kẻ ăn bám”, Trump đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu xấu đi nhanh chóng. Bên cạnh đó, các đề xuất xây dựng bức tường dọc theo biên giới phía nam và trục xuất hơn 11 triệu người lao động nước ngoài không có giấy tờ đã khiến hàng triệu người Mỹ Latinh nổi giận. Không thể kể đến ý tưởng cấm người theo đạo Hồi nhập cư vào Mỹ của Trump càng khiến mối quan hệ của nước này đối với các quốc gia Hồi giáo xấu đi trông thấy. Điều này đã gây áp lực nặng nề lên các cuộc chiến đấu chống khủng bố của Mỹ.

Bất kể việc Donald Trump có tuân theo những cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử khi ngồi được vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ hay không, nhiều đồng minh sẽ tỏ ra bối rối về trách nhiệm của họ trong việc duy trì mối quan hệ với Mỹ. Một số quốc gia sẽ quyết định mạo hiểm, trong khi một số khác sẽ đặt dấu hỏi về những dự định trong tương lai của chính quyền Trump. Chính phủ những quốc gia đó có quyền được biết liệu Mỹ có ý định lãnh đạo liên minh hay không, hay chỉ đấu tranh cho lợi ích cốt lõi của quốc gia này.

Rõ ràng, quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ sự mập mờ trong chính sách đối ngoại của Trump chính là Trung Quốc. Các đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn để bảo vệ nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của họ. Đối với các đồng minh phương Tây, Trump đã từng chỉ trích cựu Thủ tướng Anh David Cameron về tương lai của quốc đảo này trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi ông Cameron gọi ý tưởng cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ của Trump là “ngu ngốc”.

Thị trưởng Paris tỏ ra nghi ngờ về bộ máy tính báo mà Trump sẽ xây dựng, do đó Pháp nhiều khả năng sẽ phải nhờ cậy đến Nga trong cuộc chiến tại Trung Đông. Khi đó, Tổng thống Nga Putin sẽ có thêm quyền lực để đối đầu với một NATO đang bên bờ vực tan vỡ. Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản sẽ tiến tới một chính sách quốc phòng quyết đoán hơn, qua đó làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, các chính sách của Trump sẽ làm suy yếu hoạt động của các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới, các tổ chức mà Washington có ảnh hưởng đáng kể.

4. Thương mại

Để duy trì hòa bình và thịnh vượng lâu dài, Mỹ cần phải duy trì quan hệ đối tác thương mại tương đương với các liên minh quân sự. Thế nhưng, cách tiếp cận của Trump đối với các đàm phán thương mại của nước này có nguy cơ đẩy những đối tác tiềm năng gần hơn với Trung Quốc.

Cụ thể, nếu Trump giành chiến thắng vào tháng 11 tới, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan sẽ không nhận được đủ sự hỗ trợ từ Hạ viện để thông qua Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn mà Trump cáo buộc “sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất việc”. Với những phát ngôn cứng rắn về thương mại của Trump, dường như khó có quốc gia nào muốn đầu tư vào Mỹ, cũng như ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Trump.

Trump là một trong những người phản đối TPP mạnh mẽ nhất (ảnh: Getty)

Trump có thể không áp đặt mức thuế nhập khẩu 45% lên các sản phẩm đến từ Trung Quốc, và 35% đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Mexico, thế nhưng những lời tuyên chiến của ông nhằm vào các sản phẩm giá rẻ hơn có xuất xứ từ Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản phần nào hé mở khả năng chính quyền của Trump sẽ tăng cường kiểm soát các hành vi phá giá, trộm cắp tài sản trí tuệ và tấn công an ninh mạng. Các chuyên gia cho rằng, những hành động cứng rắn này của Trump có thể vì lý do chính trị chứ không đơn thuần chỉ là bảo vệ các công ty của Mỹ trước sức ép từ nước ngoài.

5. Khủng bố

Rõ ràng là những phát ngôn được cho là hiếu chiến của Trump đã biến Mỹ trở thành “miếng mồi ngon” của các tổ chức khủng bố như al-Quaeda, IS và các nhóm chiến binh Hồi giáo khác. Clinton, Bush và Obama đều phải đối mặt với vấn đề này. Thế nhưng, sự thù hằn của Trump đối với người Hồi giáo có thể kích động các phiến quân tổ chức tấn công đẫm máu hơn ở châu Âu nhằm đánh phủ đầu nước Mỹ của Trump.

