Dấu ấn qua các kỳ đại hội Ðảng

Kể từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội. Trước thềm Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng tổ chức từ ngày 25/1 - 2/2/2021, Báo Ðiện Biên Phủ khái quát dấu ấn qua các kỳ Ðại hội của Ðảng ta.

Ðại hội lần thứ nhất: Khôi phục tổ chức, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng

Ðại hội đại biểu lần thứ nhất của Ðảng họp từ ngày 27 - 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Ðại hội có 13 đại biểu thay mặt gần 6.000 đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước.

Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng là dấu mốc lịch sử quan trọng, được tổ chức sau 5 năm tổ chức hội nghị hợp nhất các Ðảng, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðại hội đánh dấu sự khôi phục các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước. Ðồng thời, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân, dưới ngọn cờ vẻ vang của Ðảng.

Ðại hội lần thứ II: Ðảng lãnh đạo đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn

Ðiều kiện lịch sử đã đặt ra cho Ðảng ta các yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Trung ương Ðảng quyết định triệu tập Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng, họp từ ngày 11 - 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự Ðại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên.

Ðại hội lần thứ III: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng họp từ ngày 5 - 10/9/1960 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Ðại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 500 nghìn đảng viên. Ðại hội đã tổng kết 30 năm lãnh đạo của Ðảng, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Ðại hội lần thứ IV: Hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Ðại hội lần thứ IV của Ðảng họp từ ngày 14 - 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.008 đảng viên thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước. Dự Ðại hội có 29 đoàn đại biểu quốc tế.

Ðại hội lần thứ V: Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân

Ðại hội lần thứ V của Ðảng họp từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Ðại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước.

Ðại hội lần thứ VI: Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước

Ðại hội lần thứ VI của Ðảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Ðại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Ðảng. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Ðại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Ðảng theo tinh thần cách mạng và khoa học.

Ðại hội lần thứ VII: Ðổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước tiến lên theo con đường XHCN

Ðại hội lần thứ VII của Ðảng diễn ra từ ngày 24 - 27/6/1991 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Ðại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 2,15 triệu đảng viên trong toàn Ðảng.

Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng diễn ra từ ngày 28/6 - 1/7/1996 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Ðại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng.

Ðại hội khẳng định: nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, Ðại hội rút ra 6 bài học chủ yếu.

Ðại hội lần thứ IX: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 19 - 22/4/2001 với sự tham gia của 1.168 đại biểu đại diện cho hơn 2,4 triệu đảng viên trong toàn Ðảng.

Ðại hội lần thứ X: Huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

Ðại hội lần thứ X của Ðảng họp từ ngày 18 - 25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.176 đại biểu đại diện cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Ðảng. Ðại hội đánh giá sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; đồng thời nêu bật 5 bài học lớn.

Ðại hội lần thứ XI: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước

Ðại hội lần thứ XI của Ðảng họp từ ngày 12 - 19/1/2011 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong toàn Ðảng.

Ðại hội lần thứ XII: Bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển

Ðại hội lần thứ XII của Ðảng họp từ ngày 20 - 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.510 đại biểu được tổ chức thành 68 đoàn. Ðây là Ðại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Ðại hội của Ðảng. Ðại hội được tổ chức sau 30 năm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện công cuộc đổi mới kể từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI (tháng 12/1986).

Ðại hội lần thứ XIII: “Khát vọng - Phát triển - Ðổi mới - Sáng tạo”

Tại Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII) đã quyết định triệu tập Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Ðại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên. Ðại hội lần này là sự kiện chính trị trọng đại của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Ðảng và đất nước. Ðại hội XIII hướng tới chủ đề “Khát vọng - Phát triển - Ðổi mới - Sáng tạo”.

Mai Ngọc (tổng hợp)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/184310/dau-an-qua-cac-ky-dai-hoi-%C3%B0ang