Đâu là thách thức doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang phải đối mặt?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ không ngừng tăng lên. Cụ thể, giai đoạn 2012-2020, số lượng doanh nghiệp do nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn tốc độ tăng trung bình của khu vực doanh nghiệp cả nước. Theo đó, hiện trong tổng số 98% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì 20% trong số đó là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang có chiều hướng tăng lên

Đặc biệt hơn, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Việt Nam là một trong các thị trường có đội ngũ doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thời gian qua cũng có những đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp này hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bởi đa số đây là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống. Thậm chí, nhiều doanh nhân nữ còn cho rằng, một số đối tác nam còn bày tỏ thái độ không muốn hợp tác khi biết chủ doanh nghiệp là nữ giới.

Báo cáo Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cũng cho biết, các nữ doanh nhân gặp hàng loạt trở ngại tài chính và phi tài chính. Những trở ngại này cản trở họ phát huy hết tiềm năng kinh doanh của mình. Do đó, tiếp cận tài chính được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nữ doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Điều này là do doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ gặp phải những thách thức khác biệt so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ mà chưa được các tổ chức tài chính đáp ứng một cách đầy đủ thông qua các sản phẩm và dịch vụ phù hợp.

Vì vậy, Sách trắng khuyến nghị tháo gỡ các rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là tiếp cận tài chính, là giải pháp trực tiếp để đạt được bình đẳng giới, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế-xã hội có tính bao trùm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đối mặt với khó khăn trong tiếp cận nguồn lực

Ngoài ra, những rào cản khác đối với các nữ doanh nhân được báo cáo chỉ ra bao gồm: Bạo lực trên cơ sở giới và hạn chế về thời gian do phân công trách nhiệm trong gia đình có sự bất bình đẳng giới và công việc chăm sóc gia đình không lương. Mặc dù cả nam và nữ đều bị hạn chế bởi những chuẩn mực về giới, nhưng ở Việt Nam, phụ nữ phải chịu gánh nặng của bất bình đẳng giới lớn hơn.

Trong khi đó, hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị hạn chế, do thiếu dữ liệu chính xác hoặc thiếu dữ liệu hữu ích phân theo giới, độ tuổi và năng lực. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho việc xác định các nhu cầu và đặc điểm cụ thể của các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và phát triển các chiến lược tiếp thị có mục tiêu dành cho phân khúc này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự phục hồi tiếp diễn trên toàn cầu, điều quan trọng là cần hiểu rõ những rào cản đối với phụ nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, mặc dù Hiến pháp công nhận bình đẳng giới và ngày càng có nhiều sửa đổi về luật pháp và quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới, các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn phải chịu đựng các chuẩn mực và giá trị xã hội mà trong đó, phụ nữ có vị trí và vai trò thấp hơn nam giới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nói riêng, tháng 10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra giải pháp có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã bổ sung chi tiết một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ với các định mức hỗ trợ cao hơn doanh nghiệp nói chung.

Với những chính sách thiết thực, tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ nói riêng vươn lên, hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-la-thach-thuc-doanh-nghiep-nho-va-vua-do-phu-nu-lam-chu-dang-phai-doi-mat-302252.html