Đầu năm mua muối lấy may

Mùng 1 tết, các bà, các chị ở xóm tôi đi lễ chùa và không quên mua một gói muối để lấy may cho cả năm. Họ gọi đó là 'muối lộc' để đón nhận may mắn và cầu mong một năm mới đủ đầy, ấm no.

Người dân ghé mua muối ở chợ Đông Ba trong ngày đầu năm mới

Chị Trương Thị Hồng, tiểu thương chuyên bán muối ở chợ Đông Ba cho hay: Năm nào, tôi cũng mở hàng sớm, mọi người đến mua vài cân để lấy lộc đầu năm. Bán muối đầu năm khác bình thường khi người bán thường đong bát đầy có ngọn thể hiện sự đầy đủ cả năm.Bán muối ngày tết với chị Hồng cũng có nhiều niềm vui vì ai cũng hoan hỉ, không mặc cả như ngày thường, đôi khi còn được khách hàng mừng tuổi.

Không như bán muối theo cân ở các chợ, muối giờ đây được bày bán khắp nơi ở các hàng tạp hóa và tất nhiên hình thức cũng bắt mắt hơn. Từng gói muối được chau chuốt khi muối được gói, bọc cẩn thận trong những chiếc túi hoặc chiếc hộp nhỏ xinh xắn, thắt nơ và có dây cầm.

Những chiếc muối nhỏ được trang trí đẹp mắt

Tập tục mua muối đầu năm không biết có từ bao giờ, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, chị Nguyễn Ngọc Thúy, TP Huế đã thấy cha mẹ mình thường mua muối vào mùng 1 tết. Từ chiều 30 tết, mẹ chị đã đem những cái âu đựng muối ra cọ rửa sạch, chờ đến mùng 1 tết lên chùa cầu may và không quên mua một bát muối đầy. Giờ đây, gia đình chị Thúy vẫn giữ truyền thống mua muối đầu năm mong muốn tình cảm gia đình ngày một đậm đà, gắn kết hơn. Sau khi mang muối về nhà, chị Thúy chia ra thành từng túi nhỏ, cho vào túi nilon hay túi vải, phong bao lì xì... vừa đẹp mắt mà lại tiện cất giữ.

Trong mỗi gian bếp người Việt, thứ gì có thể thiếu, chứ gạo và muối thì không thể. Một nồi cơm, nồi sắn khoai thêm một chén muối cũng xong bữa. Vì thế, có muối trong nhà là có sự no đủ. Muối ở đây được xem như là “muối lộc” để đón nhận sự may mắn, thành đạt với ước nguyện cầu mong, hy vọng về một năm mới làm ăn đầy đủ, ấm no. Ông Trần Hà năm nay bước qua tuổi 85, ở Huế, chia sẻ với chúng tôi: “Từ rất lâu rồi, vào dịp đầu năm, nhà tôi có thói quen đi mua muối về đặt trên bếp, các góc nhà và đổ đầy trong hủ đựng muối. Các chị, các o bán muối ở chợ làng đầu năm tươi cười vui vẻ. Muối bán theo lon, đong đầy cho người mua được may mắn”.

Trong quan niệm của người Việt, nếu mọi sự bắt đầu hanh thông thì những ngày những tháng tiếp theo đó, và cả năm dài đều sẽ đi qua một cách suôn sẻ, thuận lợi và may mắn. Muối có vị mặn, mua muối là mua về sự mặn mà sâu sắc, chung thủy, nghĩa tình. Trong lối sống, người Việt thường ghét sự giả dối, nhạt nhẽo, nông cạn…Sự mặn nồng, đậm đà, chân thực thường được ưa thích và đề cao. Hơn thế nữa, muối mặn còn biểu tượng cho đạo nghĩa vợ chồng trăm năm tình duyên đẹp, bạc đầu nghĩa phu thê. Ngày đầu năm, mua muối về đặt trong nhà để cầu mong sự an yên, hạnh phúc, cái đạo nghĩa mãi được mặn sâu như câu ca dao thuở nào: Tay bưng đĩa muối chắm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

Và cũng theo quan niệm của nhiều người lớn tuổi thì muối có vị mặn nên nó còn có tác dụng trừ tà khí, chống uế bẩn (xát muối cho sạch), xua đuổi tà ma…Vì thế mua muối về, để nhiều muối trong nhà đầu năm còn là để xông nhà, xông khí, để năm mới được an lành.

Nói về ý nghĩa của tục này, TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ: Tập tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Hai vật phẩm này rất quan trọng trong đời sống thực phẩm và nghi lễ gắn liền nhiều tập quán lễ nghi các cộng đồng. Vôi ăn trầu, sơn quét và khử trùng, trừ tà; muối cũng vậy, vừa thực phẩm vừa trừ tà. Nhưng muối mặn, gừng cay thể hiện trung trinh son sắt, nên đầu năm phải mua để duy trì sức sống đặc biệt đó suốt năm. Vôi gắn liền chữ bạc như vôi, thêm cái trừ tà khử độc, cuối năm mua để kết thúc và xua đuổi hết những tai ương và điều xấu xa, không may”.

Ngày xuân, trở về với tục Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi để hiểu thêm và lại càng trân trọng những giá trị văn hóa và cốt cách tâm hồn dân tộc.

Nhiên -Toản

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/dau-nam-mua-muoi-lay-may-137975.html