Với cùng một mục tiêu chung là Trump, các nhóm khủng bố cũng khiến các nhóm khủng bố không còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển mộ binh sĩ. Vẫn chưa thể khẳng định khủng bố sẽ tấn công vào đâu và tại khi nào, thế nhưng thái độ kỳ thị người Hồi giáo của Trump chắc chắn sẽ khiến nước Mỹ ít an toàn hơn trước rất nhiều.

Những điều không cần phải lo ngại

1. Mối quan hệ Mỹ-Trung

Đã có không ít lo ngại rằng quan điểm chống Trung Quốc của Trump sẽ càng làm gia tăng căng thẳng lên quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đàu thế giới. Thế nhưng, cho dù Tổng thống tiếp theo của Mỹ có là Trump hay Clinton đi chăng nữa, quốc gia này vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc duy trì hợp tác với Trung Quốc.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung vào quá trình cải cách kinh tế nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ dựa trên xuất khẩu kém hiệu quả sang một mô hình sáng tạo hơn với nền tảng là tiêu thụ nội địa. Thành bại của kế hoạch này phụ thuộc vào khả năng của Bắc Kinh trong việc tránh những xung đột có hại cho các doanh nghiệp nội, ngay cả trong quan hệ với một vị Tổng thống Mỹ luôn có tư tưởng phản đối tăng cường giao thương với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc dường như đã kiểm soát được suy giảm tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin hơn trong các chính sách ngoại giao, đồng thời quan điểm cứng rắn của Trump với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc càng làm gia tăng sự tự tin đó.

2. Địa chính trị của châu Á

Nhật Bản và Ấn Độ đều không mong đợi một cuộc đối đầu với Trung Quốc do lo ngại những xung đột sẽ cản trở nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Biển Đông vẫn là một điểm nóng đáng chú ý tại châu Á, song Việt Nam, Philippines và Malaysia đều tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Lãnh đạo các quốc gia đôi khi sẽ hy sinh các lợi ích chính trị ngắn hạn để theo đuổi sự ổn định lâu dài. Trump và Rodrigo Duterte - Tổng thống mới lên nắm quyền của Philippines, có đầy đủ những điểm chung để xây dựng một mối quan hệ vững chắc.

Sự đổ vỡ của TPP có thể gây tổn thương cho Nhật Bản và một số quốc gia Nam Á, nhưng điều đó sẽ khiến họ quay sang bắt tay với Trung Quốc nhằm duy trì mối quan hệ ổn định và có lợi về lâu dài đối với các quốc gia này. Các nhà lãnh đạo châu Á sẽ theo dõi sát sao động thái của Tổng thống Trump, nhưng các nguy cơ đến từ chính sách đối ngoại của Trump tại khu vực khó có thể gây ra ảnh hưởng lớn như các lo ngại trước đây.

Trump và nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte có khá nhiều điểm tương đồng (ảnh: Rappler)

3. Iran.

Trump sẽ khơi mào cuộc xung đột với Iran? Hồi tháng Tư vừa qua, trả lời AIPAC – tổ chức vận động hành lang ủng hô Israel mạnh mẽ nhất của Mỹ, Trump cho biết: “Ưu tiên số một của ông là gỡ bỏ các thỏa thuận hạt nhân đầy thảm họa với Iran.” Cam kết này sẽ đáng tin cậy hơn nếu nó không đi ngược lại những tuyên bố trước đó của Trump về vấn đề này. Việc chỉ trích Iran cho phép Trump tấn công trực diện vào Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, thế nhưng khi ứng cử viên Tổng thống này không xuất hiện trước ống kính của AIPAC, Iran hoàn toàn không phải là đối thủ mà ông muốn hạ nốc ao.

Nam Anh (theo Politico)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/day-la-nhung-dieu-se-ap-xuong-the-gioi-nay-neu-donald-trump-thanh-tong-thong-my-116835