Đâu là lợi thế để DTK hút nhà đầu tư?

Theo vị lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoang sản Việt Nam (TKV), có một số nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đã và đang quan tâm tìm hiểu thông tin thoái vốn của Tổng công ty điện lực- TKV (mã chứng khoán DTK) để tìm cơ hội đầu tư vào đây.

Đai diện của các doanh nghiệp giải đáp những vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Phan Thu.

Tại Hội thảo với chủ đề “Cơ hội đầu tư vào Tổng Công ty điện lực – TKV” ngày 26/7, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV cho biết, bám sát chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Hội đồng thành viên TKV đã thông qua định hướng, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc TKV đến năm 2020.

Đối với công tác thoái vốn của TKV tại Tổng Công ty Điện lực TKV (Mã CK: DTK), ông Hải khẳng định, việc thoái vốn đang được thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ cho phép.

Lộ trình thoái vốn đã được phê duyệt giai đoạn đầu là giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65%, theo đó tỷ lệ sở hữu cần thoái trong giai đoạn đầu là 34,68%. Với tỷ lệ sở hữu vốn như hiện tại của TKV là 99,68% thì TKV sẽ phải thoái tiếp tương đương 2.358.240 triệu đồng.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), Tổng Công ty Điện lực TKV là đơn vị tiên phong trong đầu tư phát triển nguồn điện cho đất nước với tổng công suất các nhà máy đạt 1.730MW.

Tính đến cuối năm 2016, doanh nghiệp đang sở hữu 7 nhà máy điện, trong đó có 5 nhà máy trực thuộc sở hữu 100% với tổng công suất 1.030 MW, 2 công ty con với 2 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 700 MW. Tổng công ty còn tham gia góp vốn vào 3 nhà máy điện khác với tỷ lệ từ 5-10% với tổng công suất 3.600 MW.

Hàng năm, DTK sản xuất ra lượng điện từ 8.500-9.500 triệu kWh góp phần quan trọng đảm bảo điện cho phát triển kinh tế đất nước.

Mặt khác, DTK có lợi thế về nguồn nhiên liệu trong nước ổn định và liên tục với nguồn than sản xuất tại chỗ, đảm bảo ổn định trong sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị từ khai thác đến sản phẩm điện thương mại.

Doanh thu của Tổng công ty điện lực trong các năm qua ổn định ở mức 10.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đặt ra; lợi nhuận gộp đạt 907 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng tăng lên mức 16,3% - mức tăng trưởng khá tốt so với năm 2016.

Tuy nhiên, đại diện PSI cũng nhìn nhận khách quan về rủi ro đầu tư với mã chứng khoán DTK do thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường thấp. Hiện tại, cổ đông Nhà nước là TKV vẫn chiếm tỷ trọng đến 99,68% vốn cổ phần. Cổ phiếu tự do giao dịch thấp vì vậy thanh khoản của cổ phiếu DTK trên thị trường còn hạn chế.

Tổng Công ty Điện lực TKV là Công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện.

Từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Tổng Công ty được cổ phần hóa và bắt đầu hoạt động dưới hình thưc công ty cổ phần từ ngày 15/1/2016 với tên gọi Tổng Công ty Điện lực- TKV (mã chứng khoán DTK) với vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng. Giá cổ phiếu vào thời điểm tháng 7/2017 là 14.000 đồng/cổ phiếu.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dau-la-loi-the-de-dtk-hut-nha-dau-tu.aspx