Dấu tích còn sót lại ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường

Hơn nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một 'kinh đô kháng chiến', nơi có vị trí chiến lược mang tính phòng thủ để củng cố lực lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi các triều vua thời Lê - Mạc xây dựng và thực thi các thiết chế để điều hành đất nước.

Hiện trạng cặp voi đá và ngựa đá còn khá nguyên vẹn (Ảnh: Quách Tuấn).

Được xem là “kinh đô kháng chiến” của nhà Lê Trung Hưng trong khoảng 50 năm thời Nam - Bắc triều, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trải qua thời gian với những biến cố, thăng trầm của lịch sử dường như đã bị lãng quên khi những hiện vật còn sót lại của “phế tích” chưa phát huy được giá trị.

Theo các nhà nghiên cứu, Vạn Lại là vùng đất cổ từ thời Lý - Trần trở về trước thuộc huyện Lương Giang, đến đầu đời vua Lê Thái Tổ đổi thành huyện Ứng Thụy, thuộc phủ Thiệu Thiên.

Năm 1546, Trịnh Kiểm cho lập hành điện vua Lê ở Vạn Lại; đồng thời, lấy Vạn Lại – Yên Trường xây dựng kinh đô, tập hợp lực lượng để chống lại nhà Mạc.

Hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ, khai quật năm 2021 (Ảnh: Thuận Minh).

Hơn nửa thế kỷ tồn tại từ năm 1546 đến 1593, kinh đô Vạn Lại – Yên Trường đóng vai trò là "kinh đô kháng chiến" của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh chống lại nhà Mạc trong nội chiến Nam - Bắc triều trước khi chuyển về Thăng Long, đồng thời cũng là nơi các triều vua Lê trong giai đoạn này xây dựng và thực thi các thiết chế để điều hành đất nước.

Nơi đây cũng là nghi kinh (kinh đô giả bảo vệ Thăng Long) trong nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng trong – Đàng ngoài.

Hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ, khai quật năm 2021 (Ảnh: Thuận Minh).

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường ngày nay thuộc xã Thuận Minh và xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, tại xã Thuận Minh chỉ còn hai cặp linh vật voi đá và ngựa đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối nằm xen kẽ trong cánh rừng cao su bạt ngàn của người dân địa phương.

Cặp linh vật voi đá và ngựa đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối tại xã Thuận Minh (Ảnh: Quách Tuấn).

Rải rác xung quanh có những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá, lùm cây, bờ ruộng và các dấu vết nền móng của giếng nước, Đàn tế Nam Giao…

Tại xã Thọ Lập còn rải rác một số tượng Phỗng quỳ bằng đá, miệng giếng nước ngầm… trong khu dân cư

Toàn bộ điện miếu, lăng tẩm, Hành cung ở cả hai vùng Vạn Lại - Yên Trường hầu như đã biến mất. Những chứng tích khác như giếng mắt rồng, Đàn tế Nam Giao…bị cây cỏ bao quanh hoặc mọc lên các công trình nhà ở, trường học…

Cặp linh vật voi đá và ngựa đá nằm trong khoảng đất trống, xung quanh là vườn cao su của người dân (Ảnh: Quách Tuấn).

Tất cả dường như đã bị lịch sử lãng quên, các hiện vật còn lại cũng trở thành “phế tích” khi chưa phát huy được giá trị.

Năm 2021, để phục vụ Hội thảo khoa học “Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê”, Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học di tích Vạn Lại – Yên Trường nhằm phát hiện, nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò, quy mô, kiến trúc của Hành cung.

Dấu vết giếng nước được xem là nơi cung cấp nước cho kinh đô Vạn Lại – Yên Trường (Ảnh: Quách Tuấn).

Kết quả khai quật bước đầu cho thấy nơi đây chính là “kinh đô” thực sự của chính quyền Nam triều trong suốt gần nửa thế kỷ với đầy đủ cung, thất, đền, đài…và là một căn cứ phóng thủ rất lợi hại và cơ động.

Căn cứ kết quả khảo cổ cho thấy, Hành cung Vạn Lại – Yên Trường thuộc đối tượng được Quy hoạch bảo quản, phục hồi di tích theo Quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 15/12/2018 của Chính phủ.

Ngày 10/8/2023, huyện Thọ Xuân đã có tờ trình số 179/TTr-UBND xin chủ trương lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hành cung vạn Lại – Yên Trường gắn với phát triển du lịch.

Khu vực Hành cung Vạn Lại nhìn từ trên cao (Ảnh: Thuận Minh).

Ngày 15/9/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 13708/UBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, thống nhất về sự cần thiết lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hành cung Vạn Lại – Yên Trường, huyện Thọ Xuân gắn với phát triển du lịch.

Việc lập quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi Sở VHTT&DL thực hiện xong việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ và lập xong hồ sơ khoa học…

Ông Vũ Đình Tám, Chủ tịch UBND xã Thuận Minh cho biết: “Để bảo vệ, voi đá, ngựa đá và những hiện vật còn sót lại ở Hành cung Vạn Lại, xã muốn xây dựng quy mô cũng không được phép, nếu làm tạm bợ sẽ rất phản cảm. Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là sớm được Nhà nước, tỉnh quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng, khôi phục lại nhằm phát huy những giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch…”.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường hiện triển khai ở bước khai quật, khảo cổ, thiết lập hồ sơ nghiên cứu.

“Huyện cũng rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh quá trình khai quật, khảo cổ, nghiên cứu, xác định rõ những giá trị của di tích. Qua đó từng bước tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích…”, ông Hải chia sẻ.

Quách Tuấn

.

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/dau-tich-con-sot-lai-o-kinh-do-van-lai-yen-truong-20240323132451822.htm