Đầu tư theo chu kỳ: Đừng mơ tưởng về tương lai!

Trên đỉnh, hầu hết nhà đầu tư mơ tưởng về tương lai còn ở đáy, họ lại luôn trả giá rất thấp cho những gì mà doanh nghiệp có ở hiện tại.

Đầu tư theo chu kỳ: Đừng mơ tưởng về tương lai!

1. Nói đến đầu tư theo chu kỳ, không thể không nhắc tới mô hình Boom – Bust được đưa ra bởi tỷ phú George Soros. Mô hình này phản ánh mối liên hệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng thì giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp.

Đến một thời điểm nào đó, giá cổ phiếu sẽ ngừng tăng bởi một nhóm nhà đầu tư thông minh biết trước được rằng lợi nhuận của doanh nghiệp đã đạt đỉnh và đang đảo chiều đi xuống, nên họ bán ra cổ phiếu và giá cổ phiếu cũng đảo chiều đi xuống theo. Lúc này, tốc độ giảm của giá cổ phiếu nhanh hơn tốc độ giảm của lợi nhuận doanh nghiệp, bởi trước đó, số đông nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ở đỉnh và họ sử dụng đòn bẩy tài chính nên phải bán tháo. Ở trên đỉnh lợi nhuận cũng như đỉnh giá cổ phiếu, hầu hết mọi người đều rất lạc quan về tương lai.

Ví dụ như trường hợp cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Hòa Phát là một công ty trong ngành thép và đây là một ngành có tính chu kỳ. Cuối năm 2021, các doanh nghiệp thép tồn kho rất lớn và giá thép khó có thể tăng tiếp. Tuy nhiên, khi quan sát thị trường, tôi thấy rằng không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà cả các quỹ đầu tư lớn vẫn rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát.

Dần dần tôi nhận ra rằng, hầu hết nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả các quỹ đầu tư lớn, luôn bị dính mắc vào phương pháp đầu tư của họ, đó là dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Nhưng dự báo đó không phải sự thật, không phải thực tế đang diễn ra mà chỉ là tưởng tượng của họ về tương lai của doanh nghiệp, họ đưa tưởng tượng đó vào mô hình định giá để tính toán ra “giá trị hợp lý” của một cổ phiếu. Họ chấp nhận mức giá cao cho cổ phiếu HPG và sau đó mọi thứ đảo chiều, lợi nhuận của Hòa Phát giảm mạnh, Hòa Phát phải đóng cửa các lò cao và giá cổ phiếu HPG giảm rất sâu.

Lúc này, hầu hết nhà đầu tư lại bi quan về tương lai của Hòa Phát, giá cổ phiếu xuống rất thấp, giá trị vốn hóa của Hòa Phát xuống mức thấp hơn cả giá trị sổ sách (P/B <1). Nhưng thời điểm đó, tôi cho rằng đáng lẽ nhà đầu tư nên lạc quan về tương lai của Hòa Phát, bởi Hòa Phát vẫn là một công ty rất tốt, họ vẫn có đủ tiền để thực hiện các dự án, chẳng hạn như xây dựng nhà máy Dung Quất 2. Rồi khi mọi thứ tốt lên, nhà máy Dung Quất 2 chạy hết công suất, thị trường sẽ lại kỳ vọng vào nhà máy Dung Quất 3 chẳng hạn và đưa nhà máy này vào định giá, giống như họ đã đưa nhà máy Dung Quất 2 vào định giá kể cả khi nó chưa hoàn thành. Trên đỉnh, hầu hết nhà đầu tư mơ tưởng về tương lai còn ở đáy, họ lại luôn trả giá rất thấp cho những gì mà doanh nghiệp có ở hiện tại.

Mô hình Boom – Bust của tỷ phú George Soros

2. Năm 2022, tôi không thua lỗ khi thị trường chứng khoán đi xuống (downtrend), thay vào đó, tôi đầu tư vào cổ phiếu ngành cá tra và lãi gấp đôi. Nhưng đáng ra, tôi đã có thể lãi nhiều hơn thế.

Dựa trên chu kỳ của ngành cá tra, tôi quan sát thấy rằng giá cá tra đang tăng lên và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cá tra cũng sẽ tăng lên. Nhưng ở thời điểm đó, tôi vẫn bị dính mắc vào việc mơ tưởng về tương lai mà không nhìn vào thực tại. Tôi cho rằng bản thân tôi phải dự báo được, phải thấy trước được lợi nhuận từng quý của doanh nghiệp ngành cá tra. Khi giá cá tra suy giảm, tôi vẫn nghĩ rằng giá cá tra sẽ phục hồi. Khi cổ phiếu cá tra suy giảm, tôi vẫn nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ phục hồi, dù mọi dấu hiệu tạo đỉnh đều xuất hiện, chẳng hạn như chỉ báo RSI tuần phân kỳ, chỉ báo MACD tuần cũng phân kỳ, tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu cá tra rất hưng phấn, bản thân tôi cũng vậy và mơ tưởng rằng giá cổ phiếu cá tra sẽ tăng tiếp. Kết quả là giá cá tra tiếp tục giảm, giá cổ phiếu tiếp tục giảm và tôi quyết định bán cổ phiếu.

