Đào tạo sát thực tiễn - Nhìn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Bài 2: Giải quyết những kiến nghị từ cơ sở (Tiếp theo và hết)

Quán triệt, thực hiện phương châm 'Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị', Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Đào tạo sát thực tiễn - Nhìn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Bài 1: Học làm chỉ huy cấp phân đội

Nắm bắt đúng yêu cầu thực tiễn

Phát biểu tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Quốc phòng với Trường Sĩ quan Lục quân 1 mới đây, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn chứng: "Năm 2018, Quân khu 4 tiếp nhận 38 cán bộ là học viên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 1.

Đến thời điểm này, có 36 đồng chí đã phát triển lên cán bộ đại đội và trợ lý các cơ quan cấp tiểu đoàn và trung đoàn. Cơ bản đội ngũ sĩ quan trẻ tốt nghiệp Trường SQLQ 1 đều yên tâm công tác, có động cơ phấn đấu rõ ràng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhà trường cần có chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, trong đó cần bám sát thực tiễn, lắng nghe đơn vị cơ sở, nắm bắt mong muốn, yêu cầu của các đơn vị để xác định nội dung, chương trình đào tạo phù hợp".

Học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 trong giờ thực hành.

Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) và Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) có hàng chục cán bộ trung đội trưởng mới tốt nghiệp Trường SQLQ 1 về đơn vị công tác. Theo lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn, những năm qua, các đồng chí trung đội trưởng cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí phát huy tốt phẩm chất, năng lực nên sau một vài năm đã được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Tuy nhiên, qua thực tiễn, chỉ huy các đơn vị kiến nghị một số nội dung đối với Trường SQLQ 1 trong công tác đào tạo, như: Nhà trường cần bổ sung kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các nội dung về an ninh phi truyền thống; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thích ứng nhanh với môi trường đơn vị. Đặc biệt, trong thực tiễn, diễn biến tư tưởng của bộ đội nhanh, phức tạp nên cần huấn luyện, bồi dưỡng "kỹ năng mềm" cho cán bộ. Cùng với đó, cần truyền thụ phương pháp nắm, tham mưu, đề xuất của trung đội trưởng với chỉ huy các cấp để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Cao, Trưởng phòng Đào tạo, Trường SQLQ 1, chia sẻ: "Nhà trường đã tổ chức những đoàn khảo sát thực tế ở nhiều đơn vị, tập trung vào một số đơn vị chủ lực của các quân khu, quân đoàn, như: Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1); Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2); Sư đoàn 395 (Quân khu 3); Sư đoàn 324 (Quân khu 4)... tổ chức lấy ý kiến đội ngũ cán bộ từ cấp trung đội đến cấp sư đoàn (bằng phương pháp trực tiếp và qua phiếu điều tra xã hội học).

Cùng với đó, nhà trường tăng cường điều động cán bộ, giảng viên đi thực tế tại các đơn vị. Quá trình đưa học viên đi thực tập, nhà trường phân công cán bộ, giáo viên phụ trách để vừa hướng dẫn học viên, vừa nắm thực tế đơn vị, từ đó tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế của đơn vị...

Đào tạo sát thực tiễn - Nhìn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Bài 1: Học làm chỉ huy cấp phân đội

Tăng thời gian huấn luyện thực hành

Theo Thiếu tướng, TS Lê Văn Duy, Chính ủy Trường SQLQ 1, quán triệt chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tiếp thu những ý kiến phản ánh ở các đơn vị trong toàn quân, thời gian qua, Trường SQLQ 1 tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục-đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát đơn vị, sát thực tế chiến đấu, trang bị cho học viên cả về phẩm chất, năng lực, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao.

Học viên Trung đội 3, Đại đội 10, Hệ 4, Trường Sĩ quan Lục quân 1 trong giờ học "Bảo dưỡng hệ thống vận hành và thiết bị bơi nước".

Theo đó, nhà trường đã giảm chương trình chính khóa từ 4.920 tiết xuống 4.800 tiết; giảm khối kiến thức giáo dục đại cương từ 33% xuống 25%; tăng khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp từ 67% lên 75%; tăng thời gian thực tập từ 2 tháng lên 3 tháng; tăng thời gian huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành, diễn tập từ 6% lên 7%. Đặc biệt, nhằm giúp học viên nhanh chóng hòa nhập với đơn vị, nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, như: Rèn luyện thể lực, bồi dưỡng kỹ năng chỉ huy, dự báo, phân tích, đánh giá tình hình; kỹ năng xử lý các tình huống; kỹ năng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị...

