Dạy học sinh lòng tự hào truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương

Vừa mới đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học, nhưng chương trình giáo dục địa phương đã được cán bộ, giáo viên, học sinh đón nhận tích cực, tạo nên một không khí dạy học hết sức sinh động.

Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực từ chương trình dạy học này, các trường tiểu học đã xây dựng kế hoạch thực hiện dạy học tích hợp, lồng ghép, kết hợp với các hoạt động giáo dục ngoài giờ, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Giáo viên, học sinh phấn khởi đón nhận

So với một số địa phương trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam triển khai dạy học chương trình giáo dục địa phương theo bộ tài liệu giáo dục địa phương Quảng Nam có phần muộn hơn; tuy nhiên, do đúc rút được kinh nghiệm trong triển khai, cũng như hoạt động, chuyên môn giảng dạy, nên chương trình giáo dục địa phương được thực hiện một cách sinh động và hiệu quả. Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, khi vừa mới triển khai đã được đội ngũ giáo viên, học sinh các trường học tiểu học trên địa bàn hồ hởi đón nhận.

Nói về bộ tài liệu chương trình giáo dục địa phương, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam cho hay, sau một quá trình nghiên cứu, biên soạn kỹ lưỡng, bộ tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Nam đã được xuất bản phục vụ giảng dạy ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ học kỳ I năm học 2016 -2017.

Với các khối lớp 1, 2, 3 bộ tài liệu địa phương sẽ được giảng dạy trong các môn học âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật, hoạt động ngoài giờ lên lớp và được bổ sung thêm vào các môn học Địa lý, Lịch sử, Kỹ thuật đối với các khối lớp 4, 5. Nội dung bộ tài liệu lịch sử địa phương đã tích hợp được những nội dung cơ bản nhất về giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời đảm bảo sự ngắn gọn, khúc chiết giúp học sinh dễ tiếp thu.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, bộ tài liệu được biên soạn thành các tập sách dành riêng cho học sinh. Nội dung tài liệu gồm những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, nghệ thuật… của Quảng Nam rất gần gũi với học sinh, nhằm giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và ý thức trân trọng, gìn giữ truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Những nội dung vừa mang tính định hướng, hướng dẫn, vừa mang tính gợi ý, tham khảo.

Giúp nhà trường, giáo viên có căn cứ và sự chủ động lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương. Bởi vậy, ngoài những nội dung trong sách, giáo viên có thể sử dụng thêm các thông tin, sự kiện văn hóa, lịch sử địa phương để hướng dẫn các học sinh tìm tài liệu, tìm hiểu những nội dung liên quan, làm cho bài học trở nên gần gũi, thiết thực, phong phú, sống động và lôi cuốn.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Theo cán bộ, giáo viên các trường học, trước thực trạng học sinh có sự nhận thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương ngày càng hạn chế, việc đưa chương trình giáo dục lịch sử địa phương Quảng Nam vào trong trường học là điều rất cần thiết. Thông qua các tiết học lồng ghép trong các bộ môn này, kết hợp với chương trình ngoại khóa sẽ giúp các em học sinh có một sự nhìn nhận đúng về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Qua đó, khơi dậy, bồi đắp lòng tự hào truyền thống lịch sử quê hương, đất nước trong mỗi một học sinh. Tuy nhiên, muốn triển khai tốt và có kết quả thiết thực thì đội ngũ cán bộ, giáo viên phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của chương trình giáo dục địa phương và tạo được những giáo viên cốt cán, nồng cốt cho công tác triển khai dạy học.

Cô giáo Phan Thị Hà – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) - chia sẻ: Nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương đã được nhà trường áp dụng thực hiện hơn 10 năm nay. Các chủ đề, nội dung giảng dạy cho học sinh căn cứ trên cơ sở nội dung tài liệu chung của lịch sử địa phương huyện Đại Lộc và truyền thống lịch sử xã Đại Hiệp.

Tuy nhiên, khi bộ tài liệu chương trình giáo dục địa phương do Sở GD&ĐT Quảng Nam biên soạn, áp dụng thì nội dung có phần phong phú, sinh động hơn. Chính vì vậy mà tạo cho các giờ học về văn hóa, lịch sử địa phương trong thời gian qua hết sức sinh động, hấp dẫn, thu hút sự tham gia của học sinh. Công tác dạy học của giáo viên cũng gặp nhiều thuận lợi. Hình thức, nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục cũng đa dạng, phong phú hơn.

Theo thầy Nguyễn Văn Dung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hội An, công tác giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương được các trường học lồng ghép bằng nhiều chương trình khác nhau, tạo nên một sinh khí học tập hết sức sôi nổi, hiệu quả. Trên cơ sở nội dung, chương trình của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Hội An tổ chức biên soạn thành các chủ đề, in đĩa CD phục vụ dạy học theo từng chủ đề, chủ điểm.

Các trường cũng linh hoạt tổ chức biên soạn thêm phần nội dung lịch sử, văn hóa xã/phường một cách cụ thể. Theo đó, ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT Quảng Nam triển khai áp dụng chương trình giáo dục địa phương chung cho bậc tiểu học, đã tạo cho chương trình dạy học này càng thêm phong phú, sinh động.

Thầy Nguyễn Văn Dung chia sẻ: Chính sự triển khai, áp dụng hết sức bài bản, kỹ lưỡng đó đã tạo cho việc thực hiện dạy học của giáo viên, học sinh hết sức thuận lợi. Bởi vậy, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, mà còn nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, sự am hiểu về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội cho học sinh. Tạo động lực cho việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-sinh-long-tu-hao-truyen-thong-lich-su-van-hoa-dia-phuong-2649495-b.html