Đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên

Tiếp tục Phiên họp thứ 32, chiều nay, 22.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Bổ sung đầy đủ hồ sơ dự án Luật

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010, tăng 1 chương và giảm 19 điều so với Đề cương đã được thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo luật bám sát 5 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội gồm: chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án luật. Ảnh: Quang Khánh

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa 5 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới, có tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế tài nguyên; rà soát với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; rà soát với Hiệp định về quản lý biên giới trên đất liền; bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện luật theo quy định.

Cần thể hiện rõ hơn quan điểm "kinh tế hóa" ngành tài nguyên, khoáng sản

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự án luật. Nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong các văn kiện của Đảng đã đề cập rất nhiều đến việc quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại dự án Luật nhằm thể hiện rõ quan điểm này, để "kinh tế hóa" ngành tài nguyên, khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề đấu giá quyền khai thác, cấp phép hay nguồn dữ liệu điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nhà nước chi rất nhiều tiền cho hoạt động điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản, do đó, cần quy định như thế nào về nguyên tắc thu phí đối với việc các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế sử dụng kho dữ liệu là tài liệu điều tra cơ bản. Đơn cử như trong ngành dầu khí có tiền đọc tài liệu là chi phí rất lớn, khi điều tra địa chất và thăm dò xong thì những doanh nghiệp nghiên cứu dữ liệu, tài liệu liên quan đến địa chất và khoáng sản phải trả chi phí khá lớn trong thăm dò và khai thác.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, nguyên tắc quản lý tổng hợp về địa chất và khoáng sản thể hiện như thế nào trong dự thảo luật? Dự thảo luật đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối giúp Chính phủ quản lý thống nhất lĩnh vực này, còn các bộ tham gia vào công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào, bởi đôi khi lĩnh vực này cũng có giao thoa.

Ví dụ, dự thảo luật không nói đến vấn đề dầu khí nhưng có nói đến than bùn hoặc than nâu. Có những mỏ than nâu hoặc than bùn nằm trên khu vực đồng bằng rất khó thăm dò và khai thác được than đó, nhưng khí liên quan đến các mỏ đó lại khai thác được. Theo phân định thì Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản quản lý mỏ than; còn quản lý, khai thác dầu khí là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. “Bây giờ có loại giao thoa giữa khí và than thì phải yêu cầu vai trò quản lý tổng hợp. Vậy nguyên tắc quản lý tổng hợp ở đây như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, dự thảo luật có quy định về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc điều tra cơ bản địa chất về khai thác; cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu điều tra địa chất… hay không? Tương tự như Luật Dầu khí thì có phần kinh phí của Nhà nước để điều tra cơ bản và khảo sát về tài nguyên dầu khí nhưng có loại do doanh nghiệp nhà nước, tức là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm. Ở đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khi tham gia lĩnh vực này thì ngoài chức năng sản xuất, kinh doanh như các doanh nghiệp khác thì có được trao những nhiệm vụ liên quan đến đặt hàng như điều tra dữ liệu cơ bản, điều tra địa chất về tài nguyên, vốn là trách nhiệm nhà nước nhưng ủy thác cho doanh nghiệp làm và trên cơ sở đó nhà nước phải bố trí ngân sách để chi cho tập đoàn hay không?... Đây là những vấn đề cũng cần được đặt ra, nghiên cứu để có phương án điều chỉnh.

Quan tâm đến việc thăm dò, khai thác, chế biến cát biển, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo thống kê của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 2,3 tỷ m3, nhu cầu san lấp giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 2,1 đến 2,3 tỷ m3 cát, trung bình mỗi năm khoảng 550 triệu m3. Như vậy, trữ lượng cũng chỉ đủ cho nhu cầu san lấp, còn xây dựng thì rõ ràng là đang thiếu.

Trong khi đó, khai thác cát, sỏi lòng sông cũng để lại rất nhiều hệ quả, nhất là liên quan đến môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay trên thế giới cũng có xu hướng sử dụng cát biển để thay thế cát sông hồ tại các dự án kết cấu giao thông đô thị. Nêu vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển để thay thế cát sỏi lòng sông, nhằm hạn chế và tiến tới dừng cấp phép khai thác cát sỏi ở lòng sông, chuyển dần sang cát biển thay thế.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên. Hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Rà soát lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật nhằm đáp ứng quan điểm, mục tiêu yêu cầu sửa đổi luật; lưu ý nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra về bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực địa chất, chế biến, sử dụng khoáng sản; làm rõ các nội dung về công nghiệp khai khoáng có phạm vi điều chỉnh của luật không và hướng hoàn thiện nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần bổ sung đầy đủ hồ sơ dự án luật như: báo cáo đánh giá tác động đầy đủ của các chính sách mới; đánh giá kỹ tác động quy định khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia, gồm có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1 và quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 2; quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; quy định về thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước… Cùng với đó, cần hoàn thiện các báo cáo tổng kết thi hành Luật Khoáng sản, bổ sung số liệu cụ thể thêm về nội dung về bình đẳng giới, bổ sung các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị giải trình…

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/dap-ung-yeu-cau-khai-thac-su-dung-hop-ly-tiet-kiem-hieu-qua-va-ben-vung-tai-nguyen-i368399/