Dạy chữ, cứu người nơi thăm thẳm đường biên

Để đến được điểm trường Mùa Xuân hút tít trong vùng lõm biên giới thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Để đến được điểm trường Mùa Xuân hút tít trong vùng lõm biên giới thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xe của chúng tôi phải trải qua dăm lần sa lầy, chết máy... Ấy vậy mà lúc trời đã nhá nhem, đám trẻ Mông, Thái, Khơ Mú cũng đã về bản nhưng chúng tôi vẫn không gặp được người cần gặp. Lý do đơn giản là “Thầy Tư vừa đi sang bản Cha Chía cách đó nửa ngày đường rừng để cấp cứu cho một phụ nữ tự tử bằng lá ngón, nhưng đêm thầy sẽ cắt rừng về vì sáng mai có giờ dạy...”. Chúng tôi quyết định ở lại chờ!

Người gieo chữ trong sương

4h sáng, sương dùng dằng trên những mỏm đá tai mèo. Giữa màn sương ấy, tiếng chó sủa ủng oẳng mà không gay gắt, kể như đánh hơi thấy người quen. Từ màn sương lạnh, một bóng người cao gầy cầm đèn pin bước vào sân trường rồi tiến về khu nhà nghỉ của giáo viên. Nói là khu nhà nghỉ cho oai chứ đó chỉ là hai gian nhà thưng nứa gió luồn cửa trước sương vào cửa sau, rét đến mức chúng tôi chỉ có nước ngồi ôm gối bên bếp lửa mà gà gật qua đêm.

Chúng tôi đều trở dậy đón “nhân vật” của mình, thầy giáo Phạm Thế Tư, người đã tận tụy suốt mấy mươi năm qua vì sự nghiệp gieo chữ trên bản nhỏ vùng biên này và cũng là người thầy thuốc tận tâm đã giành lại mạng sống của hàng chục kiếp người trước lưỡi hái của tử thần. Treo chiếc đèn lên góc nhà, giọng nói của thầy Tư khiến không gian như ấm lại: “Chà, khách quý đến nhà chả có gì thết đãi, chỉ có ít măng rừng đào được trên đường về đây, mình cùng luộc lên nhấm nháp cho vui”. Dứt lời, ông thoăn thoắt lấy dao gọt măng, bắc bếp, vừa kể chuyện đường rừng.

Anh Thao Lâu Pó cùng con trai xông mắt bằng bài thuốc dân gian của thầy Tư .

“Đường biên cương không đếm dốc đếm đèo/ Đếm bao lớp học đã qua, bao em thơ đã lớn...” - những câu thơ ấy bật thốt trong tôi khi nghĩ về người thầy giáo mộc mạc, thô vụng như cây đồn lá bản ấy. Bởi người thầy có bằng cao đẳng sư phạm và trung cấp chuyên ngành y tế học đường ấy đã có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời, để có thể đứng trên những giảng đường khang trang, sạch đẹp và trước các học sinh thông minh, xinh xắn. Vậy mà ông đã chọn cho mình sứ mệnh là một “chiến sĩ văn hóa” ở nơi xa xăm, gian khổ nhất bởi một lý do đơn giản “Quan Sơn là quê hương tôi”. Và 23 bản vùng cao của hai xã Na Mèo và Sơn Thủy, trong đó có những bản đặc biệt khó khăn như Khà, Xía Nọi, Mùa Xuân, Cha Khót... đều đã in dấu chân, quen giọng giảng bài của thầy.

Làm sao có thể đếm được dốc đèo bởi chưa nói đến những điểm trường mà thầy từng công tác, chỉ nói riêng cái bản nhỏ mang tên gọi đẹp đẽ nhưng khó khổ muôn vàn này thôi đã đủ thấy chênh vênh lắm rồi. Bởi cái vùng “thâm sơn cùng cốc” giáp biên giới Việt Lào mà người dân bản địa còn chưa mấy ai đặt chân ấy cách đây 20 năm lại là “điểm đến” của hàng trình di cư liều lĩnh của đồng bào Mông phía Tây Bắc. Từ mấy chục hộ dân ban đầu, giờ đây một chòm bản đã xanh cây ấm bụi, có chi bộ, có trường học, có đường bê tông và điện thắp sáng...

Nhưng cái đói vẫn theo chân, cái nghèo vẫn quẩn gối nên việc học của trẻ em nơi đây vẫn là điều xa xỉ. Vì thế, cái chữ cũng nặng trĩu trên vai những người mang ánh sáng văn hóa đến với bà con như thầy Phạm Thế Tư. Thầy Thao Văn Dính, giáo viên điểm trường bản Mùa Xuân nói với chúng tôi rằng, lúc các em học sinh nghỉ nhiều, thầy Tư đều động viên chúng tôi tranh thủ ngoài giờ, đến từng nhà, thậm chí vào tận trong rừng, lên tận ruộng rẫy... để vận động các em trở lại trường. Dù một lớp chỉ có 2 hay thậm chí 1 học sinh thì trường vẫn giữ nguyên lớp học. Chỉ mong rằng, mỗi ngày đến trường, sẽ không còn thấy em nào phải bỏ học vì mưu sinh...

