Đâu khó, có Mặt trận

Đợt công tác mới đây của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu tới Bình Thuận và Ninh Thuận-hai tỉnh Nam Trung Bộ khô hạn bậc nhất cả nước; vừa qua lại phải chịu đợt hạn hán lịch sử- đã là nguồn động viên lớn lao cho đồng bào vùng khó.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi bà con nông dân tỉnh Bình Thuận, ngày 7/10.

Do tác động xấu của biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm, những dòng sông khô nước, diện tích hoang mạc nới rộng thêm. Cỏ cây chết khô, những cánh đồng nứt nẻ, gia súc thiếu nước, khó càng thêm khó.

Đoàn cán bộ cấp cao của Mặt trận Trung ương đến với Bình Thuận, Ninh Thuận là đến với vùng khó, đến với người dân đã và đang tiếp tục phải đối diện với những khó khăn.

Chính vì thế, Đoàn công tác do Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đi đến đâu cũng làm việc cụ thể với lãnh đạo địa phương; dành thời gian để đến với dân, nghe dân nói rồi từ đó tìm cách gỡ khó cho dân.

Những điểm vướng mắc được Mặt trận tháo gỡ là rất cụ thể, thiết thực.

Bên cạnh đó, người Mặt trận cũng không quên nhắc nhở địa phương rằng, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc anh em, nhất là đối với đồng bào Chăm làm ăn sinh sống bao đời nay trên mảnh đất này. Bà con thiếu vốn thì tỉnh cần có giải pháp vì điều đó Chính phủ đã có chủ trương, phải nhanh chóng có vốn cho người dân phát triển sản xuất.

Trước thực tế khô hạn của địa phương, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, địa phương nên học tập Israel- nước trước đây là sa mạc nhưng giờ là cường quốc nông nghiệp.

Về việc bảo vệ rạn san hô ven biển, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tỉnh cần phối hợp với Viện Hải dương học lập đề án bảo tồn. Thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chủ tịch cho biết, Mặt trận sẵn sàng hỗ trợ làng nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm.

Chủ tịch lưu ý, phát triển sản phẩm của làng nghề cũng là cách để gìn giữ những nét đẹp văn hóa Chăm; việc liên kết thành HTX là cách tốt nhất để làng Chăm giữ nghề, phát triển nghề truyền thống.

Làm việc với lãnh đạo địa phương, xuống tận xã, tận làng gặp gỡ, lắng nghe người dân, Đoàn công tác của Mặt trận còn tới Trường Dân tộc nội trú. Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở cán bộ giáo viên phải hết lòng vì học sinh mà đa số gia đình các em còn khó khăn.

Với học sinh, phải ra sức rèn luyện, phấn đấu để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước; hạn chế tối đa tình trạng bỏ học giữa chừng.

Chủ tịch nhắc, cần đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh ngay từ năm học lớp 10; đồng thời nhắn nhủ, tương lai của dân tộc Chăm nằm trong tay các em. Hãy chăm học, sáng tạo, đoàn kết và đổi mới để xây dựng quê hương, để mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Nếu không có các dân tộc, không có đồng bào Chăm thì không có đất nước Việt Nam hôm nay. Bất kể chúng ta là dân tộc gì thì cũng có trách nhiệm phát triển đất nước. Còn trách nhiệm của Nhà nước là hỗ trợ và chăm sóc bà con”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Đoàn cấp cao của Mặt trận Trung ương đến với vùng khó. Mà đã rất nhiều lần, ở đâu khó khăn là ở đó có người Mặt trận. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn công tác của MTTQ Việt Nam đã đến tận huyện, tận xã những tỉnh bị hạn hán, xâm nhập mặn vùng Tây Nam Bộ; tới Tây Nguyên giữa mùa hè nắng như thiêu như đốt; tới với bà con các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa xả thải độc hại ra biển… Những nơi khó nhất luôn có người Mặt trận, nghèo của nhưng giàu tình. Tới tận nơi để động viên, chia sẻ cũng có nghĩa là Mặt trận sát cánh cùng bà con trong cơn bĩ cực, tìm cách gỡ khó cùng bà con. Chắc hẳn, những nơi cán bộ Mặt trận đến, bà con rất ấm lòng.

Gần dân, lắng nghe dân nói, chia sẻ khó khăn cùng người dân- đó là phong cách làm việc của người Mặt trận. Mặt trận đến với dân cũng là Đảng, Nhà nước đến với dân.

Không phải chỉ là sự úy lạo thông thường, mà trên hết và sâu xa hơn chính là tinh thần sẻ chia và gợi mở cho sự phát triển. Sau chuyến công tác của Đoàn cán bộ cao cấp MTTQ Việt Nam, hẳn Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ nhận rõ hơn cách vượt qua khó khăn và con đường phát triển. Đó là tích cực xây dựng hợp tác xã, nhân rộng những điển hình làm kinh tế hiệu quả để cuộc sống của người dân được khấm khá. Giữ gìn rạn san hô ven biển cũng là giữ nguồn lợi thủy sản cho mình, góp phần bảo vệ môi trường biển.

Giữ làng nghề, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc. Đặc biệt đối với đồng bào Chăm, các cấp các ngành cần chăm lo nhiều hơn và bản thân các làng Chăm, từng người Chăm cũng cần nỗ lực vươn lên, vì chính bản thân mình, làng xã mình và cho đất nước.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/dau-kho-co-mat-tran/126650