Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

ND- Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", của Chính phủ có tổng kinh phí đầu tư gần 26 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng một triệu lao động nông thôn (LĐNT). Lộ trình chia làm ba giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2009 - 2010 dạy nghề cho khoảng 800.000 người, đồng thời thí điểm đào tạo 50 nghề. Giai đoạn 2011 - 2015, đào tạo nghề cho 5,2 triệu LĐNT và giai đoạn 2016 - 2020 là sáu triệu LĐNT.

Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong các giai đoạn này tối thiểu 70-80%. Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức có văn bản hướng dẫn triển khai quyết định này trên cả nước. Cụ thể, năm 2010 sẽ dạy nghề cho 430.000 LĐNT. Trong đó, thí điểm các mô hình dạy nghề cho khoảng 18.000 người và đặt hàng các cơ sở, trung tâm dạy nghề khoảng 12.000 người. Đối tượng là nông dân thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, nông dân bị thu hồi ruộng nhằm chuẩn bị các điều kiện để triển khai đề án trong giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo. Đây là tín hiệu vui cho người nông dân. Cho đến nay, cả nước đã đào tạo nghề cho khoảng một triệu LĐNT, nhưng thực tế, chỉ có khoảng 3% số lao động này trực tiếp làm nông nghiệp và hiệu quả rất thấp. Nguyên nhân chính, một phần do giáo trình, thời gian, kỹ năng đào tạo... của các cơ sở đào tạo nghề thấp, không thu hút được nhiều nông dân tham gia. Số trung tâm dạy nghề nhiều nhưng hầu hết đều không giải quyết được đầu ra cho LĐNT. Nhiều lao động được đào tạo nghề xong, khi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên phải quay về quê hoặc lang thang làm nghề tự do. Theo đại diện các địa phương khi góp ý cho dự thảo Đề án đào tạo nghề cho nông dân, một nguyên nhân nữa là do tâm lý của nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề này nên không mặn mà với các trung tâm dạy nghề. Để triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng và phương pháp đào tạo. Nội dung, thời gian và cách thức đào tạo nghề cần phải được tính toán hợp lý, không đơn thuần là đào tạo kỹ thuật mà phải đào tạo cho nông dân biết tìm hiểu thông tin, phân tích, đánh giá thị trường, bảo quản nông sản, thậm chí là đào tạo người nông dân tham gia làm dịch vụ nông nghiệp. Vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng cần được nâng cao, phân rõ trách nhiệm, bảo đảm nông dân đi học nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch và có khả năng phát triển tại địa phương, phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo nghề. Sau khi được đào tạo, cần có đánh giá hiệu quả của việc học nghề... Năm 2010 là năm đầu cả nước triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết của T.Ư về "nông nghiệp, nông dân và nông thôn". Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện hiệu quả ngay trong năm đầu tiên sẽ tạo điều kiện để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170868&sub=127&top=39