Dấu ấn đáng tự hào

Kết quả đạt được của thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước trong năm 2022 là nền tảng, động lực để toàn ngành tự tin bước vào năm 2023 với nhiều niềm tin và khí thế mới. Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid -19 đã làm gián đoạn việc dạy, học trực tiếp và nhiều hoạt động ở các nhà trường, song không vì thế mà chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Thành quả chung ấy có sự góp sức của các địa phương, trong đó có nhiều dấu ấn tự hào của giáo dục Thủ đô.

Gặt hái nhiều “quả ngọt“

Năm 2022, thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo trải qua hành trình có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi do nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng trong khó khăn càng thấy rõ sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học, sáng tạo nhiều giải pháp vượt khó của các nhà trường. Để từ đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2021-2022. Trong đó, ngành vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đáng chú ý, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục toàn diện của cả nước có nhiều khởi sắc, gặt hái nhiều “quả ngọt” và tiếp tục khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Việt Nam được xếp vào nhóm 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới. Học sinh lứa tuổi 15 của Việt Nam tiếp tục khẳng định chất lượng trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) với kết quả cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - đơn vị xây dựng chương trình đặt ra.

Năm 2022, học sinh phổ thông của Việt Nam ghi dấu ấn khi tiếp tục giữ vững vị thế ở các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham dự đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, 8 Huy chương đồng và 5 giải Khuyến khích. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, có 175/175 lượt học sinh Việt Nam dự thi khu vực và quốc tế đều đoạt giải, trong đó có nhiều học sinh giành Huy chương vàng với số điểm cao nhất thế giới. Điển hình là em Ngô Quý Đăng, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), giành Huy chương vàng Olympic quốc tế Toán học khi đạt điểm tuyệt đối của kỳ thi. Đây cũng là điểm số cao nhất của học sinh Việt Nam trong 19 năm tham dự kỳ thi trở lại đây.

Nếu cần kể thêm dấu ấn của ngành cũng có thể nói về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có quy mô lớn nhất của năm với sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%; học viên chương trình giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp 93,32% (tăng 3% so với năm 2021). Kết quả kỳ thi tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục đại học tin tưởng, sử dụng làm căn cứ tuyển sinh. Chất lượng giáo dục đại học có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp phát triển đất nước. Đáng chú ý, cả nước có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025.

Năm 2022 còn đánh dấu sự thành công nhất từ trước tới nay của công tác tuyển sinh đại học. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, một trong những thuận lợi cơ bản, cũng là điểm mới đáng chú ý của năm nay là thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (các năm trước thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng thời điểm với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Đây cũng là năm các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất với gần 90%, trong khi các năm trước từ 50% đến 60%.

Hà Nội giữ vững vị thế “đầu tàu“

Trong thành quả chung của cả nước năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có nhiều đóng góp quan trọng và tiếp tục có nhiều chuyển biến về quy mô, chất lượng, giữ vững vị thế “đầu tàu”.

Vị thế ấy trước hết thể hiện ở quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội. Năm học 2022-2023, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,2 triệu học sinh, ngoài ra còn hàng trăm cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn. Đội ngũ nhà giáo của toàn ngành cũng liên tục phát triển với hơn 155.000 người, trong đó 100% số giáo viên đứng lớp đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và có kỹ năng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chất lượng giáo dục toàn diện của Thủ đô nhiều năm nay vẫn là một điểm sáng, xứng đáng vị thế nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước, điển hình là kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, học sinh lứa tuổi 2004 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết thời gian học tập ở bậc trung học phổ thông đều thực hiện theo hình thức trực tuyến, song tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của thành phố vẫn đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%) - cao hơn mức trung bình của cả nước. Toàn thành phố có 31.048 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên, trong đó có 401 bài thi đạt điểm 10. Đặc biệt, Hà Nội có 3 thủ khoa của các tổ hợp khối tuyển sinh đại học A00, A01 và B00. Tiêu biểu nhất là em Nguyễn Ngọc Lễ, Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai), thủ khoa duy nhất toàn quốc của tổ hợp khối A00 với 3 điểm 10 ở cả 3 môn toán, vật lý, hóa học. Đây cũng là thí sinh duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của cả nước đạt được điểm số này.

Trên nền kết quả giáo dục toàn diện vững chắc, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng trong thành tích chung của cả nước. Học sinh Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 125 em đoạt giải. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng khi giành 63 huy chương, giải thưởng. Đặc biệt, trong cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc tế năm 2022 (tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hoa Kỳ), đoàn Việt Nam có 2 trong số 7 dự án tham gia đoạt giải, thì học sinh Thủ đô có một dự án đoạt giải Đặc biệt với trị giá học bổng lên tới 33.000 USD, do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. Tác giả của dự án này là Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa. Dự án mang tên “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” với mong muốn làm lan tỏa thông điệp kêu gọi các bạn trẻ hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xung quanh bằng cách thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa...

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, với những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Bằng chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, với sự quan tâm sâu sắc, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương và tinh thần chủ động, sáng tạo, sẵn sàng vượt khó của các thế hệ thầy, trò, ngành Giáo dục cả nước nhất định sẽ ngày càng làm nên những dấu ấn tự hào.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1053377/dau-an-dang-tu-hao