Dấu hiệu cảnh báo cơ thể có mức kali thấp nguy hiểm

Cơ thể có nồng độ kali quá thấp có thể gây ra nhịp tim không đều, yếu cơ và thậm chí là tê liệt.

Kali là chất điện giải quan trọng trong cơ thể và chịu trách nhiệm về chức năng của cơ, dây thần kinh và tim. Nồng độ kali rất thấp được gọi là hạ kali máu và có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm vì một người thậm chí có thể cảm thấy quá yếu để di chuyển cơ thể, bị tê liệt, ngất xỉu hoặc nhịp tim không đều.

Trong hạ kali máu, lượng kali trong máu quá thấp. Mức kali bình thường nằm trong khoảng từ 3,5 đến 5,2 mEq/L (3,5 đến 5,2 mmol/L). Bất cứ điều gì thấp hơn 3 mEq/L (3 mmol/L) đều có thể được coi là hạ kali máu nghiêm trọng. Mặc dù các trường hợp hạ kali máu nhẹ không có triệu chứng, trong trường hợp nồng độ kali thấp ở mức nguy hiểm, người bệnh cần được chăm sóc y tế.

Nguyên nhân gây mức kali thấp

Theo Hindustan Times, bác sĩ Kamal Verma, chuyên gia tư vấn cấp cao, khoa Nội, Bệnh viện Amrita, Faridabad (Ấn Độ), cho biết nồng độ kali thấp, còn được gọi là hạ kali máu, xảy ra khi nồng độ kali trong huyết thanh giảm xuống dưới mức bình thường là 3,5-5 mEq/l.

Nôn mửa, tiêu chảy hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến mức kali thấp trong khi một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao cũng có thể loại bỏ kali cùng với natri và nước dư thừa từ nước tiểu.

Cụ thể, bác sĩ Kamal cho biết nguyên nhân gây ra lượng kali thấp thường bao gồm:

Giảm lượng thực phẩm tiêu thụ bình thường - thường ít thấy hơn, tức là trong các điều kiện như đói và nhịn ăn quá mức.
Tiêu chảy cấp tính, nôn mửa dai dẳng hoặc tái phát, mất nước quá mức qua thận.
Dùng thuốc - thuốc lợi tiểu (thường được dùng để điều trị tăng huyết áp và suy tim), sử dụng thuốc nhuận tràng dư thừa để trị táo bón.
Đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất nặng ở nhiệt độ cao, hoặc sinh sống ở khu vực quá nóng.

Các triệu chứng của kali thấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ kali phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hạ kali máu. Các trường hợp nhẹ thường không có triệu chứng, tức là khi kali từ 3-3,5 mEq/l hoặc trừ khi bệnh nhân là người lớn tuổi hoặc có vấn đề y tế nghiêm trọng khác như bệnh thận mạn tính hoặc suy tim.

Các triệu chứng thường xuất hiện khi nồng độ K huyết thanh xuống dưới 3 mEq/l. Tiến sĩ Puneet Bhuwania, chuyên gia tư vấn về Thận học & bác sĩ cấy ghép tại Bệnh viện Wockhardt, Mira Road, giải thích chi tiết các triệu chứng hạ kali máu:

- Thần kinh: Co cứng cơ và yếu các chi, nhất là ở chi dưới; có thể gây tê liệt.

- Tiêu hóa: Táo bón và chướng bụng, buồn nôn và nôn.

- Mệt mỏi toàn thân và đau cơ.

- Tim mạch: Huyết áp thấp, đánh trống ngực do nhịp tim không đều liên quan đến rối loạn nhịp tim và tâm thất.

- Suy nhược cơ hô hấp và có trường hợp nặng là suy hô hấp.

Kali là dưỡng chất quan trọng trong cơ thể, đặc biệt đối với cơ tim, xương và hoạt động của ruột. Ảnh: Healthline.

Mối nguy hại khi cơ thể có nồng độ kali thấp

"Kali là một trong những chất điện giải chính trong cơ thể, có vai trò trực tiếp trong quá trình hoạt động bình thường của cơ tim, cơ xương và hoạt động của ruột. Nồng độ kali thấp có thể dẫn đến rối loạn các chức năng này do vai trò của nó đối với hoạt động bình thường của tế bào", bác sĩ Kamal chia sẻ.

Việc giảm đáng kể nồng độ kali, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim, có thể dẫn đến nhịp tim không đều. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu. Mức kali thấp thậm chí có thể khiến tim bạn ngừng đập.

Bên cạnh đó, kali cần thiết để duy trì cơ bắp, tế bào thần kinh và tim của bạn hoạt động bình thường. Kali cũng cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và sức khỏe của xương. Thiếu kali có thể làm suy yếu các hoạt động quan trọng này của cơ thể.

Mức kali thấp trong cơ thể có thể gây ra nhịp tim không đều, yếu cơ và thậm chí là tê liệt theo thời gian.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-canh-bao-co-the-co-muc-kali-thap-nguy-hiem-post1436910.html