'Đào xới Sơn Trà làm du lịch là trái ý nguyện của người dân'

'Điều đáng nói là việc 'băm nát' Sơn Trà không phải do hành động trái pháp luật, coi thường phép nước, mà được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp', KTS Sừ nói.

Núi Sơn Trà kêu cứu Núi Sơn Trà (Đà Nẵng) bị đào xới nham nhở để triển khai dự án khách sạn trong đó có 40 đế móng biệt thự đã làm gần hoàn thiện mà chưa được cấp phép.

Ngày 28/4, tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”, thu hút nhiều chuyên gia tham dự.

Theo dự kiến ban đầu, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham dự hội thảo này. Tuy nhiên, do Thường vụ Thành ủy có cuộc họp quan trọng nên ông Xuân Anh không đến được.

Trong thư gửi ban tổ chức, người đứng đầu TP Đà Nẵng thừa nhận từ trước đến nay địa phương luôn ý thức cao trong việc bảo vệ "lá phổi xanh" Sơn Trà. Ông Nguyễn Xuân Anh mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến tâm huyết, hiến kế cho lãnh đạo Đà Nẵng trong việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà.

Toàn cảnh núi Sơn Trà. Ảnh: Hải Sơn

Toàn cảnh núi Sơn Trà. Ảnh: Hải Sơn

"Đà Nẵng sẽ trân trọng những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, qua đó sẽ điều chỉnh quy hoạch, quản lý chặt chẽ để bảo vệ bán đảo này", ông Xuân Anh nhấn mạnh trong thư gửi ban tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng Nhóm nghiên cứu giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (Đại học Đà Nẵng), cho hay sự thuận tiện trong việc thưởng thức những giá trị sinh thái mà không tách biệt với cuộc sống tiện nghi hiện đại khiến bán đảo Sơn Trà trở thành một điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch.

Theo ông Minh, hiện Sơn Trà đang là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

Ngoài ra, khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển. Ở Sơn Trà có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu – loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới do có nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc.

"Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, ở Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể. Trong đó, bán đảo Sơn Trà có khoảng 300 cá thể", ông Minh thông tin.

Một góc Sơn Trà bị đào xới làm khách sạn. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo KTS Hoàng Sừ, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Đà Nẵng, sự bùng nổ du lịch đang đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái Sơn Trà. Đặc biệt là sự xuất hiện ngày một nhiều khu du lịch, xây dựng rầm rộ ở Sơn Trà.

"Điều đáng nói ở đây là việc 'băm nát' Sơn Trà không phải do hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp", ông Sừ nói.

Vị đại biểu này cho rằng, quá trình lấy đất rừng Sơn Trà cho xây dựng các khu du lịch diễn ra thật đáng lo ngại. Vấn đề nóng bỏng trong dư luận cộng đồng hôm nay là để phát triển kinh tế. "Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, thành các khu đô thị, resort, khách sạn? Nếu cứ tiếp tục đà này thì trong tương lại không xa, rừng xanh Sơn Trà sẽ biến thành những khối bê tông", ông Sừ lo lắng.

"Chúng ta phải khẳng định việc phục hồi lại diện tích cần thiết cho khu bảo tồn hết sức quan trọng và cấp bách”, KTS Sừ đặt vấn đề. Ông cảnh báo nếu các cơ quan chức năng Đà Nẵng không dừng lại việc cấp phép cho các nhà đầu tư xây dựng khách sạn trên núi Sơn Trà, môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng sẽ bị đe dọa.

Cùng chung quan điểm, TS Vũ Ngọc Long – Viện sinh thái học miền Nam, nhận xét: "Sơn Trà là nơi độc nhất vô nhị còn lại của Việt Nam mà chúng ta cần phải giữ bằng mọi cách. Nếu không dừng lại những hành động đào xới, băm nát Sơn Trà thì sau này con cháu chúng ta sẽ gánh hậu quả".

Bàn về vai trò của Sơn Trà đối với du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kêu gọi cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp cần lựa chọn một cách tiếp cận khác với Sơn Trà thay vì bê tông hóa như hiện nay.

“Tại sao chúng ta có một người bạn Voọc đẹp đẽ ngay ở bên cạnh mà không tận dụng, lại đi tìm kiếm đâu xa những giá trị cho Sơn Trà?”, ông Vinh đặt câu hỏi và nói: Phát triển du lịch là cần thiết nhưng không bằng mọi giá. "Đào xới Sơn Trà để làm du lịch là trái với ý nguyện của người dân. Du khách cũng không bao giờ bỏ tiền để lên Sơn Trà ngắm các khối bê tông đồ sộ".

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-xoi-son-tra-lam-du-lich-la-trai-y-nguyen-cua-nguoi-dan-post741878.html