Dấu ấn trên đất bạn Lào

Đã nhiều lần chúng tôi được cùng cán bộ, đoàn viên công đoàn thuộc Tổng công ty Hợp tác Kinh tế (Quân khu 4) và các công ty thành viên của Tổng công ty đi giúp bà con ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh của nước bạn Lào.

Đến đâu chúng tôi cũng thấy sự nhiệt huyết và tinh thần lao động sáng tạo của các cán bộ, đoàn viên công đoàn giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các cụm bản vững mạnh. Qua đó để lại nhiều tình cảm và dấu ấn tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Năm 2010, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy giống cây dong riềng của Việt Nam thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước bạn Lào, Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn (Công ty Viêng Chăn) đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cây dong riềng tại huyện Longchaeng, tỉnh Xaisomboun. Dự án được xây dựng trong vùng nguyên liệu hơn 200ha, với quy mô 3 nhà máy sản xuất miến và tinh bột dong với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại tại các bản Nậm Xan, Nậm Xiểm, Mường Om. Hằng năm, mỗi nhà máy trung bình tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ dong riềng, tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân, với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/hộ dân/năm.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn thu mua củ dong riềng của người dân.

Nhờ có dự án phát triển và thu mua củ dong riềng nên đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ đủ ăn, đủ mặc, nhiều nhà đã mua được xe ô tô, xe công nông, xây được nhà mới... Anh Giàng Nhia Phụng, người dân tộc Mông ở bản Nậm Xiểm phấn khởi cho biết: “Nhờ tham gia trồng củ dong riềng để bán cho Công ty Viêng Chăn nên vợ chồng tôi có tiền để mua ô tô tải, xây được nhà, cho con ăn học. Cuộc sống hiện nay khá hơn trước rất nhiều”.

Còn với gia đình anh Y Liêng ở bản Na Xẳng (huyện Pakkading, tỉnh Bolikhamsai) trước đây thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng không có việc làm, nhà lại đông con khiến cho cuộc sống càng thêm thiếu thốn. Từ khi có dự án trồng cao su của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO (Công ty COECCO), vợ chồng anh cùng 4 người con đã xin vào làm công nhân cạo mủ, nhờ đó cuộc sống dần đỡ vất vả hơn. Đến nay anh chị mua được máy cày, xây được nhà mới.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trải qua 16 năm nỗ lực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay Công ty COECCO đã trồng và phát triển diện tích cao su lên đến hơn 2.000ha, với 2 nông trường và 1 nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Pakkading, năng suất ước đạt 4.500 tấn/năm. Dự án đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động là người dân tộc thiểu số của nước bạn Lào, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có việc làm ổn định nên không còn tình trạng người dân đốt rừng làm rẫy, di canh, di cư tự do, tình hình địa bàn vùng biên được ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Võ Văn Đức, Chủ nhiệm Chính trị Tổng công ty Hợp tác Kinh tế cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn Lào, đây là địa bàn có 100% người dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn, thời gian qua, cán bộ, đoàn viên công đoàn các công ty, xí nghiệp đã thực hiện nhiều dự án khuyến lâm, khuyến nông hiệu quả. Trong đó phải kể đến dự án trồng, thu mua dong riềng của Công ty Viêng Chăn; dự án trồng và chế biến mủ cao su của Công ty COECCO; dự án trồng và chế biến tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV Phát triển miền núi... Phát huy tinh thần trách nhiệm, cán bộ, đoàn viên công đoàn còn triển khai nhiều tiểu dự án khuyến nông, khuyến lâm khác như: Trồng cà gai leo, sả Java, đậu lạc, gừng... qua đó giúp nhân dân Lào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Bên cạnh việc giúp nhân dân phát triển kinh tế, cán bộ, đoàn viên công đoàn của Tổng công ty Hợp tác Kinh tế còn là lực lượng nòng cốt, hoàn thành nhiều công trình xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... tại Lào. Điển hình là công trình Trường Quân sự tỉnh Xaisomboun, Bệnh viện tỉnh Xaisomboun, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khammouane, Trường Phổ thông trung học Năng khiếu Xiangkhouang... Thượng tá Bùi Thế Kỷ, Trưởng phòng Công tác Quần chúng (Cục Chính trị Quân khu 4) nhấn mạnh: “Những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, đoàn viên công đoàn các đơn vị, doanh nghiệp của Tổng công ty Hợp tác Kinh tế luôn được ghi nhận. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đoàn viên công đoàn đã tích cực trong tăng gia sản xuất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lao động giỏi, lao động sáng tạo, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, doanh nghiệp; để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dau-an-tren-dat-ban-lao-737043