Ðáp ứng cơ sở vật chất phục vụ năm học mới

Một trong những thành công lớn được ghi nhận của ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh là đã nỗ lực hoàn thiện kế hoạch đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở vật chất trường, lớp đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học tốt, bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ em.

Các trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt, quận 9.

Ngành giáo dục và đào tạo (GD-ÐT) thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân. Trong đó, 70% là trường công lập, 30% là trường ngoài công lập. Ðể hoàn thành mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học, được xem là bước đột phá nhằm giảm quá tải cho ngành. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, ngành GD-ÐT đã tập trung đầu tư và đưa vào sử dụng gần hai nghìn phòng học mới, với tổng kinh phí hơn hai nghìn tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở GD-ÐT thành phố Lê Hoài Nam, cho biết: Mỗi năm, thành phố tăng khoảng 60 nghìn học sinh. Chủ trương của thành phố là bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả con em dù có hộ khẩu, hoặc không có hộ khẩu tại thành phố. Do đó, vấn đề tập trung đầu tư, mở rộng cơ sở trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập luôn được đặt lên hàng đầu. Các phòng học mới được ưu tiên xây dựng tập trung tại các địa bàn đang chịu áp lực sĩ số học sinh cao. Ðó là, quận 12 xây 135 phòng học, quận Bình Tân xây 176 phòng học; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi lần lượt đưa vào sử dụng 330, 248, 193 phòng học mới… Trưởng phòng GD - ÐT quận 10 Nguyễn Thành Văn cho biết: Quận 10 là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất thành phố. Ðược sự hỗ trợ của thành phố, địa phương đang nỗ lực gấp rút hoàn thành hai dự án xây dựng mới là Trường tiểu học Ðiện Biên và Trường THCS Nguyễn Văn Tố, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học mới 2017 - 2018. Quận cũng đang cải tạo, sửa chữa bốn trường: Tiểu học Triệu Thị Trinh (đang hoạt động với ba điểm lẻ), Tiểu học Dương Minh Châu, THCS Trần Phú và THCS Cách Mạng Tháng Tám. Tương tự, theo Trưởng phòng GD-ÐT quận 11 Ðặng Ðức Hoàng, từ nay đến năm 2020 sẽ xây mới thêm ba trường mầm non, bốn trường tiểu học, hai trường THCS và hai trường THPT, với tổng kinh phí hơn 573 tỷ đồng. Riêng đối với quận 5, năm học 2017-2018 sẽ có thêm hai công trình trường học đưa vào sử dụng là Tiểu học Huỳnh Mẫn Ðạt (phường 5) và Mầm non 10 (phường 10). Dự kiến trong năm 2018, quận tiếp tục triển khai dự án xây dựng mới Trường tiểu học Nguyễn Trãi tại số 111A đường Nguyễn Trãi (phường 2), quy mô một tầng hầm, một trệt và một lầu, với 20 phòng học văn hóa, tổng vốn đầu tư hơn 183 tỷ đồng. Ngoài ra, quận 11 đang gấp rút hoàn tất thủ tục dự án xây dựng mới Trường mầm non 11, với tổng mức đầu tư 8,7 tỷ đồng, tiến hành song song với việc chuẩn bị hồ sơ triển khai thêm ba dự án xây dựng mới trường học gồm: Mầm non 1, Mầm non 3 và Mầm non 6, nâng tổng số trường mầm non công lập trên địa bàn quận lên 25 trường.

Ðể bảo đảm 100% chỗ học cho con em, thời gian qua, các quận, huyện đã rất nỗ lực cải tạo, xây mới trường, lớp, dự kiến đầu năm học sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học. Cụ thể, bậc mầm non tăng 370 phòng, tiểu học tăng 349 phòng, THCS tăng 422 phòng, THPT tăng 314 phòng và các hệ thống khác như Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt tăng 29 phòng. Bên cạnh phòng học mới, thành phố đã chi khoảng 82 tỷ đồng để mua sắm trang, thiết bị chuẩn bị cho năm học mới.

Với những nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, tính đến tháng 5-2017, thành phố đã đạt 259 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Chỉ tiêu đến năm 2020 là đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Như vậy, kế hoạch của thành phố chắc chắn sẽ đạt được.

THANH HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33529202-%c3%b0ap-ung-co-so-vat-chat-phuc-vu-nam-hoc-moi.html