DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

Với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, năm 2023, tập thể Hội đồng Dân tộc đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra và đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết 'Dấu ấn hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội năm 2023' của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm.

Năm 2023, Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình công tác năm 2023 của Hội đồng Dân tộc. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập thể Hội đồng Dân tộc đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra và đạt được những kết quả nổi bật sau:

Một là, về công tác xây dựng pháp luật

Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra 23 dự án luật, 10 Nghị quyết và 12 báo cáo, Tờ trình của Chính phủ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Hội đồng Dân tộc tiếp tục phân công các đồng chí trong Thường trực Hội đồng tham gia, phối hợp nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; cử đại diện tham dự họp khi có yêu cầu; xây dựng văn bản tham gia thẩm tra, rà soát bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo; đối với những nội dung khó, phức tạp của các dự thảo, Thường trực Hội đồng đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, họp cho ý kiến nhiều lần; chủ trì, phối hợp một số cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, Hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của dự án luật nhằm phục vụ cho việc tham gia thẩm tra. Nhiều ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số (DTTS), vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào trong các quy định của luật, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… Những kết quả này đã được lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các Ủy ban, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan đánh giá cao.

Một trong những điểm nổi bật trong năm 2023 của Hội đồng Dân tộc là theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc được giao là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, khó, lần đầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã nghiêm túc, khẩn trương, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập lập đề nghị xây dựng Luật; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, theo đó xác định các nội dung, nhiệm vụ công tác cụ thể, phân công nhiệm vụ đến từng cá nhân và tiến độ thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ. Hiện nay Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo đang khẩn trương hoàn thành Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, tiến hành thu thập, nghiên cứu tài liệu liên quan phục vụ lập đề nghị xây dựng Luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia theo kế hoạch đề ra.

Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Hai là, về công tác giám sát

Điểm nhấn kết quả nổi bật trong năm 2023 là Hội đồng Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các Ủy ban liên quan tham mưu phục vụ Đoàn giám sát của tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nên nội dung và phạm vi rộng giám sát rộng, khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan thường trực Đoàn Giám sát, Hội đồng Dân tộc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, khó khăn trong việc đánh giá tổng hợp, do vậy đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, điều kiện để các Tổ công tác và Đoàn Giám sát làm việc với Chính phủ, với 11 bộ, ngành và 15 địa phương theo kế hoạch; nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc 63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo phục vụ giám sát; chuẩn bị nội dung, chương trình và điều kiện khác để phục vụ các cuộc họp của Đoàn Giám sát, các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung thảo luận, cho ý kiến về giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; dự thảo báo cáo và Nghị quyết giám sát...

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Trưởng đoàn khảo sát tại xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tham mưu cho Đoàn giám sát xây dựng báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc còn tích cực tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội; góp ý hoàn thiện Đề cương của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.; phân công đại diện Thường trực HĐDT tham gia đoàn giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội khi được mời. Các thành viên tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, được lãnh đạo và các Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm thay mặt Đoàn Giám sát báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các nghị quyết của quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại Kỳ họp thứ 6.

Song song với việc tham mưu, phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc thực hiện công tác giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:

(1) Hội đồng Dân tộc đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 763/KH-HĐDT15 ngày 03/01/2023 về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc năm 2022. Trong quá trình giám sát, Hội đồng Dân tộc tập trung rà soát, đánh giá về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc; từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tại Báo cáo số 458/BC-HĐDT15 ngày 16/6/2022). Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu và ban hành Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 13/4/2023 về Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc.

(2) Chủ trì phối hợp Ban Dân nguyện thành lập Đoàn giám sát “Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến dự án thủy điện Bản Chát” trên địa bàn huyện Than Uyên và Tân Uyên của tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng Dân tộc (tại Báo cáo kết quả giám sát số 1006/BC-HĐDT15 ngày 31/5/2023), Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Văn bản số 99/UBND-KTN để thực hiện các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, tiếp tục xử lý các tồn tại trong quá trình triển khai dự án thủy điện Bản Chát.

Ba là, về việc tham mưu Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng

Hội đồng Dân tộc đã chủ trì tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022. Qua thẩm tra, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS&MN. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc. Nhiều ý kiến của Hội đồng Dân tộc đã được Chính phủ nghiêm túc tiếp thu và kịp thời triển khai thực hiện.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả 03 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu của Hội đồng Dân tộc, thảo luận, góp ý đối với một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ công tác của Hội đồng Dân tộc

Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra, góp ý vào các chương trình, đề án, nội dung quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp UBTVQH. Các văn bản ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và xuất phát từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS&MN.