“Đặc sản” đào tạo của Trường SQLQ 1 là chiến thuật, điều lệnh và bắn súng. Một cán bộ trung đội ngoài việc giỏi phương pháp chỉ huy, quản lý phải giỏi 3 “đặc sản” trên. Đại tá Lương Văn Nhạn, Phó chủ nhiệm, Phụ trách Khoa Chiến thuật, cho hay: "Thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây cho thấy, các bên đều sử dụng vũ khí hiện đại, công nghệ cao với hệ thống tự động chỉ huy, xử trí tình huống nhanh, chính xác... Do đó, để huấn luyện sát thực tế chiến đấu, Khoa Chiến thuật thường xuyên cập nhật sự phát triển và nghiên cứu thủ đoạn chiến đấu của đối tượng tác chiến, đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện sát với thực tế".

Với nội dung bắn súng, trong quá trình đào tạo tại Trường SQLQ 1, mỗi học viên được huấn luyện bắn 9 loại súng với hàng chục bài bắn khác nhau. Theo Đại tá Nguyễn Văn Mai, Chủ nhiệm Khoa Bắn súng, mới đây, trong diễn tập vòng tổng hợp, học viên khóa 88 được bắn 5 loại súng bộ binh, tất cả bài bắn đều tiêu diệt 100% mục tiêu, cao hơn rất nhiều so với kết quả những năm trước.

Để đạt được kết quả đó, Khoa Bắn súng đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, trước khi học viên bắn đạn thật, giáo viên sẽ thực hành "bắn chứng minh". “Bắn chứng minh” để cho học viên thấy trình độ, kỹ năng thực hành bắn của giảng viên, qua đó, học viên tin tưởng trình độ, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của người thầy, tin tưởng vào vũ khí trang bị cũng như kỹ thuật bắn súng đã được huấn luyện, rèn luyện. Do đó, mỗi giảng viên của Khoa Bắn súng phải không ngừng tự học tập, rèn luyện để vừa là một người thầy huấn luyện giỏi, vừa là một xạ thủ giỏi.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Mai, hiện nay, trước khi kiểm tra bắn súng, học viên mới bắn tập một lần nên Khoa đang xây dựng chương trình đề nghị nhà trường báo cáo cấp trên cho phép học viên được bắn thử hai lần để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, để tăng sức bền, sự dẻo dai của học viên, nhà trường tăng tần suất và cường độ hành quân rèn luyện; tăng diễn tập vòng tổng hợp lên hai đợt, mỗi đợt từ 8 đến 12 ngày. Trong đó, diễn tập vòng tổng hợp cuối khóa, học viên phải hành quân bộ hơn 200km, ăn ở dã ngoại như thực tế chiến đấu; thực hiện xử trí các tình huống chiến thuật trong mọi điều kiện thời tiết để rèn luyện khả năng của đội ngũ cán bộ tương lai.

“Với việc bám sát thực tiễn, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, học viên tốt nghiệp Trường SQLQ 1 nhanh chóng thích ứng với đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, để giúp sĩ quan trẻ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì rất cần sự quan tâm, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ đơn vị và sự phấn đấu không ngừng của từng đồng chí”, Thiếu tướng, TS Lê Văn Duy nhấn mạnh.

Trường SQLQ 1 tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật, được thành lập ngày 15-4-1945. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 11 vạn cán bộ, trong đó có hơn 400 đồng chí đã trở thành tướng lĩnh Quân đội, nhiều đồng chí phát triển, là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Ngoài ra, nhà trường đã đào tạo hàng nghìn cán bộ quân sự cho các nước bạn; đóng góp tích cực vào việc phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với những thành tích nổi bật, nhà trường được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH - DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dao-tao-sat-thuc-tien-nhin-tu-truong-si-quan-luc-quan-1-bai-2-giai-quyet-nhung-kien-nghi-tu-co-so-tiep-theo-va-het-724942