Đầu tư sâu, nắm bắt cơ hội

Rau quả tiếp tục là điểm sáng trong XK nông sản và còn nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới...

TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit): Nông dân và DN phải liên kết chặt chẽ hơn

Rau quả tiếp tục là điểm sáng trong XK nông sản và còn nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Tôi thấy những quy trình kiểm soát của nước NK và của cơ quan chức năng VN với các lô hàng trái cây XK vào thị trường khó tính rất chặt. Nếu áp dụng rộng quy trình này cho các vùng sản xuất thì sẽ đem lại kết quả tích cực.

Mặc dù 8 năm trở lại đây, chưa có lô hàng trái cây XK nào vi phạm qui định về dịch hại KDTV, nhưng số vụ vi phạm về VSATTP vẫn còn tương đối phổ biến. Chỉ cần một lô vi phạm VSATTP, thì DN có thể bị thiệt hại bằng cả chục lô xuất thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm và bị ảnh hưởng tiếp theo sau.

Hơn nữa, người nông dân cũng cần ý thức rõ việc hợp tác, liên kết với DN chặt chẽ hơn, hãy cùng chia sẻ những khó khăn của DN. Đồng thời, nông dân cần phải dồn tâm huyết vào sản xuất tốt để tạo ra hàng hóa có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP. Không nên nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà làm mất đi cái lợi lớn của quốc gia.

TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI): Chất lượng chưa ổn định, cước phí vận chuyển cao

Tin vui khi trái thanh long đã được thị trường Đài Loan cho phép NK trở lại. Đây là thị trường lớn thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc nên trong năm tới cần gia tăng về số lượng XK vào thị trường này nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Theo tôi, để đạt được kết quả tốt như năm nay thì thực ra đã có một bước chuẩn bị từ những năm trước. Trong thời gian tới trên đà mở cửa những thị trường xuất khẩu hiện tại và thị trường tiềm năng thì ngành cây ăn quả sẽ không chỉ dừng lại mốc 2 tỷ USD mà dự báo XK còn tăng mạnh vào năm tới.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay là chất lượng không ổn định, dù thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính nhưng sản lượng XK còn ít, chủ yếu là thăm dò thị trường, chi phí vận chuyển cao nên giá bán cao (do chủ yếu XK là trái cây tươi, vận chuyển bằng máy bay), khó cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Cần cơ chế, chính sách phát triển trái cây chủ lực

Từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000ha (chiếm 52% so với diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam bộ) và định hướng rải vụ cho 5 loại cây ăn quả chủ lực: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Đến 2016 đã triển khai rải vụ được 50% diện tích của 5 loại trái cây chủ lực trên. Thực tế với riêng cây thanh long đến nay đã có khoảng 42.000ha, vượt ½ diện tích so với quy hoạch. Cục Trồng trọt đang tiếp tục chuẩn bị trình Bộ phê duyệt lại quy hoạch cho riêng diện tích thanh long đến năm 2020 là 45.000ha và sẽ tăng lên 47.000ha vào năm 2030.

Để đẩy mạnh phát triển hiệu quả các loại cây ăn quả chủ lực hướng đến xuất khẩu bền vững thì các địa phương cần phải rà soát và tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch cây trồng chủ lực của tỉnh mình. Đồng thời, tiếp tục triển khai biện pháp rải vụ; thực hiện kỹ thuật thâm canh phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng và ATVSTP, hạ giá thành sản xuất.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển các loại cây trái chủ lực một cách đồng bộ, khuyến khích trồng tập trung để có sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.

TS Võ Mai, PCT Hội Làm vườn Việt Nam: Đẩy mạnh chế biến

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã có kết luận rằng rau quả là thực phẩm muôn đời của nhân loại, vì trong rau quả có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người, do đó rau quả có thể thay thế cho thịt, cá... Ở Ấn Độ có những giáo phái cả đời chỉ ăn rau quả mà vẫn khỏe mạnh bình thường. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ rau quả trên toàn cầu sẽ còn tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Về trái cây, tôi cho rằng cần phải tập trung đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch, nhất là khâu chế biến. Chế biến hiện vẫn đang là hạn chế lớn của trái cây Việt Nam, nhất là khi so sánh với nhiều nước khác. Chẳng hạn, nước ta tuy XK thanh long đứng đầu thế giới (hiện chiếm khoảng 70% lượng thanh long XK toàn cầu), nhưng sản phẩm chế biến từ thanh long còn rất ít. Trong khi đó, ở Chile, tuy sản lượng thanh long không nhiều, nhưng từ trái thanh long, người ta đã chế biến ra được 10 loại sản phẩm khác nhau, có giá trị cao.

