Đất quy hoạch đại học biến thành đất ở, giao dịch biệt thự kém nhất 10 năm qua

Quy định mới trong luật Đất đai sửa đổi: Thị trường BĐS có bước ngoặt gì?; Mua bán rầm rộ tại dự án KĐT đối ứng BT đường Vành đai 2,5 Hà Nội, dù chưa được giao đất; Thanh tra việc biến đất quy hoạch đại học thành đất ở tại Thái Nguyên; Giao dịch kém nhất 10 năm qua nhưng biệt thự, liền kề Hà Nội vẫn giá cao... là những thông tin đáng chú ý về thị trường BĐS tuần qua.

Quy định mới trong luật Đất đai sửa đổi: Thị trường bất động sản có bước ngoặt gì?

Đánh giá về tác động của việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi đối với thị trường bất động sản, ông Nguyễn Anh Quê- Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, tâm lý thị trường bất động sản sẽ tốt hơn, rục rịch thay đổi, báo hiệu của một chu kỳ mới.

Luật Đất đai sửa đổi với nhiều điểm mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Theo ông Quê, từ việc đấu giá, đấu thầu quy định mới rõ ràng hơn khi chia ra thành các loại hình dự án nhà nước, dự án tư nhân. Đối với cơ quan nhà nước sẽ có thêm căn cứ để làm đúng, làm trúng. Đối với nhà đầu tư, cũng sẽ rõ hơn về mặt trình tự, thủ tục để làm dự án. “Điều này sẽ giúp nguồn cung về sản phẩm trên thị trường bất động sản được cải thiện từ cuối năm 2025 trở đi và sẽ sôi động từ giữa năm 2026”, ông Quê nói. (Xem chi tiết)

Mua bán rầm rộ tại dự án KĐT đối ứng BT đường Vành đai 2,5 Hà Nội, dù chưa được giao đất

Phó Chủ tịch UBND TP giao Thanh tra TP khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) theo các kiến nghị, khiếu nại của công dân.

Môi giới chào bán rầm rộ sản phẩm biệt thự, liền kề dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công dù dự án chưa được giao đất.

Điều đáng nói, dự án đối ứng BT Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, chưa được giao đất, vừa bị lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nhưng các sản phẩm của dự án vẫn tiếp tục được chào bán công khai rầm rộ tại một số trang web về bất động sản. (Xem chi tiết)

Giao dịch kém nhất 10 năm qua nhưng biệt thự, liền kề Hà Nội vẫn giá cao

Theo báo cáo mới nhất của Savills, trong năm 2023 lượng giao dịch biệt thự, liền kề của Hà Nội chỉ có 359 căn được bán, thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Tổng số giao dịch giảm 76% theo năm và tỷ lệ hấp thụ cũng giảm 31% theo năm. Riêng quý IV/2023, chỉ có 64 căn được giao dịch, giảm 67% theo năm.

Giao dịch biệt thự, liền kề thấp nhất trong 10 năm qua.

Mặc dù “ế ẩm” nhưng giá bán mới của phân khúc biệt thự liền kề Hà Nội tiếp tục tăng. Đà tăng mạnh nhất là biệt thự sơ cấp, tăng 55% theo quý lên 160 triệu đồng mỗi m2 đất. Giá liền kề và shophouse cũng tăng 3% theo quý, đạt lần lượt 194 triệu đồng mỗi m2 đất và 328 triệu đồng mỗi m2 đất. (Xem chi tiết)

Thanh tra việc biến đất quy hoạch đại học thành đất ở tại Thái Nguyên

Trao đổi với Tiền Phong về việc nhiều thửa đất nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng trường Đại học Y Dược (cơ sở II) thuộc Đại học Thái Nguyên được UBND TP Thái Nguyên cho chuyển đổi thành đất ở và cấp phép cho xây dựng nhà kiên cố, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã giao Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh, làm rõ.

Khu đất nằm trong quy hoạch chi tiết Trường Đại học Y dược (Cơ sở II) – Đại học Thái Nguyên.

“Việc vi phạm là có, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh, làm rõ. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó”, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên thông tin. (Xem chi tiết)

Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 tại huyện Mê Linh: Xem xét trả tiền cọc

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức cho biết, Trung tâm đang đề xuất các cấp có thẩm quyền cân nhắc, kiểm tra, xem xét cho ông Nguyễn Thanh Tùng - trường hợp đấu giá “nhầm giá” trên địa bàn huyện. Ông Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2, cao hơn 142 lần giá khởi điểm cho thửa đất 102m2 tại xã Tiến Thịnh.

Ảnh minh họa

Theo ông Thức, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã có đề xuất UBND huyện đề nghị xem xét, cân nhắc, kiểm tra để có phương án giải quyết đúng luật. Có xem xét điều kiện thực tế của người tham gia đấu giá. (Xem chi tiết)

Bị phản ứng xây nhà giá cao, chủ dự án khu đô thị Thanh Hà buộc giảm gần tỷ đồng/căn

Sau khi bị khách hàng phản ứng chi phí xây dựng phần thô đối với liền kề, biệt thự tại lô B1.1 quá cao, chủ đầu tư Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai (Hà Nội), buộc phải giảm giá đồng loạt, từ 600-800 triệu đồng/căn.

Người dân phản ứng khi phải đóng từ 3-4 tỷ đồng phí xây thô căn liền kề, biệt thự tại khu B1.1 Khu đô thị Thanh Hà.

Được biết, dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 do Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP làm Chủ đầu tư và Cty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 là doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng với quy mô diện tích lập quy hoạch trên 400 ha. Đây là dự án hoàn vốn của dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án dính nhiều vi phạm về trật tự xây dựng, xây nhiều hạng mục sai quy hoạch. Nhiều người dân mua đất tại khu đô thị Thanh Hà đã 10 năm nay, song vẫn chưa được phép xây dựng nhà ở. (Xem chi tiết)

Hà Nam không có dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam Nguyễn Quang Huy cho biết, tính đến ngày 22/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai, gồm hai dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân.

Ảnh minh họa.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nam, trong năm 2023, toàn tỉnh không có dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ. (Xem chi tiết)

Ninh Phan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dat-quy-hoach-dai-hoc-bien-thanh-dat-o-giao-dich-biet-thu-kem-nhat-10-nam-qua-post1606094.tpo