Dấu hiệu khởi sắc tăng trưởng tín dụng từ hai 'đầu tàu' kinh tế lớn

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 9 đạt 0,72%, tại Hà Nội là 0,35%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết sau khi tăng trưởng 0,67% trong tháng 8, tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng 0,72% trong tháng 9, đưa quy mô cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tăng 4,1% so với cuối năm ngoái.

Lãi suất giảm là yếu tố để thúc đẩy tín dụng trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, tại Hà Nội, tăng trưởng tín dụng có phần khởi sắc hơn và tăng hơn gấp đôi so với TP Hồ Chí Minh.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.219 nghìn tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 9,27% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.323 nghìn tỷ đồng, tăng 0,38% và tăng 10,85%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.896 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% và tăng 8,19%.

Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 18,28% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 8,47%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,49%; cho vay xuất khẩu chiếm 8,63%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 7,56%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 6,63%.

Theo nhận định của các ngân hàng, lãi suất giảm là yếu tố để thúc đẩy tín dụng. Hiện, mặt bằng lãi suất đã trở về mức thấp trước COVID-19. Lãi suất huy động 12 tháng cao nhất hiện cũng chỉ còn 6,2%/năm. Dù vẫn cần thời gian để trung hòa giá vốn cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động đưa lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp về dưới 5%/năm; khách hàng cá nhân là 7-8%/năm, đồng thời tăng quy mô các gói tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Đồng thời, nhiều gói vay ưu đãi, cùng nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, riêng 9 tháng đầu năm đã tổ chức được 25 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp, thông qua đó thực hiện ký kết vay vốn và giải ngân gói tín dụng ưu đãi, với kết quả đạt trên 469 nghìn tỷ đồng, bằng 103,5% gói tín dụng ưu đãi được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm. Song song đó, thông qua chương trình tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình kích cầu đầu tư của UBND TP.

Ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định: "Tín dụng đã và đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, gắn liền với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, đặc biệt là một số ngành đã và đang hoạt động tốt như lĩnh vực xuất khẩu, nông thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo".

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.

Việc tín dụng tăng trưởng liên tục phản ánh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời phản ánh tác động và hiệu quả của chính sách tiền tệ tín dụng, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dau-hieu-khoi-sac-tang-truong-tin-dung-tu-hai-dau-tau-kinh-te-lon-1096036.html