Đầu năm gặp Phúc

Tết những năm gần đây, tôi chẳng có kế hoạch gì đặc biệt ngoài ở nhà với bố mẹ. Sáng mồng Một cúng cụ, đi chùa, chiều mới thăm họ hàng. Nhưng Giáp Thìn lại có một kế hoạch khác. Gặp Phúc ngay sáng mồng Một mới vui chứ.

Tự nhiên năm nay Phúc bạn tôi lại cùng mấy anh chị em từ miền Trung ra chơi Tết Hà Nội. Giao thừa đi xem rồng bay (màn biểu diễn từ 2.024 chiếc drone) ở hồ Tây. Chiều mồng Một cậu lại ngược về quê.

Phúc kể, quê em không nhiều lễ lạt như ngoài Bắc, giao thừa chỉ cúng ngoài sân chứ không cúng trong nhà. Tôi cũng có dịp Tết vào miền Trung, ấn tượng là nhà nào cũng có hai chậu cúc vàng, thảng hoặc mãn đình hồng bày trước cửa mới chịu. Và có bàn thờ cố định ngoài sân chứ không chờ đến giao thừa mới bê ghế ra bày lễ như ngoài Bắc.

Theo nguyện vọng của Phúc, tôi đưa cậu đi chùa, bốc một quẻ coi năm nay may rủi thế nào. Chúng tôi cũng dành hồi lâu để chụp ảnh với đôi rồng gốm ven hồ Tây. Năm của Rồng mà. Ở quán phở theo thói quen Phúc gọi đĩa giá trụng, rau sống rồi mới nhớ ra đang ở Hà Nội - “trú xứ” của phở. Phúc thích thú khám nghiệm các phong tục miền Bắc. Chiều 30 cũng ra chợ hoa… mua lá mùi về khách sạn cho vào ấm điện đun tắm. Định mua cả đôi cây mía về bày ngắm nhưng sợ không ăn được để phí, lại thôi.

Mấy năm gần đây, tôi mới có thói quen mua lá mùi về đun tắm tất niên. Có thể thêm cả hương nhu, vỏ quýt… Nhưng cũng chỉ mình tôi tắm, người nhà chỉ hưởng hương. Cả một nồi to nên tôi để dư đến hôm sau lại làm một chầu tân niên luôn thể. Trên người vương hương thảo mộc, tự thấy bản thân cũng trở nên thanh tịnh. Tôi tự hỏi vì sao không tắm nước lá mùi quanh năm nhỉ, ít ra cũng tháng một đôi lần?! Thao tác bật bình nóng lạnh quá đơn giản khiến chúng ta ngại đun, pha nước...

Giờ thì chúng ta không thể tưởng tượng được cuộc sống thiếu xà phòng và các chất tẩy rửa. Mẹ tôi kể, hồi nhỏ mọi người quanh năm toàn tắm chay. May gội đầu còn có bồ kết. Đến Tết mới vặt vài nắm lá thơm (mùi già là chủ đạo) trong vườn để đun nước tắm.

Dạo gần đây, mặc cho ngành mỹ phẩm phát triển chưa từng thấy, đến Tết chúng ta lại hay nhắc tới phong tục tắm tất niên và lá mùi trở thành món hàng thiết yếu ngày cuối năm. Các cụ có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Phú quý hẳn là lúc ta có sự thư thả để hồi nhớ, chắt lọc lại những gì tốt đẹp trong ký ức. Nếu may mắn vẫn có thể tái hiện nó trong hiện tại…

Với Phúc hẳn cái Tết này đã có cảm nhận rõ nét về cái Tết xứ Bắc qua hương mùi già vẫn còn vấn vít tận đến khi về nhà. Tôi cũng từng đi chơi vào Tết nhưng chưa bao giờ xa nhà vào đêm giao thừa. Nhưng tôi thấy kiểu thử Tết, đổi Tết của cậu em rất hay. Chưa biết chừng một lúc nào đó tôi cũng thử. Để biết thêm về muôn màu Tết Việt khắp vùng miền.

Trong câu chuyện đầu năm ở quán cà phê, tôi ấn tượng nhất chuyện Phúc cai nghiện cà phê. Cứ như thể cậu đi cả một chặng đường xa đến vào ngày mồng Một chủ yếu để kể rằng cậu từng có thời gian ghiền cà phê nặng, cà phê ngoài quán không đủ đô, nên phải tự mua hạt về rang, xay, hãm và mang theo uống trong ngày...

Rồi Phúc dự học một khóa yoga nâng cao tập trung trên núi trong chục ngày. Tất nhiên các chất kích thích bị cấm ngặt. Cậu rất lo lắng, nhưng tìm ra cách đem theo một cơ số kẹo có nhân là hạt cà phê. Thèm quá thì nhai hạt cà phê ra… Nhưng Phúc đã quá lo xa vì chỉ sau 3 ngày, cậu đã không còn bị phụ thuộc vào cà phê nữa. Từ sau khóa học đó, Phúc vẫn uống cà phê mỗi buổi sáng nhưng ngoài quán là đủ.

Tôi thấy gặp Phúc mồng Một cũng là một sự lạ. Chắc vũ trụ cũng nhân tiện gửi đến tôi một thông điệp gì đó. Chẳng hạn, hãy mạnh dạn phá bỏ những thói quen, những sự lệ thuộc để thay đổi. Sự kiên cố của chúng được hình thành từ chính ảo tưởng của chúng ta mà thôi…

N.M.HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-nam-gap-phuc-post1612488.tpo