'Đầu tàu' trong hành trình giảm nghèo ở Bảo Lâm

Trong những năm vừa qua, các mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mô hình có sự chuyển biến mới trong tổ chức, quản lý, nội dung và phương thức hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân...

Khu vực kinh tế hợp tác được đánh giá là một “đầu tàu” trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao như Bảo Lâm. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 55,91% xuống còn 49,09%, đạt 110,7% kế hoạch tỉnh giao, vượt 136,4% kế hoạch Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất…

Có thể khẳng định, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả rõ nét trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả rõ nét trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm.

Theo đó, dựa trên cơ sở phân tích đặc điểm, thế mạnh của từng xã, vùng dân cư sinh sống, huyện Bảo Lâm lựa chọn và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; tổ chức cấp cây, con giống giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, một số mô hình đã và đang phát huy hiệu quả như: mô hình trồng hồi, quế, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gà hữu cơ…

Điển hình như gia đình chị Dương Thị Ngoãn, xã Quảng Lâm. Chị Ngoãn cho biết, trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng ngô, lúa không có thu nhập, cuối năm 2022, khi được cán bộ chọn tham gia dự án, tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi và có cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn, gia đình chị nhận nuôi 50 con gà đẻ trứng trong Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mới hơn 5 tháng nhưng đàn gà đã cho lứa trứng đầu tiên, bước đầu thu về 5 triệu đồng từ tiền bán trứng, cộng với số tiền tích góp của gia đình chị có tiền cho các con ăn học Qua rà soát, gia đình chị đã thoát hộ cận nghèo.

Tại 2 xã Quảng Lâm, Thái Học có 27 hộ tham gia mô hình nuôi gà hữu cơ. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% giống gà ri lai, cám, thuốc thú y và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả. Các hộ tham gia mô hình năng động hơn trong sản xuất, chăn nuôi; áp dụng các kiến thức đã được tập huấn trong chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng chăn nuôi sạch sẽ..., nên đàn gà phát triển tốt. Sau thời gian thực hiện mô hình cho thấy đây là giống gà có sức đề kháng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên tốt, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với phương thức nuôi chăn thả của đồng bào miền núi.

Từ mô hình, các hộ gia đình không những nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế mà còn chia sẻ kinh nghiệm, cách chăn nuôi và chăm sóc gà cho bà con trong xóm. Đặc biệt, các hộ trong mô hình đến nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, đây chính là động lực mạnh mẽ để các hộ tiếp tục phấn đấu vươn lên quyết không tái nghèo.

Trong năm 2022, huyện Bảo Lâm triển khai 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ trồng quế, hồi, nuôi gà hữu cơ với hơn 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.

Việc tham gia mô hình giảm nghèo cơ bản tạo điều kiện cho các hộ gia đình cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, góp phần giúp cho các hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ vươn lên có điều kiện kinh tế khá giả, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất và quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng tham gia phát triển kinh tế. Thông qua thực hiện các mô hình, dự án, người dân được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, cách phòng bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng, tạo việc làm tại chỗ và tạo việc làm thêm cho hàng trăm lao động nông thôn.

…Đến sức lan tỏa của mô hình kinh tế hợp tác

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020 với 9 thành viên, HTX nông - lâm nghiệp 700 Bảo Lâm chuyên cung ứng và bao tiêu sản phẩm gạo “Khẩu Hom” và cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động.

Trong thời gian tới, huyện Bảo Lâm chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ kinh tế tập thể về liên doanh, liên kết mở rộng thị trường...

Nhờ tham gia HTX, các thành viên HTX và một số hộ tham gia trồng cây lúa “Khẩu Hom” đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn.

Ông Nông Quốc Doanh, Giám đốc HTX cho biết, cây lúa “Khẩu Hom” ở Yên Thổ trước đây phát triển mạnh, là loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên được bà con chú trọng gieo cấy. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, nên người dân bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm sau khi thu hoạch. Trước khó khăn đó, HTX nông - lâm nghiệp 700 Bảo Lâm đã chủ động liên kết với bà con tổ chức sản xuất, HTX tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ hoạt động hiệu quả của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho các thành viên.

Từ lúc thành lập đến nay, doanh thu mỗi năm của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, bình quân thu nhập của 9 thành viên và 3 lao động thường xuyên của HTX đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động theo thời vụ khác.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm, kinh tế tập thể (KTTT) là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Và để KTTT đi vào chiều sâu, phát triển đúng hướng, Bảo Lâm đã có những giải pháp quyết liệt, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đó, huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vai trò cũng như cơ chế, chính sách đối với phát triển, nâng cao hiệu quả của KTTT, biểu dương các mô hình điển hình tiên tiến trong hoạt động của HTX để nhân rộng. Tập trung phối hợp, đăng ký nhu cầu đào tạo để thực hiện tập huấn tại Liên minh HTX tỉnh cho đội ngũ quản lý nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kiến thức về kinh tế hội nhập, khoa học công nghệ và kinh nghiệm tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, huyện chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ về liên doanh, liên kết mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho KTTT tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển KTTT theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các thành viên; khơi dậy ý thức tự chủ, tự vươn lên của các tổ chức KTTT gắn với nhu cầu thị trường.

Hiện, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 26 HTX, gồm 19 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 5 HTX nông, lâm - ngư nghiệp; 2 HTX vệ sinh môi trường với 211 thành viên, tổng số lao động thường xuyên HTX 65 lao động. Trong đó, số lao động đồng thời là thành viên 45 lao động, doanh thu trung bình của các HTX đạt từ 500 triệu đồng trở lên, thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX 45 triệu đồng/năm.

Định hướng thời gian tới, Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể đối với sự phát triển của KTTT; nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Minh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dau-tau-trong-hanh-trinh-giam-ngheo-o-bao-lam-1092452.html