Tháng 8/2022, tôi tham gia một khóa thiền Vipassana và được dạy quan sát hơi thở của mình diễn ra như thế nào. Khi có một hơi thở ngắn, tôi biết hơi thở đó ngắn. Khi có một hơi thở dài, tôi biết hơi thở đó dài. Khi cảm giác sinh ra, tôi biết cảm giác đang sinh ra. Khi cảm giác mất đi, tôi biết cảm giác đang mất đi. Về bản chất, tôi đang quan sát chu kỳ. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thích màu xanh vì điều đó tượng trưng cho giá cổ phiếu tăng; và ghét màu đỏ vì tượng trưng cho giá cổ phiếu giảm. Tâm trạng nhà đầu tư phụ thuộc vào diễn biến thị trường nên họ khó có thể quan sát một cách khách quan.

Lịch sử thường lặp lại vì hành vi con người thường lặp lại và có tính chu kỳ. Giống như sóng biển vỗ vào bờ, không con sóng nào giống hoàn toàn con sóng nào nhưng mẫu hình chu kỳ, mẫu hình sóng lại tương đồng nhau. Khi hiểu được mẫu hình chu kỳ đó, tôi dựa vào đó để quan sát.

Nhưng nếu ai nghĩ rằng chu kỳ của một ngành là dễ hiểu thì có lẽ người đó không biết gì về chu kỳ. Cá nhân tôi phải mất hơn 10 năm để tìm hiểu về chu kỳ, từ chu kỳ giá hàng hóa nguyên liệu (commodity) đến chu kỳ lợi nhuận doanh nghiệp, chu kỳ giá cổ phiếu, chu kỳ tăng – giảm lãi suất của ngân hàng trung ương… Nhận định về chu kỳ trở thành một trực giác và rất khó để giải thích bằng lời, chẳng hạn như để giải thích cho quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngành thép vào cuối năm 2022 thì phải giải thích toàn bộ chu kỳ của ngành thép từ trước đến giờ. Cũng giống như Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long dự báo giá thép đã tạo đáy và thời điểm khó khăn nhất đã qua, dự báo đó được đưa ra dựa trên toàn bộ sự hiểu biết của ông Long về ngành thép. Kiến thức và kinh nghiệm về ngành thép đã được ông Long tích lũy trong suốt một quãng thời gian rất dài.

Tương tự, vì sao tỷ phú Warren Buffett nhìn vào một doanh nghiệp thì có thể biết ngay đó là “great biz” (doanh nghiệp tuyệt vời), còn người khác thì không? Đó là vì ông đã nghiên cứu hàng nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tư duy đúng hướng không phải điều gì quá phức tạp. Chẳng hạn như trường hợp cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco, tôi quan sát thấy ngành chăn nuôi heo có tính chu kỳ. Khi giá heo ở mức cao, nông dân sẽ đổ xô nuôi heo, nguồn cung tăng lên và giá heo sẽ giảm, kéo theo giá cổ phiếu giảm vì lợi nhuận của Dabaco giảm. Còn khi giá heo giảm, tôi quan sát thấy rất nhiều bài báo nói về nỗi khổ của người nông dân chăn nuôi heo bị lỗ nặng. Khi lỗ nặng như vậy, họ sẽ bỏ cuộc và không nuôi heo nữa. Đó là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu DBC vì sớm muộn giá heo cũng tăng trở lại, lợi nhuận của Dabaco cũng sẽ tăng trở lại.

3. Giới đầu tư tài chính thường quan niệm rằng “thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng”. Nhà đầu tư chứng khoán thường sống trong trạng thái hối tiếc về quá khứ và mơ tưởng về tương lai. Khi thị trường ở đáy, họ luôn hối tiếc rằng tại sao không bán cổ phiếu sớm hơn và tỏ ra lo lắng, sợ hãi về tương lai. Còn trên đỉnh, họ không quan sát thực tại đang diễn ra như thế nào mà luôn mơ tưởng về các dự án doanh nghiệp sẽ làm trong tương lai, ngay cả khi cổ phiếu của doanh nghiệp đó đã vượt đỉnh cũ.

Hệ thống kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng luôn vận hành trong trạng thái cân bằng động. Nhưng giới đầu tư lại thường nghĩ rằng nền kinh tế luôn tăng trưởng trong dài hạn và thị trường chứng khoán cũng vậy. Họ làm việc dựa trên kỳ vọng. Họ chiết khấu dòng tiền tương lai về hiện tại (phương pháp DCF) để định giá cổ phiếu. Tôi coi rằng đó như một dạng “giả kim thuật tài chính”. Đừng đưa kỳ vọng ở tương lai vào hiện tại.

Bạch Huỳnh Duy Linh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dau-tu-theo-chu-ky-dung-mo-tuong-ve-tuong-lai-20180504224288759.htm