Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài 2: Hợp lực giữa nhà trường và doanh nghiệp

Hiện có trên 50 doanh nghiệp (DN) FDI lớn đầu tư vào Việt Nam về lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Chính phủ cũng đã xác định bán dẫn là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia thời gian tới. Xu thế đào tạo ngành này đang là trường đại học 'bắt tay' với DN.

Sinh viên tìm hiểu về chế tạo linh kiện bán dẫn, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quốc Toản.

Tiềm năng dồi dào

Tính đến hết tháng 3 năm 2024, Việt Nam có khoảng hơn 5.600 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, TPHCM chiếm trên 80%, còn lại là Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, với lĩnh vực thiết kế, DN trong nước có Công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia, còn lại khoảng hơn 30 công ty đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam… Ở lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, Việt Nam có nhà máy của Intel hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư và một vài công ty FDI làm công đoạn này. Ghi nhận tại Bắc Ninh, có Amkor Technology mới đầu tư nhà máy và khoảng 2 - 3 năm nữa mới tuyển nhân sự.

Chia sẻ về cơ hội việc làm trong nước ở lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, trong 5 năm tới dự báo nhu cầu cho nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn khoảng 20.000 nhân sự. 10 năm tới con số này có thể lên tới 50.000 nhân sự trình độ từ ĐH trở lên.

Trên thực tế, con số 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 không phải là tham vọng quá lớn, bởi theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có đầy đủ năng lực và điều kiện để đạt mục tiêu này. Hiện chúng ta đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…

Về mặt đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng đã tích cực vào cuộc với việc nghiên cứu thị trường, mở mới ngành học này ngay trong mùa tuyển sinh 2024 hoặc mở rộng thêm từ các ngành gần, trường đã có sẵn thế mạnh. Đồng thời, tham gia định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên về cơ hội việc làm, mức lương dự kiến khi ra trường nếu theo đuổi ngành học này hoặc có nguyện vọng chuyển đổi sang ngành học này ở những năm cuối hoặc học thêm sau khi ra trường…

Tìm hướng đi riêng

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch, ĐH Bách Khoa Hà Nội, hiện chúng ta đã có những nghiên cứu ở tất cả các khâu, bao gồm sản xuất, chế tạo, thiết kế vi mạch. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đã được đầu tư một số trang thiết bị, phòng thí nghiệm khá bài bản, có sự hợp tác chặt chẽ với các DN.

Lấy ví dụ tại ĐH Bách khoa Hà Nội, hệ kỹ sư đang được đào tạo theo 18 tín chỉ với 3 học kỳ liên quan đến lĩnh vực này bao gồm những phần cơ bản: Toán, Lý, Máy tính, Lập trình, ông Minh nhìn nhận, phần này chúng ta đào tạo tương đối tốt, đặc biệt các trường top đầu gần như tương đương ngưỡng thế giới. Sau đó, sinh viên tiếp tục học cơ sở cốt lõi: điện tử, vi điện tử gồm thiết kế, sử dụng, mạch điện tử, cấu trúc máy tính. Hết năm 3 cơ bản, sinh viên tiếp tục học chuyên ngành và định hướng thiết kế hoặc sản xuất.

Tuy nhiên, phản hồi từ DN cho thấy sinh viên ra trường còn phải đào tạo lại. Lý do theo ông Minh, kỹ sư mới tốt nghiệp chưa có kỹ năng về công cụ và máy móc hiện đại của DN. Đồng thời, chưa có kiến thức sâu về sản phẩm của DN.

Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, để thu hẹp khoảng cách này, trong 2 học kỳ chuyên ngành, sinh viên được học cùng với DN thông qua hoạt động thực tập DN. Tại đây, sinh viên được sử dụng các công cụ, học từ các dự án thiết kế của DN. Do đó, thay vì kỹ sư ra mới trường phải đào tạo 9 tháng để có thể làm được sản phẩm thật thì giờ đây chỉ cần đào tạo thêm 3 - 6 tháng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho hay, ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn của nhà trường tuyển sinh mới năm nay nhưng được thành lập trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong việc đào tạo chương trình ngành gần là Vật lý Kỹ thuật - Điện tử.

