Dấu ấn từ những Nghị quyết chuyên đề ở Lào Cai

Những Nghị quyết chuyên đề đã ghi dấu ấn tích cực trong hơn nửa nhiệm kì qua, góp phần giúp Lào Cai tiến nhanh hơn tới các mục tiêu Đại hội, có nhiều Nghị quyết đã thực sự hòa vào hơi thở cuộc sống.

Là địa bàn có 3/4 dân số, tương ứng với lực lượng lao động chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn, nhưng nền nông nghiệp bao năm vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu, thiếu bền vững luôn là trăn trở đối với lãnh đạo cấp ủy tỉnh Lào Cai.

Nghị quyết 10 đã thay đổi hoàn toàn tư duy làm nông nghiệp ở Lào Cai (Ảnh: Mạnh Dũng)

Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu, cần thiết phải có chiến lược bài bản. Sau khi tập hợp trí tuệ tập thể, tháng 8/2021, Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai tập trung cho nhiệm vụ này đã được ban hành, kèm các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mới qua 2 năm thực hiện, bước đầu vùng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh đã được mở rộng lên trên 75.000 ha, gắn với 5 nhóm cây trồng chủ lực gồm chè, chuối, dứa, quế và dược liệu; hàng trăm mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi, ứng dụng kỹ thuật cao đã hình thành.

Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Lào Cai đạt trên 4.500 tỷ đồng, chiếm một nửa giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Từ vùng thấp đến vùng cao, đâu đâu ở Lào Cai cũng thấy bóng dáng Nghị quyết 10.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Trường THTP Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai mới (Ảnh: Cao Cường)

Theo ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương, sau khi quyết tâm mở rộng diện tích và chuyển đổi gần 3.000 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây hàng hóa, cây đặc sản địa phương, hiện toàn huyện đã có khoảng 10.000 ha vùng trồng tập trung, thu hút được các doanh nghiệp lớn về chè, về hoa quả tới đầu tư nhà máy chế biến.

Ông Giảng Quốc Hưng cho biết: "Từ khi thực hiện Nghị quyết 10 đến nay, chúng tôi áp dụng được những ưu việt của Chương trình Mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết của HĐND vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đây là nguồn lực rất lớn giúp địa phương ổn định vùng nguyên liệu cũng như xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa sạch. Riêng năm 2023, toàn bộ ngành nông nghiệp của Mường Khương đã đóng góp khoảng 800 tỷ cho kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo đời sống của người dân trên địa bàn."

Ngoài Nghị quyết 10, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai còn ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề khác, tập trung vào lĩnh vực trọng điểm như chuyển đổi số; quản lý khoáng sản; thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hóa, con người; phát triển du lịch… Hay tập trung vào địa phương trọng điểm như các Nghị quyết phát triển thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát.

Sa Pa có riêng một Nghị quyết định hướng phát triển của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai (Ảnh: Công Hải)

Theo ông Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, ngay sau khi mỗi Nghị quyết được ban hành, việc tổ chức học tập, quán triệt đều được triển khai sớm, sâu rộng trong toàn tỉnh. Hoạt động tuyên truyền Nghị quyết có nhiều sáng tạo, linh hoạt như áp dụng cả hội nghị trực tiếp lẫn trực tuyến; tổ chức nhiều đợt thi tìm hiểu. Đặc biệt, công tác giám sát, kiểm tra việc học tập, tiếp thu và triển khai Nghị quyết cũng được chú trọng.

Ông Dương Đức Huy nhấn mạnh: "Việc triển khai Nghị quyết phải được triển khai thường xuyên, kết hợp với kiểm tra giám sát, từ đó mới phát hiện được cái yếu, cái thiếu của cơ sở để có biện pháp bổ sung, hướng dẫn các Chi, Đảng bộ thực hiện đúng nhiệm vụ. Mục tiêu cuối cùng là Nghị quyết phải vào được cuộc sống."

Được xây dựng công phu, ngắn gọn, nhưng cụ thể, sát thực với địa phương, các Nghị quyết chuyên đề đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ tỉnh Lào Cai.