Trái cây có rất nhiều loại mà đại đa số không lưu trữ được lâu ở dạng trái tươi. Nếu để trong kho lạnh thì cũng chỉ được vài tháng. Chế biến trái cây sẽ giải quyết được vấn đề này vì sản phẩm chế biến sẽ bảo quản được lâu hơn nhiều. Không những thế, khi công nghiệp chế biến trái cây phát triển mạnh, sẽ giúp nông dân giải tỏa nỗi lo lắng khi được mùa trái cây.

Bởi lâu nay, khi loại trái cây nào đó được mùa, giá sẽ giảm nhiều do sức ép tiêu thụ trái tươi. Nếu có nhiều nhà máy chế biến tổ chức thu mua trái cây về sản xuất những sản phẩm trái cây chế biến, chắc chắn áp lực tiêu thụ trái tươi sẽ bị giảm đi nhiều. Trái cây đưa vào chế biến đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ bán trái tươi. Do đó, chế biến trái cây sẽ làm tăng đáng kể giá trị XK trái cây.

Về chủng loại trái cây XK, cần quan tâm thúc đẩy những loại trái ngon khác. Nước ta có nhiều loại trái cây đầy triển vọng XK trong những năm tới như vú sữa, sa pô chê, măng cụt... Đây là những loại trái cây rất ngon mà nhiều nước trên thế giới không có, hoặc chỉ có rất ít.

Về thị trường, cần tiếp tục tạo điều kiện mở thêm các thị trường khác để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Một thị trường rất tiềm năng cần được quan tâm khai thác là thị trường Nga. Nga có cả một vùng Siberi rộng lớn nhưng lại thường xuyên lạnh giá, nên rất thiếu trái cây. Ở Nga, có khá nhiều người Việt sinh sống, cũng là điều kiện tốt để thúc đẩy XK trái cây sang nước này.

Ông Nguyễn Thế Bảo, GĐ HTX Suối Lớn (Xuân Lộc, Đồng Nai): Phải có công nghệ bảo quản tốt

Tôi cho rằng XK trái cây của nước ta sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Vì ở góc độ HTX của mình, chúng tôi thấy các khách hàng cũ liên tục đề nghị thêm đơn hàng mà chưa từng cắt giảm hợp đồng. Đồng thời lại có thêm nhiều khách hàng mới. Điều này cho thấy nhu cầu NK trái cây của các nước đang tăng.

Cái khó lớn nhất mà các DN XK trái cây đang phải đối mặt là công nghệ bảo quản. Để vận chuyển trái cây XK tới nước NK, kinh tế nhất là đi đường biển do cước phí rẻ, chỉ 1.000-2.000 đ/kg. Nhưng đi đường biển đòi hỏi thời gian bảo quản trái cây phải được hàng chục ngày. Chẳng hạn, khi XK xoài sang Canada, thời gian trái cây trên tàu biển là 30 ngày, cộng thêm thời gian lưu hàng trên kệ ở các hệ thống phân phối của nước này là 15 ngày. Tổng cộng là 45 ngày.

Tuy nhiên, công nghệ bảo quản trái cây ở ta còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu bảo quản dài ngày như vậy. Do đó, các DN buộc phải XK qua đường hàng không với cước phí tới 2-3 USD/kg, nếu là đường bay gần thì cũng hơn 1 USD/kg. Cước phí quá cao như vậy khiến cho việc XK trái cây của DN không đạt mấy về hiệu quả kinh tế, mà chủ yếu mang tính chất thâm nhập thị trường.

Chính vì vậy, để thúc đẩy XK trái cây tiếp tục tăng trưởng mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó khuyến khích thêm nhiều DN tham gia, theo tôi cẩn đẩy mạnh đầu tư khâu sau thu hoạch như bảo quản, chế biến…

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cước phí vận chuyển cho DN. Hiện nay, trái cây Việt Nam vẫn khó cạnh tranh với trái cây Thái Lan do họ có công nghệ bảo quản tốt hơn và được hỗ trợ cước phí từ Chính phủ. Trong khi đó, về chất lượng và mẫu mã, nhiều loại trái cây Việt Nam không hề thua kém sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Như với trái xoài, nhiều nhà NK đã khẳng định xoài Việt Nam không thua kém xoài của bất cứ nước nào.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dau-tu-sau-nam-bat-co-hoi-post181690.html