Đầu tư cho hoạt động dạy người

Trong chương trình lớp 6 mới, trải nghiệm, hướng nghiệp được xem là hoạt động giáo dục đặc thù, bắt buộc, được phân bổ 3 tiết/tuần.

Ảnh minh họa/INT

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà giáo dục cho rằng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một kênh “dạy người” hiệu quả. Tuy không phải là môn học nhưng hoạt động này lại vô cùng cần thiết đối với học sinh, bởi tính thiết thực của các nội dung như hoạt động hướng vào bản thân; hướng đến xã hội; tự nhiên và hướng nghiệp.

Là cầu nối nhà trường, kiến thức các môn học với thực tiễn cuộc sống một cách có tổ chức, định hướng, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp rất cần tương tác trực tiếp, hoạt động thực tế. Song năm học 2021 - 2022 lại diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học sinh lớp 6 nhiều địa phương không thể đến trường. Vì thế,việc thực hiện các hoạt động định kỳ theo chủ đề như tham quan dã ngoại, tổ chức sự kiện, hoạt động thiện nguyện... gần như “đứng bánh”.

Thế nhưng, điều may mắn là chương trình giáo dục mới trao quyền chủ động cho giáo viên. SGK chỉ là tài liệu tham khảo, tùy theo điều kiện từng trường, từng lớp, giáo viên có thể xây dựng chủ đề sao cho phù hợp. Vì thế, căn cứ vào mục tiêu môn học, mặc dù tạm ngừng đến trường nhưng nhiều trường học với sự chủ động, sáng tạo của giáo viên, vẫn tổ chức được các hoạt động trải nghiệm cho học sinh khá độc đáo, hiệu quả.

Ngay trong những tuần học đầu tiên, Trường THCS Trường Sa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã xây dựng chủ đề Đồng hành học trực tuyến trong dịch Covid-19 với nội dung như biện pháp phòng, chống dịch tại nhà; chia sẻ trải nghiệm khi học online; vẽ tranh giới thiệu về sở thích, bản thân. Chủ đề sát với thực tiễn đã tạo nên sự hứng thú, sôi nổi trong học sinh. Đây cũng là cách để các em được chia sẻ và kết nối với bạn học, không còn bỡ ngỡ với môi trường mới, dù chỉ “gặp nhau” trên màn hình máy tính, điện thoại.Tại Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh vẫn học được tiết học Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Chăm sóc cuộc sống cá nhân” dưới hình thức trực tuyến sôi nổi, hấp dẫn...

Dạy học trực tuyến, hoạt động giáo dục trải nghiệm có thể không phát huy hết hiệu quả như dạy học trực tiếp do hạn chế sự tương tác. Thế nhưng, chính sự chủ động, sáng tạo, đa dạng các hoạt động, cách thức tổ chức của giáo viên đã giúp học sinh trải nghiệm trong môi trường ảo nhưng vẫn thu hoạch được lợi ích thật. Các em được làm quen với mô hình, phần mềm, ứng dụng hỗ trợ, được tăng cường khả năng sử dụng công nghệ, rèn luyện tính tự học, tự tìm tòi, tự nghiên cứu…

Sự nỗ lực của mỗi giáo viên, nhà trường để tổ chức dạy học Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, trên bình diện chung, chất lượng dạy học ở các lớp/trường vẫn chưa thực sự đều tay. Một số nơi thầy cô vẫn chưa theo kịp đổi mới, việc dạy học còn theo lối mòn, dù bây giờ giáo viên được tự do xây dựng chủ đề theo khung chương trình. Giáo viên dạy hoạt động này vẫn là kiêm nhiệm, nhiều trường 3 tiết học được phân cho 3 người. Đáng chú ý là do dịch Covid-19, ở nhiều vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh phí eo hẹp, không ít trường học không thể triển khai dạy học trải nghiệm từ đầu năm đến nay.

Góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có vai trò rất quan trọng trong dạy người. Để hoạt động này hiệu quả, cần tăng cường công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, chia sẻ kinh nghiệm để giáo viên có cơ hội bồi dưỡng, học tập và trao đổi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Song song đó, cần quan tâm để đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí đáp ứng cho hoạt động giáo dục này triển khai, nhất là với trường học ở khu vực khó khăn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/dau-tu-cho-hoat-dong-day-nguoi-nHyQeXAng.html