Đạo diễn ngoại làm được gì với phim nội?

Mời đạo diễn nước ngoài tham gia làm phim đang là cách được một số đơn vị sản xuất trong nước áp dụng để mang lại nét mới cho phimViệt.

Tính chuyên nghiệp của đội ngũ “ngoại binh” cũng là thứ mà các nhà làm phim tìm kiếm.

Sau hơn một năm chuẩn bị, phim điện ảnh hợp tác Việt Nam - Ấn Độ Sám hối vừa bấm máy những cảnh đầu tiên vào tuần qua với hai diễn viên chính Bình Minh và Anh Thư. Đạo diễn của phim là Peter Hein - một trong những đạo diễn hành động có tên tuổi của Bollywood. Lần đầu hợp tác cùng Peter Hein, nam diễn viên Bình Minh chia sẻ: “Tôi rất muốn có cơ hội hợp tác cùng những đạo diễn tài năng như Peter Hein nên khi được mời vào vai Long trong phim Sám hối, tôi nhận lời ngay, dù lúc ấy chưa đọc kịch bản. Đạo diễn rất kỹ tính trong khâu chuẩn bị nên từ khi nhận được kịch bản đến khi bấm máy mất gần một năm”.

Vệ sĩ Sài Gòn - một trong những phim Việt mời đạo diễn nước ngoài thực hiện. Trong ảnh, đạo diễn Ken Ochiai (trái) đang chỉ đạo diễn xuất

Đầu tháng Tám tới, một phim VN chiếu rạp khác là Mẹ đơn thân (tên tạm) do hãng Sena sản xuất cũng sẽ khởi quay dưới sự chỉ đạo của một đạo diễn Hàn Quốc. Cuối năm nay, một dự án khác của VN là I am wanted dự kiến triển khai với nữ đạo diễn Thụy Điển Beata Gardeler (42 tuổi).

Ngoài ra còn có một dự án đình đám trong nước do đạo diễn nước ngoài (Ken Ochiai - Nhật) thực hiện đã hoàn tất, chờ ngày ra mắt là phim hành động hài Vệ sĩ Sài Gòn (TNA Entertainment và CJ E&M hợp tác).

Đạo diễn 32 tuổi Ken Ochiai là gương mặt khá tên tuổi tại Nhật, làm phim từ năm 12 tuổi và nhận nhiều giải thưởng danh giá với những bộ phim như Tiger Mask, Uzumasa Limelight. Đạo diễn ngoại làm phim nội ở mảng phim truyền hình, từng có đạo diễn Nhật Jun Muto làm phim Người cộng sự, Oh Seung Yuep làm phim Lối sống sai lầm. Đây là những phim Việt hiếm hoi hoàn toàn do đạo diễn nước ngoài thực hiện. Nếu tính phim Việt thuộc dạng hợp tác có đạo diễn nước ngoài cùng thực hiện với đạo diễn VN thì khá nhiều. Có thể kể đến phim điện ảnh Lọ lem Sài Gòn, Ranh giới trắng đen, Tình xuyên biên giới, phim truyền hình Tuổi thanh xuân.

Việc mời đạo diễn nước ngoài làm phim VN đối với người kinh doanh phim ảnh không hẳn là chuyệ “làm sang” cho phim Việt. Phim là một sản phẩm tập thể nên cần sự hợp tác ăn ý của các thành viên trong ê kíp. Xét về khía cạnh này, sự có mặt của đạo diễn Ken Ochiai hay Beata Gardeler là hợp lẽ vì cả hai đều có mối quan hệ bạn bè với Niv Fichman và diễn viên Kim Lý - nhà sản xuất của phim Vệ sĩ Sài Gòn, I am wanted.

Một khi giữa đạo diễn và nhà sản xuất hợp ý nhau, tiến độ làm phim sẽ trơn tru, suôn sẻ hơn. Diễn viên Kim Lý khẳng định: “Khi chọn đối tác, tôi không quan tâm họ đến từ quốc gia nào, hơn hết, chúng tôi phải có chung ý tưởng, đam mê và định hướng”. Một lý do nữa để mời đạo diễn nước ngoài, theo giám đốc sản xuất Trương Ngọc Ánh, là đạo diễn giỏi ở VN không nhiều và cũng khá bận rộn, muốn mời phải chờ đợi lâu.

Đạo diễn nước ngoài có góp phần nâng chất phim Việt hay không, với mảng phim điện ảnh, câu trả lời còn ở phía trước vì Vệ sĩ Sài Gòn, Tình xuyên biên giới, I am wanted đều chưa ra mắt. Còn với những phim đã ra mắt thì lời đáp là: chưa! Phim điện ảnh Ranh giới trắng đen được giới thiệu do đạo diễn nổi tiếng người Indonesia Najantolisa dàn dựng nhưng thất bại thảm hại vì tình tiết lộn xộn, cắt dựng phim cẩu thả. Phim Lọ lem Sài Gòn do đạo diễn Hàn Quốc Kim Guk Jin và Đỗ Mai Nhất Tuấn làm, ngô nghê đến khó tin. Riêng với phim truyền hình thì Lối sống sai lầm đã là phiên bản Việt hóa của phim Hàn cùng tên, lại được qua bàn tay nhào nặn lần nữa của một đạo diễn

Hàn nên hồn Việt không có. Phim Người cộng sự nói về cuộc đời Phan Bội Châu nhưng trên phim, dấu ấn về danh nhân này được thể hiện quá nhạt nhòa so với hình ảnh các nhân vật người Nhật. Khá nhất chỉ có Tuổi thanh xuân, tạo được cơn sốt trên màn ảnh nhưng thành công chủ yếu nhờ dàn diễn viên trai xinh gái đẹp. Với những bộ phim hợp tác, đồng đạo diễn của hai nước thực hiện kiểu này, có cảm giác tên đạo diễn phía VN chỉ tồn tại cho có.

Việc hợp tác với đạo diễn nước ngoài đem lại hiệu quả gì cho các nhà làm phim? Có thể thấy trước mắt là phim có dịp vươn xa ra khỏi thị trường VN để đến nước ngoài. Với những phim là sản phẩm hợp tác như Tuổi thanh xuân, Người cộng sự, Tình xuyên biên giới, Vệ sĩ Sài Gòn, Sám hối… lợi ích này khá rõ khi mà ngoài VN, phim còn được lên lịch chiếu ở nước bạn. Hiệu quả nữ a mà nhà sản xuất mong đợi là quá trình hợp tác giúp họ có dịp học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm việc chuyên nghiệp của “ngoại binh”.

Phim Việt càng ngày phải tiến lên chuyên nghiệp, đó là một trong những lý do để các đơn vị làm phim trong nước hướng tới việc hợp tác với nước ngoài hoặc mời đạo diễn nước ngoài làm phim. Tuy nhiên, sự khác biệt về suy nghĩ, vốn sống của đạo diễn nước ngoài vẫn ảnh hưởng nhất định đến bộ phim. Nếu cái nhìn của đạo diễn ngoại không nhận được sự đồng cảm của khán giả VN thì đó là sự thất bại của nhà sản xuất vì tốn kém mà hiệu quả không cao.

Hương Nhu

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/dao-dien-ngoai-lam-duoc-gi-voi-phim-noi-79510/