Đào tạo kỹ năng sống cho học sinh ngay từ nhỏ

Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống được thành lập và một số trường tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn mang tính trải nghiệm, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Với những khóa đào tạo kỹ năng bổ ích, lý thú ở nhiều lĩnh vực, như: Giao tiếp, thuyết trình; rèn luyện sự tự tin; tư duy toán học; quản lý cảm xúc... đã tác động tích cực cho hoạt động giáo dục.

Giờ học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh 5 tuổi tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm DPA.

Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm DPA (phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên) hiện là một trong những trung tâm đào tạo kỹ năng sống thu hút được lượng học sinh đông nhất trên địa bàn toàn tỉnh, với trên 700 lượt học sinh các bậc học/tháng và là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ này. Được thành lập từ năm 2012, quy mô ban đầu là hệ thống các lớp mầm non chất lượng cao, rồi mỗi năm bổ sung thêm các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc các giờ học trải nghiệm thực tế theo chủ đề phục vụ cho bậc học phổ thông… Với các nội dung phong phú và phát huy được năng lực sáng tạo, rèn luyện người học, Trung tâm đã thu hút mỗi năm bình quân trên 6.000 lượt học sinh các lứa tuổi. Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Mục tiêu đào tạo của chúng tôi là giúp học sinh, học viên (gồm cả sinh viên) có tư duy tích cực, linh hoạt, không ngừng phát triển nâng cao năng lực cá nhân. Các khóa đào tạo do các giảng viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy, họ đều đã tham gia các khóa đào tạo nâng cao trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sau khi được kênh giáo dục của Báo Tiền Phong thẩm định đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia tâm lý, xã hội học trong nước, quốc tế đến hỗ trợ, nên đã thu hút ngày càng đông học sinh”.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 16 đơn vị tham gia hoạt động dịch vụ đào tạo kỹ năng sống, chủ yếu tập trung tại khu vực T.P Thái Nguyên, lưu lượng hàng tháng thu hút từ 1.500, đến 2.000 học sinh. Tham khảo chương trình đào tạo các trung tâm có thể nhận thấy hầu hết đều thực hiện bước đánh giá, phân tích rồi tư vấn cho phụ huynh về những vấn đề mà con em họ cần được học tập, trải nghiệm theo chuyên đề và được lựa chọn giáo viên phù hợp. Bà Nguyễn Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non DPA (phường Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) cho biết thêm: “Trước khi đào tạo, Trường tiến hành điều tra, đánh giá nhu cầu, năng lực, thu thập thông tin của các cá nhân; sau mỗi khóa học, các học viên được phát phiếu đánh giá về giảng viên và tổng thể khóa học. Riêng các khóa học kỹ năng sống trong dịp Hè năm 2017, Trường có 2 chương trình để người dân lựa chọn, gồm: Chương trình đào tạo chuyên biệt theo từng kỹ năng (bé tự tin vào lớp 1; kỹ năng giao tiếp tích cực; rèn luyện sự tự tin và kỹ năng phân tích ban đầu để nhận biết...); Chương trình đào tạo kỹ năng tổng thể (kỹ năng vận động, thể thao, năng khiếu nghệ thuật và sáng tạo). Năm 2019, Trường đưa vào một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh có thể phát huy năng lực sở trường bản thân trong một số hoạt động. Chị Phạm Thu Hương (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ chia sẻ: “Con tôi vốn ít nói, gia đình lại bận việc, không có nhiều thời gian gần gũi với con, nên từ nhỏ cứ thấy cháu ngoan là yên tâm. Nhưng càng lớn cháu lại càng nhát và gặp bất cứ vấn đề gì khó là tìm đến điện thoại, ti vi… như để tránh đi những tác động xung quanh đến bản thân. Và dần dần cháu có biểu hiện ít biểu lộ cảm xúc với người thân. Tôi đã tìm đến chương trình phát triển kỹ năng mềm DPA để cải thiện tinh thần cho cháu. Sau hơn 3 tháng, tôi bất ngờ và xúc động khi cháu khoe với tôi bức tranh vẽ bút màu hình ảnh mẹ đi dưới mưa, rồi cháu vẽ bổ sung thêm chiếc ô màu đỏ, thêm một chiếc khăn hồng vào bức tranh và nói: Con sợ mẹ bị mưa ướt và để mẹ ấm hơn khi đi đường…”.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Vân, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hàng trăm học sinh tham gia khóa học kỹ năng mềm lứa tuổi từ 10-15. Chủ yếu học sinh muốn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và kỹ năng phân tích, xử lý tình huống tâm lý… Bên cạnh đó, Trung tâm đã cộng tác và nhận đặt hàng với một số trường học trên địa bàn T.P Thái Nguyên thực hiện một số giờ trải nghiệm kỹ năng mềm trong giao tiếp. Hiện nay, nhiều nhà trường cũng đã bắt đầu chú ý đến việc dạy kỹ năng sống thông qua tích hợp trong các môn học phù hợp hoặc được tổ chức như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Theo PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Khoa Tâm lý giáo dục - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), để truyền đạt hiệu quả kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở lứa tuổi nhỏ thì phương pháp giáo dục kỹ năng sống đặc trưng là thực hành và trải nghiệm. Giáo dục kỹ năng sống không phải là dạy và nhớ điều gì đó, mà làm được những điều cần thiết để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Thực tế, việc triển khai chương trình đào tạo, dạy kỹ năng sống “bài bản” trong các trường học, nhất là khu vực nông thôn, miền núi còn khó khăn. Đa số các nhà trường khi triển khai tổ chức dạy kỹ năng sống chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và các phương tiện thực hành cho học sinh. Giáo viên chỉ có thể áp dụng một số khía cạnh của giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các tiết học…

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/dao-tao-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-ngay-tu-nho-268061-100.html