Nói chuyện chưa bén, thì đầu hồi đã eo óc tiếng gà. Nồi măng luộc bốc hơi nghi ngút, các thầy gắp ra bát, xơi cơm tẻ ra mâm cùng một đĩa cá kho rồi mời khách ăn sáng. Những con cá bé xíu, ăn cùng cơm béo ngậy và vị măng nhằng nhặng đắng lạ miệng khiến chúng tôi đánh hết veo nồi cơm nấu cho cả bữa trưa của hai thầy giáo. Anh bạn cùng đoàn hỏi thầy Tư cá gì mà ngon thế thì nhận được câu trả lời làm tất cả chúng tôi chỉ muốn chạy ngay ra sau nhà mà nôn: “Cá đâu chú, nòng nọc dưới suối đấy”. Vậy ra những ngày đông tháng giá, hàng hóa dưới xuôi không lên kịp hoặc đàn gà, đàn vịt tăng gia lạnh mà chết, không cho trứng, thì món “đặc sản” của các thầy, các cô nơi đây là măng luộc, rau má dại cùng nòng nòng, nhái xanh kho mặn với ớt hiểm cho hết tanh.

Cứu người nơi thăm thẳm

Cũng chính ở cái bản nhỏ vùng biên khó khăn chồng chất ấy, thầy Phạm Thế Tư ngoài nhiệm vụ “gieo chữ trong sương” ra thì còn kiêm thêm nghề thầy thuốc. Lý do là bởi từ bản Mùa Xuân muốn đi xe máy xuống trung tâm xã mất nửa ngày, nếu nhằm lúc mưa gió thì có quấn xích và bánh xe cũng ì ạch khó di chuyển trên cung đường lầy lội, bên vách đá, bên thung sâu... Chính lẽ đó đã khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong bản gần như bằng không, bà con có cảm mạo thì ra rừng tìm lá nhai sống hoặc giã nát đắp qua loa rồi hôm sau lại lên nương. Nhiều trường hợp ốm nặng phải dùng cáng khiêng đi bộ mất một ngày mới tới trạm y tế xã, đến nơi thì đã không kịp cứu hoặc bị di chứng nặng nề.

Thấu hiểu sự thiệt thòi của bà con, thầy Phạm Thế Tư quyết tâm ôn lại những kiến thức y khoa đã học trong khóa đào tạo y tế học đường, đồng thời cần mẫn hỏi han người già ở bản để tìm các loài thảo dược từ trên núi về trồng để chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Vườn thuốc Nam ở trường và ở nhà riêng của thầy ở trung tâm xã Xuân Thủy lúc nào cũng xanh um cây thuốc. Ba tháng hè, thầy Tư còn tranh thủ tăng gia, dành dụm tiền để mua dăm loại thuốc Tây thiết yếu để đến năm học mới mang lên trường, phòng khi đồng nghiệp, học sinh hoặc dân bản ốm đau thì cứu chữa giúp. Dù đi xa hay gần, dù bệnh nặng hay nhẹ thì người bệnh cũng được hưởng sự chăm sóc, thăm khám miễn phí từ thầy. Ngoài giờ lên lớp, ông thầy giáo vùng biên này thoắt cái đã biến thành ông lang vườn lụi hụi hái thuốc, băm giã để tự mình mang đến cho bệnh nhân mà không nhận lại dù chỉ một lời cảm ơn, một chén rượu hay một cái bắp ngô. Có trường hợp bệnh nhân là học sinh của thầy, thầy còn mang thêm cho vài quả trứng do đàn gà vịt thầy tăng gia đẻ để em bồi bổ sức khỏe, sớm đến trường.

Kiến thức Tây y kết hợp với những bài thuốc “Nam dược trị Nam nhân”, thầy đã chữa được một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, sưng viêm do chấn thương, đau mắt đỏ, cảm cúm,... Cùng với việc chữa bệnh, thầy luôn giải thích cho bà con hiểu và biết cách ăn uống hợp vệ sinh, nhằm phòng tránh các bệnh thường gặp. Thầy Tư tâm sự: “Hồi mới chữa bệnh tôi cũng lo lắng lắm vì phong tục tập quán mỗi dân tộc mỗi khác. Chữa khỏi được cho người nào là vui và tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhưng cũng có những lúc gặp người bệnh nguy kịch, mình phải trao đổi để người thân của bệnh nhân hiểu rõ, có vậy bà con mới thông cảm cho mình”.