Về lý do mở ngành này, đại diện nhà trường cho biết khi tham gia đào tạo lĩnh vực này, trường hướng tới trang bị cho người học gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Doanh nghiệp vào cuộc

Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam đã có một số chương trình hợp tác với các “ông lớn” bán dẫn trên thế giới. Đơn cử, Tập đoàn Siemens cho biết, ngoài tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất cho Việt Nam thì sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử bán dẫn.

Tập đoàn chip Synopsys đã hỗ trợ thành lập một trung tâm NIC ươm tạo thiết kế chip tại cơ sở Hòa Lạc. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Theo đó, Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC, giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

NIC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với “ông lớn” vi mạch Mỹ Cadence về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; sau đó khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ.

PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM thông tin, nhà trường đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc ĐH và sau ĐH. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với DN. Kỹ sư tốt nghiệp có thể nhận chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc học lên bậc sau ĐH.

GS Lee Hyuk-jae - Trưởng khoa Điện và Kỹ thuật máy tính, ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ, để giải quyết bài toán khát nhân lực, trường này khuyến khích sinh viên ngành khác học thêm hoặc học song ngành để trở thành kỹ sư vi mạch. Ông Lee Hyuk-jae nhấn mạnh, cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa DN và trường ĐH. DN sẽ đến trường chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; ngược lại, sinh viên sẽ thực tập về thiết kế, sản xuất chip tại DN.

Tạo điều kiện cho sinh viên

Khảo sát vào tháng 8/2023, ĐH Bách Khoa Hà Nội có 450 sinh viên tốt nghiệp. Trong số đó, 15% em có kiến thức thiết kế vi mạch. Sinh viên có thể làm phần thiết kế hệ thống nhúng liên quan sử dụng vi mạch. Tuy vậy, chỉ khoảng 43 em (chiếm 10%) vào làm trong các công ty thiết kế vi mạch, với mức lương trung bình của kỹ sư vi mạch 13 -15 triệu đồng, cá biệt 20 triệu đồng với những bạn xuất sắc.

Mặc dù được dự đoán cần số lượng lớn nhân lực ở những năm tới đây, song ở thời điểm hiện nay, kỹ sư sau khi tốt nghiệp tham gia vào lĩnh vực này chưa nhiều bởi thị trường đang chỉ hấp thụ cỡ đấy. Đồng thời, kỹ sư điện - điện tử tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội đa phần có khả năng lập trình tốt và có thể chuyển sang làm công nghệ thông tin, web, ứng dụng nên cơ hội việc làm khá rộng mở. Trong khi đó, sinh viên học đúng chuyên ngành thiết kế bán dẫn không nhiều vì học thiết kế bán dẫn rất khó, không phải ai cũng học được.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn các trường ĐH sẽ đồng hành, phối hợp với Bộ cùng các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường để có những chính sách đầu tư rất đồng bộ, trọng điểm, có hiệu quả; vừa giúp sinh viên có thể chuyển đổi các ngành học gần và phù hợp một cách thuận tiện, cũng như đào tạo những lớp nhân lực mới với kiến thức, kỹ năng hiện đại, cập nhật.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể phối hợp cùng các trường ĐH nước ngoài, các DN, các tổ chức quốc tế để có thể đáp ứng, thực hiện được chiến lược, kế hoạch nói trên.

Giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng nhập cuộc

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH): Cùng với hệ thống giáo dục đại học, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng rất quan tâm tới phát triển nội dung đào tạo liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Yêu cầu đặt ra để tham gia thị trường đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, các trường cần có sự chuẩn bị sát nhất về đội ngũ nhà giáo. Các chương trình đào tạo cũng phải thực sự bám sát nhu cầu của thị trường. Đồng thời phải có sự đầu tư rất cẩn trọng và thường xuyên cập nhật, thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

(còn nữa)

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-bai-2-hop-luc-giua-nha-truong-va-doanh-nghiep-10276823.html