'Dạy các cháu trung thực các đồng chí à!'

Đó là lời căn dặn của người lãnh đạo đứng đầu thành phố trước thềm năm học mới (2022 – 2023) đối với ngành giáo dục. Có thể xem đây là kim chỉ nam cho hành trình hướng tới một môi trường giáo dục trung thực, nhắm tới một thế hệ công dân tương lai đủ tài và đức.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 tại TP. HCM vào ngày 25/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tính trung thực, tạo môi trường sống trung thực cho học sinh.

Ông nhấn mạnh, môi trường trung thực bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu của người lớn. Ông cũng đề nghị ngành giáo dục xem lại hệ thống tiêu chí thi đua, không chạy theo thành tích ảo, phải nói thật, làm thật, chấm điểm thật, có tiêu chí thật. Cuối cùng ông khẩn khoản: “Dạy các cháu trung thực các đồng chí à!”.

‘Dạy các cháu trung thực các đồng chí à!’, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Đấy là lời căn dặn của người lãnh đạo đứng đầu thành phố trước thềm năm học mới (2022 – 2023) đối với ngành giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo. Xét tình hình thực tế xảy ra trong ngành giáo dục mấy năm qua, đã đến lúc chúng ta hoàn toàn có thể xem lời căn dặn của ông Bí thư thành ủy là kim chỉ nam cho hành trình hướng tới một môi trường giáo dục trung thực, nhắm tới một thế hệ tương lai với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của một công dân và hơn thế nữa là một “công dân toàn cầu”.

Trong vài năm trở lại đây, riêng ngành giáo dục, căn bệnh thành tích là một căn bệnh trầm kha đã được các nhà chuyên môn và cả xã hội báo động. Để có được những con số thật đẹp, thật tròn trịa trong các báo cáo; để giáo viên hoàn thành chỉ tiêu; để lớp nào cũng có nhiều học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và không có em nào lưu ban; để mỗi trò đều có bằng khen, giấy khen… và để mỗi buổi tổng kết năm học hoặc khai giảng, nhà trường sẽ tự hào mà báo cáo thành tích của mình, tất nhiên thầy cô giáo buộc phải cho điểm cao hơn sức học thật sự của học sinh, tìm cách “kéo” các em lên sao cho đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu, buộc phải “bánh ít đi bánh qui lại” trong các hoạt động cần sự thẩm tra chéo nhau.

Bệnh thành tích đã buộc giáo viên rời ra những giá trị mà nhà giáo cần gìn giữ đó là lòng trung thực. Mà thầy cô giáo không trung thực thì làm sao xây dựng được tính trung thực cho học sinh, làm sao để các em được sống trong môi trường trung thực?

Toàn cảnh phòng xét xử vụ án sửa điểm thi ở Hà Giang . Ảnh Nguyễn Hoàn

Mới đây, tại Hà Nội khá nhiều người dân phản ánh về tình trạng nhà trường “gợi ý” hoặc mượn danh hoạt động “tư vấn hướng nghiệp” để “ép” học sinh có học lực trung bình, yếu không thi vào lớp 10 trường công lập mà nên chọn một trường tư thục xét tuyển học bạ hoặc trường dạy nghề… để không ảnh hưởng đến tỷ lệ đỗ vào THPT công lập.

Nhiều người cho rằng đây là cái vòng lẩn quẩn của căn bệnh thành tích dẫn đến sự không trung thực trong đánh giá năng lực học sinh. Rồi cũng từ cách đánh giá “thành tích” của trường dựa vào số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập mà buộc trường THCS phải gian dối bằng giải pháp “gợi ý” như trên để con số của trường mình được “đẹp” hơn.

Thảm họa từ sự không trung thực của ngành giáo dục từng là bài học đau đớn có lẽ mọi người chưa quên. Đó là bài học rút ra từ câu chuyện sửa điểm thi ở Hà Giang.

Đó là bài học về sự gian dối của những kẻ xem thường luật pháp, bất chấp đạo lý. Nhưng còn một bài học khác lớn hơn, chính là sự giáo dục con cái lòng tự trọng, tính trung thực. Bởi chắc chắn một điều các em không thể không biết điểm thi của mình “bị” sửa. Vì chỉ cần ra khỏi phòng thi, mỗi thí sinh đều biết mình làm bài được tới đâu. Không kể đáp án còn được công bố công khai, tràn lan lên mạng sau đó. Tại sao thấy số điểm chênh lệch quá lớn mà các em vẫn im lặng? Là bởi vì các em thiếu lòng trung thực.

Tới đây thì ta không thể không nhắc đến các bậc phụ huynh được cho là “tòng phạm” tiếp tay cho sự không trung thực. Trong thực tế, ngay bản thân phụ huynh cũng chạy theo thành tích, chạy theo điểm số và chạy theo giấy khen. Mong muốn, khát vọng, thậm chí trở thành áp lực với phụ huynh hiện nay là đều mong muốn đến ảo tưởng rằng con mình là thần đồng. Chính cha mẹ học sinh cũng đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường thông qua điểm số.

Cứ mỗi khi tổng kết năm học, thấy cha mẹ úp giấy khen của con đỏ rực không gian mạng thì biết. Xem ra sự cạnh tranh của phụ huynh còn khốc liệt hơn những đứa con của họ.

Tính trung thực rất cần thiết cho con người trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Ảnh: IT

Trong khi theo nhiều nhà chuyên môn, tính trung thực của trẻ cần được rèn luyện thường xuyên ngay từ nhỏ mà cha mẹ chính là tấm gương cho con, giúp con nhận ra trung thực là một trong những giá trị hình thành nên nhân cách của một con người.

Tóm lại, trung thực là một đức tính tốt đẹp cần giữ gìn và phát huy. Tính trung thực rất cần thiết cho con người trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Một thế hệ con trẻ trưởng thành từ gian dối sẽ góp phần tạo ra một thế hệ gian lận, bịp bợm tiếp theo sau này.

Không chỉ ngành giáo dục, “Dạy các cháu trung thực” rất cần sự chung tay của từng cá nhân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/day-cac-chau-trung-thuc-cac-dong-chi-a-166026.html