Suốt mấy chục năm đi dạy tại các bản vùng sâu, chính thầy Tư không nhớ là mình đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người nhưng lại thuộc hàng trăm con đường mòn, lối tắt băng ngang rừng núi để đến các điểm bản. Thầy bảo phải nhớ để mỗi khi có người bệnh cần cứu chữa, thì phải tìm đường ngắn nhất, nhanh nhất để đến nơi, chứ chỉ chậm vài phút là người bệnh sẽ khó cứu. Nhiều lúc đang dạy thì có người gọi điện, thầy lại nhờ đồng nghiệp đứng lớp giúp rồi bươn bả mang túi thuốc đi đến nhá nhem với về, người phờ phạc vì mất sức. Thầy bảo mệt nhưng phải cố, vì bà con nghèo lắm, vùng sơn lam chướng khí dễ dàng quật đổ sức người, điều kiện y tế, thuốc men hạn chế lại cộng với việc người dân vẫn tin vào các hủ tục cúng ma, trừ tà, nên nhiều khi bệnh nhẹ cũng biến chứng thành nặng... Không cứu chữa kịp thời là mất mạng như chơi, còn đưa về xuôi cấp cứu thì họ có bán cả gia sản cũng không đủ chi phí. Thuốc trong rừng và thuốc trong vườn trường đủ để tôi chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.

Đưa con trai đi học, anh Thao Lâu Pó khoe với tôi rằng nếu không có thầy Tư thì anh và con trai là Thao Chúa Minh đã bị mù vì bị đau mắt đỏ nặng. Tra thuốc của trạm y tế mãi không khỏi, thầy Tư cho xông mắt bằng bài thuốc gia truyền và hướng dẫn cẩn thận phương pháp giữ gìn vệ sinh mắt. Anh Pó bùi ngùi: “Hai bố con tôi cảm ơn thầy giáo Tư rất nhiều. Bây giờ tôi nhìn rõ tất cả mọi thứ, không bị đau rát và đỏ rực như trước nữa. Nhờ vậy, con trai tôi lại tiếp tục đi học và không bị bạn bè xa lánh. Khỏi bệnh, tôi mang con lợn bé xuống tạ ơn thầy, thầy không lấy mà chỉ ra điều kiện phải cho con học hành đến nơi đến chốn”.

Một trong những “vấn nạn” mà người thầy thuốc bất đắc dĩ này thường xuyên gặp phải là nạn tự tử bằng lá ngón của đồng bào Mông nơi đây. Nhìn con trai đang làm bài dưới sự chỉ bảo của thầy Tư, anh Pó tình nguyện dẫn chúng tôi đến nhà chị Thao Thị Mai ở bản Xía Nọi, một bệnh nhân của thầy Tư. Năm ngoái, vợ chồng có việc gì đó chưa thông, mặc cảm bị chồng mắng, chị Mai ra nương hái lá ngón ăn để “tự giải thoát”. Chị thèn thẹn kể: “Lúc đó, tôi tưởng là tôi sắp chết, thầy Tư chạy đến pha một loại nước đặc sền sệt rồi lấy thìa móc họng tôi ra, dốc nước vào cổ họng tôi, một lúc sau tôi nôn hết lá ngón ra ngoài. Sau đó thầy cho tôi uống nước chanh đường để rửa dạ dày. Thầy còn dặn chồng tôi phải nấu cháo đỗ cho tôi ăn để hồi sức. Tôi đã thoát chết nhờ có thầy Tư, tôi cảm ơn thầy rất nhiều và sẽ không bao giờ dại dột ăn lá ngón nữa”.

Ngoài chị Mai, còn có chị Sung Thị Dua ở bản Mùa Xuân cùng nhiều chị em khác ở các bản lân cận đã được thầy Tư cứu thoát chết trong gang tấc. Lá ngón có độc tính khá mạnh nên nếu không kịp thời xử lý thì rất khó giữ tính mạng cho những người tự tử bằng thứ lá chết chóc này. Nhiều trường hợp thầy Tư vội vã đến nơi nhưng đã không thể cứu chữa vì quá muộn. Những lúc như thế, thầy Tư buồn đến mấy ngày bởi thầy biết dân bản Mùa Xuân luôn tín nhiệm mình. Thầy thực sự áy náy khi thấy người bệnh đau đớn mà mình không có điều kiện để chữa trị, không thể cứu người...

Bữa cơm trưa với món nòng nọc kho đã không còn khiến chúng tôi lợm giọng, sương giá ở nơi lưng chừng núi, lưng chừng mây này cũng không còn làm tê tái bước chân bởi chúng tôi hiểu những người dân nơi đây đã cam khó biết bao nhiêu để bám bản, bám đất bảo vệ một vùng biên cương phía Tây Thanh Hóa. Và những người như thầy giáo Phạm Thế Tư, một đời miệt mài gieo chữ, cứu người nơi thăm thẳm Mùa Xuân đã cho tôi một bài học lớn về đức hy sinh, tinh thần tận tụy với nghề, với người dẫu bản thân mình chưa lấy gì dư dả. Để trên đường về xuôi, lòng dịu dàng lan tỏa một cảm giác ấm áp khi được nắm chặt tay người thầy cao gầy, rắn rỏi và ánh mắt đôn hậu lạ lùng.

Cần lắm những con người như người thầy giáo - thầy thuốc ấy, để mỗi miền biên cương Tổ quốc luôn bát ngát mùa xuân của tình nhân loại và lòng từ ái!

Phạm Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/day-chu-cuu-nguoi-noi-tham-tham-duong-bien-n125190.html