Sơn Hải là xã đầu tiên của Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới (Ảnh: Đức Phương)

Theo ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, để triển khai hiệu quả các Nghị quyết, nhất thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu. Đây là kinh nghiệm của Bảo Thắng để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Lào Cai, bởi rất nhiều nhiệm vụ quan trọng phải dựa vào sức dân như hiến đất mở đường, tự lực thoát nghèo, cải thiện môi trường... Bài học này sẽ tiếp tục được Bảo Thắng phát huy để phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Ông Ngô Minh Quế cho biết: "Từ đồng chí Bí thư cho đến cấp ủy các địa phương, rồi các tổ chức chính trị - xã hội đều vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân. Khi người dân thấy cả hệ thống chính trị vào cuộc sẽ nhận thức được rằng việc thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ cho cộng đồng mà cho chính cá nhân họ."

Quá trình triển khai Nghị quyết rất cần phát huy tính sáng tạo, bởi mỗi địa phương đều có những nét riêng biệt không thể rập khuôn, cứng nhắc.

Lào Cai dần khẳng định vai trò là trung tâm giao thương, kết nối vùng (Ảnh: Công Hải)

Theo ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, từ đầu nhiệm kì đến nay, cấp ủy địa phương đã ban hành 13 Nghị quyết, 30 Chỉ thị và 6 Kết luận chuyên đề, vừa cụ thể hóa các chủ trương của trung ương, của tỉnh, vừa bám sát vào thực tế địa phương, tất cả nhắm vào mục tiêu quan trọng nhất là đưa Bắc Hà thoát ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.

Ông Nguyễn Duy Hòa cho rằng: "Đặc biệt là những vấn đề khó khăn gắn với đặc thù của huyện Bắc Hà. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tập trung cải tạo tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất để nâng cao nhận thức của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn."

Từ năm 2020 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành tổng cộng 16 Nghị quyết chuyên đề. Qua đánh giá, các Nghị quyết trong nhiệm kì này đã khắc phục được tình trạng chung chung, dàn trải.

Theo ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, các Nghị quyết dù mới ban hành nhưng đều đã đạt được những kết quả nhất định. Điều đó cũng khẳng định hiệu quả từ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở địa phương.

Ông Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: "Trong phương thức lãnh đạo bằng chủ trương, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành rất nhiều Nghị quyết chuyên đề mà từ trước đến nay chưa từng có, không dừng lại ở nhiệm kỳ 5 năm, mà 10 năm, 20 năm, 30 năm và tới đây sẽ vẫn còn nhiều Nghị quyết chuyên đề nữa."

Song song với việc đưa ra các chủ trương, định hướng, các phương thức lãnh đạo khác của Đảng cũng được Lào Cai áp dụng đồng bộ. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, Lào Cai luôn chú trọng đẩy mạnh phân cấp quản lý, rà soát, sắp xếp đội ngũ. Trong nêu gương, bản thân Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban chỉ đạo 2 Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi số.

Qua nửa nhiệm kì, các Nghị quyết chuyên đề đã góp phần đắc lực giúp Lào Cai thực hiện hiệu quả 18 Đề án trọng tâm, từng bước hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Đến nay, trong số 24 chỉ tiêu Đại hội, Lào Cai đã có 18 chỉ tiêu đạt trên 70%, còn lại hầu hết đạt từ 50 – 70%.

Manh nha từ cuộc sống, rồi được tiếp thu bằng trí tuệ tập thể, sau khi thể chế hóa, cụ thể hóa bằng hành động, Nghị quyết một lần nữa lại trở về hòa mình vào hơi thở của thời cuộc. Nhiều Nghị quyết chuyên đề của Lào Cai thực sự đã lan tỏa mạnh mẽ, xuống tận cơ sở vẫn thường xuyên nghe thấy được “nhắc số”, “gọi tên”. Tất cả cũng vì một Lào Cai phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững; khẳng định vai trò trung tâm giao thương, kết nối vùng, và sớm trở thành địa phương khá giả của cả nước trong tương lai không xa.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dau-an-tu-nhung-nghi-quyet-chuyen-de-o-lao-cai-post1076942.vov