Bốn là, về thực hiện các nhiệm vụ do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao

Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được xác định trong Chương trình công tác năm và Kế hoạch công tác hằng tháng, trong năm qua, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức thực hiện và hoàn thành các công việc quan trọng khác được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao, cụ thể như sau:

(1) Nghiên cứu định hướng xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc;

(2) Xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về nghiên cứu đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013,

(3) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc;

(4) Tham gia xây dựng 10 báo cáo chuyên đề theo yêu cầu, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, đặc biệt đã chủ trì tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng một số báo cáo quan trọng liên quan đến công tác dân tộc, như: Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”.

Đánh giá chung kết quả đạt được

Có thể nhận thấy, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp tục được giao trong năm 2023 là tương đối lớn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo chương trình, kế hoạch từ trước vì khối lượng lớn hơn nhiều so với năm 2022, Hội đồng, Thường trực Hội đồng còn phải tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức nghiên cứu, thẩm tra; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể Thường trực Hội đồng Dân tộc, cán bộ, công chức Vụ Dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của các năm trước, Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Vụ giúp việc đã tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực, chủ động thực hiện các công việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong từng bước triển khai, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, vào cuộc từ sớm, từ xa, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Vì vậy, đến nay, hầu hết các nhiệm vụ, công việc được giao cho Hội đồng, Thường trực Hội đồng Dân tộc, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi gấp về thời gian đều đã được triển khai và cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, được Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan đánh giá cao.

Đạt được những kết quả nêu trên trước hết là do sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và chặt chẽ của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trực tiếp phụ trách Hội đồng; cùng với đó là tinh thần làm việc tích cực, chủ động, hăng say, trách nhiệm của cả tập thể Hội đồng, Thường trực Hội đồng và bộ phận giúp việc. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng luôn đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, có sự kết nối, gắn bó, tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Hội đồng. Đồng thời, công tác phối hợp trong nội bộ Hội đồng, Thường trực Hội đồng, phối hợp giữa Hội đồng với các cơ quan khác của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục được chú trọng và tăng cường, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ Hội đồng, Thường trực Hội đồng hoàn thành tốt các công việc được giao.

Một số tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, trong năm 2023, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn một số hạn chế, bất cập và do các nguyên nhân sau: Trong triển khai nhiệm vụ có việc còn chậm, chưa đúng tiến độ đặt ra. Một số nội dung công việc mới, khó, yêu cầu cao dẫn đến phát sinh nhiều công việc hoặc vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cơ chế phối hợp giữa cơ quan tham gia phối hợp thẩm tra, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc trình hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh của cơ quan chủ trì soạn thảo chậm, không kịp thời, gây khó khăn cho Hội đồng Dân tộc trong hoạt động phối hợp thẩm tra các dự án Luật, pháp lệnh…

Bộ máy tham mưu, giúp việc của Hội đồng mặc dù đã có rất nhiều cố gắng để bổ sung số lượng, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, nhưng tổng số công chức đang thực tế làm việc tại Vụ Dân tộc ít, vẫn còn thiếu so với biên chế được giao, trong khi đó khối lượng công việc ngày càng tăng, điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Hội đồng. Ngoài ra, chế độ chính sách dành cho cán bộ, công chức hiện vẫn còn hạn chế. Đây là những bất cập đã tồn tại từ các năm trước nhưng trong năm 2023 vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Trong năm 2024, Hội đồng Dân tộc sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị đã được luật quy định và được Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội phân công, trong đó tập trung vào các nội dung chính sau đây:

Một là, tập trung triển khai, chủ động phối hợp và hoàn thành các nhiệm vụ Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao theo tiến độ:

(1) Hoàn thành xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013 và tổ chức triển khai thực hiện;

(2) Nghiên cứu định hướng xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc;

(3) Phối hợp thực hiện phân định miền núi, vùng cao;

(4) Hoàn thành nhiệm vụ chủ trì giúp UBTVQH lập đề nghị, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo dự án Luật.

Hai là, về công tác xây dựng pháp luật: Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động xây dựng luật theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 07/6/2023 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Tăng cường chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra, các Ban soạn thảo trong quá trình tham gia, phối hợp thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết.

Ba là, về công tác giám sát:

(1) Tập trung triển khai các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội sau giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết;

(2) Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc theo chỉ đạo của UBTVQH;

(3) Giám sát 02 chuyên đề của Hội đồng Dân tộc: Chuyên đề 1. Việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo, quản lý, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023; Chuyên đề 2. Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2017 – 2023.

Bốn là, tham mưu Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước:

(1) Chủ trì thẩm tra báo cáo định kỳ của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình MTQG theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội;

(2) Phối hợp thẩm tra kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025; tình hình dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, phương hướng phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (đối với vùng DTTS&MN);

(3) Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến các xã, huyện biên giới đất liền - gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83666