'Đào, phở và piano' - hoài niệm, cảm xúc nhưng kịch bản đầy lỗ hổng

Tác phẩm ghi dấu khi khắc họa số phận con người trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội. Phim xây dựng bối cảnh kỳ công, kết cảm xúc nhưng kịch bản phim nhiều hạn chế.

Genre: Lịch sử, Tình cảm
Director: Phi Tiến Sơn
Cast: Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, NSƯT Trần Lực, NSND Trung Hiếu...
Rating: 6.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Đào, phở và piano đang là chủ đề tranh luận. Tác phẩm do NSƯT Phi Tiến Sơn đảm nhận vai trò biên kịch và đạo diễn. Với kinh phí 20 tỷ đồng, Đào phở và piano từng đạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.

Tác phẩm khiến nhiều khán giả xúc động khi khắc họa vẻ đẹp con người trong những ngày kháng chiến gian khổ tại Hà Nội. Tuy nhiên, bộ phim chưa thể trọn vẹn bởi những hạn chế về kịch bản, diễn xuất hơi hướm kịch.

Một bộ phim đậm tính hoài niệm

Với thời lượng 100 phút, Đào, phở và piano lấy bối cảnh ngày 17/2/1947 khi quân và dân Hà Nội kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu chống Pháp, đồng thời di chuyển lên chiến khu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong cảnh đầu, phim khiến khán giả nghẹn ngào khi chứng kiến những người chiến sĩ hy sinh, tiếng hát Hồn tử sĩ vang lên.

Để bức tranh đa sắc, bộ phim xoay quanh nhóm nhân vật gồm anh tự vệ Văn Dân (Doãn Quốc Đam), cô tiểu thư Thục Hương (Cao Thùy Linh), ông họa sĩ già (Trần Lực), cậu bé đánh giày (Thiện Hùng), vợ chồng hàng phở (Anh Tuấn, Nguyệt Hằng) và vị cha xứ (Trung Hiếu). Đa phần họ không tên tuổi, sắm vai trò khác biệt, song sẵn sàng tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn, cùng cực nhất.

Đúng như tên phim, hình ảnh cành đào, gánh phở và cây đàn piano xuất hiện xuyên suốt, gắn liền câu chuyện về nhóm nhân vật. Theo đó, Văn Dân quyết sang Nhật Tân để mang cành đào, biểu tượng Tết về cho anh em nơi chiến lũy.

Đào, phở và piano tái hiện chân thực về Hà Nội trong những năm kháng chiến.

Trái tim của Văn Dân không chỉ có đất nước, mà còn hình bóng người con gái anh thương yêu là Thục Hương. Trong phim, Thục Hương là cô tiểu thư đài các, sành sỏi về piano. Đem lòng yêu anh tự vệ, cô từng hẹn ước sẽ đàn bản nhạc hay nhất cho ngày cưới. Tiếng đàn piano còn là biểu tượng của nghệ thuật, tính cách người Hà Nội.

Với vợ chồng hàng phở, Nhật Tân không chỉ có đào, mà còn nắm hành thơm để bát phở đầy đủ hương vị. Đây cũng là lý do để cậu bé đánh giày đồng hành cùng Văn Dân tới Nhật Tân. Hình ảnh về bát phở nóng nổi, thêm chanh ớt, giấm tỏi khiến người xem không khỏi thèm thuồng.

Ngoài cảnh bom đạn, khói mù, phim có không ít những khoảnh khắc bình dị, hài hước. Trên hành trình mang cành đào từ Nhật Tân về chiến lũy, Văn Dân gây cười khi cẩn thận, tỉ mỉ trong từng bước đi, thậm chí vội nhặt cả những bông hoa rụng. Người họa sĩ già có những câu thoại phóng khoáng khiến người xem bật cười. Tương tự, vai ông Phán của ca sĩ Tuấn Hưng có khoảnh khắc phô diễn kỹ năng lái xe giàu tính giải trí.

Bên cạnh đó, câu chuyện về tình người lại trở nên lắng đọng. Bất chấp tình hình phức tạp, vợ chồng hàng phở nhất quyết bám trụ, gửi tặng món ăn nóng hổi cho những người còn ở lại chiến lũy. Ông họa sĩ cho đôi vợ chồng tất cả đồ đạc trong nhà hay vị cha xứ dùng máu tô nốt bức tranh dang dở đều đáng trân quý. Ấn tượng nhất là khoảnh khắc cuối cùng khi Thục Hương thay chồng ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch.

Lỗ hổng kịch bản, chất lượng âm thanh chưa tốt

Trên thực tế, Đào, phở và piano vướng mắc nhiều vấn đề. Phim nặng tính kịch hơn là một tác phẩm điện ảnh, từ cách dàn dựng bối cảnh, góc máy, ánh sáng thiếu tự nhiên. Kịch bản được triển khai phi tuyến tính, xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại, mang đến bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên, việc ôm đồm nhân vật, chia thành nhiều tuyến truyện khiến phim mất sự kết nối.

Cặp đôi Văn Dân, Thục Hương là nhân vật chính nhưng chỉ thực sự để lại dấu ấn cuối phim. Xuất hiện phần lớn các phân cảnh, chỉ tới khi tái ngộ Thục Hương, cả hai mới có nhiều cơ hội để lột tả cảm xúc nhân vật. Ngoài ra, nhóm nhân vật khác như vị cha xứ hay vợ chồng bán phở được xây dựng đơn sơ, mở nhạt bỗng được đẩy lên cao trào trong phân đoạn cuối.

Chưa kể, chất lượng âm thanh thiếu ổn định ảnh hưởng ít nhiều tới trải nghiệm người xem. Trong một số phân cảnh khi các nhân vật trò chuyện thì phần tiếng lại bị lỗi, khó nghe. Chưa kể, phim thiếu phụ đề cho các phân đoạn tiếng Pháp khiến khán giả rơi vào cảnh "đuổi hình bắt chữ".

Nhiều phân cảnh trong Đào, phở và piano khiến khán giả xúc động.

Hạn chế là vậy, song Đào, phở và piano vẫn để lại dấu ấn với khán giả. Chia sẻ với Tri thức - Znews, khán giả Kim Dung cho biết: "Tôi nghĩ là những bộ phim nào phản ánh được thực tế của người Việt Nam và tấm lòng của những người con Hà Nội vì dân tộc thì đều xứng đáng được mọi người tán dương".

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ quan điểm sau khi xem phim: "Phim xem cũng ổn, nếu mỗi năm được đầu tư làm vài phim như này thì sẽ có nền tảng để các phim sau tốt hơn nữa. Đề tài lịch sử phong phú mà bỏ quên hoài thì phí lắm" hay "Phim còn nhiều vấn đề về chuyên môn nhưng có một số đoạn thực sự cảm xúc, hoàn toàn xứng đáng".

Nhìn chung, Đào, phở và piano còn vướng mắc về kịch bản, dàn dựng bối cảnh, âm thanh. Song, bộ phim vẫn ghi dấu qua những chi tiết mang tính hoài niệm, ngợi ca những con người chiến đấu vì tình yêu, vì đất nước nơi bom đạn ác liệt.

Nhật Long

Nguồn Znews: https://znews.vn/dao-pho-va-piano-hoai-niem-cam-xuc-nhung-kich-ban-nhieu-lo-hong-post1460777.html