Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG: Tôi luôn thích đối mặt thử thách

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương giới thiệu vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân - nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (24.7.1968 - 24.7.2023), tạo nhiều cảm xúc cho người xem

Nhằm mang đến trải nghiệm thực tế cho diễn viên và khán giả xem vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân", ê-kíp sản xuất đã mang 5 tấn đất từ Ngã ba Đồng Lộc lên sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

.PHÓNG VIÊN: Điều gì đọng lại trong anh với vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" sau suất diễn tối 20-10 tại Hà Nội?

Đạo diễn Lê Quý Dương

- Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG: Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong và tinh thần xả thân của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân... tại chiến trường Đồng Lộc vẫn sống mãi. Đó là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam.

Sự cổ vũ từ khán giả dành cho không gian nghệ thuật của "Huyền thoại tuổi thanh xuân" là điều hạnh phúc với người làm nghệ thuật. 10 nữ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi đang ở thuở thanh xuân, người nhỏ nhất 17 tuổi và người lớn nhất mới 24 tuổi. Vở kịch dài 60 phút truyền đi thông điệp sâu sắc tới các thế hệ trẻ hôm nay: Hãy sống một cuộc đời đáng sống. Thế hệ hôm nay phải cùng chung sức xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.

.Kỷ niệm nào sâu sắc nhất với anh qua vở diễn ý nghĩa này?

- Như đã nói ở trên, để đem đến trải nghiệm thực tế khi xem vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân", chúng tôi đã mang 5 tấn đất từ Ngã ba Đồng Lộc lên sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chúng ta biết rằng trong mỗi tấc đất tại chiến trường Đồng Lộc có dấu vết đạn bom và xương máu của hơn 4.000 người đã hy sinh. Đây là một điều có thật chứ không phải hình tượng hóa. Bởi vậy, việc đưa 5 tấn đất Đồng Lộc vào sắp đặt trang trí mỹ thuật trong chương trình đã tạo hiệu quả nghệ thuật, tạo cảm xúc chân thật cho diễn viên và khán giả. Tôi tin rằng du khách đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã cảm nhận được câu chuyện thiêng liêng của 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đạo diễn Lê Quý Dương trao đổi với các diễn viên. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với cảm xúc chân thực và sâu lắng của các diễn viên trẻ khi được đứng trên chính những lớp đất của chiến trường năm xưa, họ sẽ ý thức được rằng chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

.Anh đúc kết những chất liệu để sáng tác kịch bản này như thế nào? Anh có hài lòng với hiệu quả nghệ thuật mà mình mang đến khi vừa là tác giả vừa là đạo diễn?

- Tôi đã nhiều lần đến chiến trường xưa, viếng mộ các nữ liệt sĩ và đọc rất nhiều tài liệu. Khi cảm xúc tích tụ đủ, tôi đã viết kịch bản liên tục trong 3 ngày. Tôi có cảm giác ai đó đang mượn ngón tay mình để viết ra vì những dòng chữ là những điều thiêng liêng về lòng yêu nước. Tôi không áp đặt ý chí chủ quan của mình vào đời sống nhân vật. Vì thế, tôi để cho các nhân vật nguyên bản "sống" cùng tôi, chia sẻ với tôi những gì họ muốn nói.

Quá trình tuyển chọn diễn viên để thể hiện hình tượng 10 cô gái Đồng Lộc cũng là điều thú vị. Mục tiêu là phải tìm ra được 10 cô gái đang ở độ tuổi từ 18 đến 24, đúng với lứa tuổi của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Vì thế, tôi không hướng tới việc chọn 10 nữ diễn viên có kỹ thuật diễn xuất giỏi để nhập vai 10 nữ liệt sĩ mà tìm kiếm những người đủ nhạy cảm và sự chân thật để mang lại cảm xúc cho khán giả.

Tôi đã mời NSND Hoàng Cúc làm người dẫn chuyện trong vở diễn. Dựng lại câu chuyện bất tử này là một thách thức lớn, bởi 10 nữ liệt sĩ đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thành công ở các loại hình nghệ thuật khác. Qua góc nhìn của khán giả về vở diễn này, tôi tin mình đã mang đến thông điệp có ý nghĩa với thế hệ trẻ hôm nay.

.Rong ruổi với nhiều ý tưởng làm mới sân khấu và làm mới chính bản thân, dường như sau mỗi dự án, anh đều muốn gửi gắm khuynh hướng sáng tạo của mình?

- Gần 20 năm qua, tôi đã tự mở ra một hướng đi mới cho sự nghiệp của mình bằng việc sáng tạo, dàn dựng hàng loạt lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch trên sân khấu quảng diễn quy mô lớn dọc theo chiều dài đất nước; kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống bản địa với những sáng tạo hiện đại.

.Anh được giới chuyên môn và truyền thông mệnh danh là "phù thủy" khi là tổng đạo diễn hơn 100 lễ hội, sự kiện. Phải chăng, chính niềm tự hào được cống hiến đã cho anh niềm tin để luôn thực hiện thử thách?

- Tôi là mẫu người thích đối mặt thử thách. Tôi đã góp phần định hình thương hiệu festival văn hóa tại các tỉnh, thành - như: "Đêm Hoàng cung", "Huyền thoại sông Hương", "Hành trình mở cõi", "Thiên hạ thái bình", "Festival Võ cổ truyền Bình Định", "Festival Dừa Bến Tre", "Festival Biển Nha Trang", "Festival Di sản Hội An", "Festival Cà phê Buôn Ma Thuột"; "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình"...

Thế nhưng, tôi nhận thấy nếu cứ lặp lại chính mình thì sẽ không tạo nên những dấu ấn độc đáo. Do vậy, tôi vẫn thích chọn lối đi khó để bản thân được nâng cao tay nghề.

.Điều gì khiến anh mê văn chương? Những sáng tác của anh mang ý nghĩa gì với cuộc sống của bản thân?

- Tôi có năng khiếu và đam mê văn chương từ khi còn trẻ. Từ năm 20 tuổi, khi còn là sinh viên, tôi đã có truyện ngắn, thơ được đăng báo. Vừa qua, tôi ra mắt 2 cuốn "Ký họa cơn mê" (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 2020), "Nhịp đập sáng tối" (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 2022), nhận được lời khen của giới chuyên môn. Đó là động lực để tôi tiếp tục viết.

Theo tôi, nghệ thuật nói chung, thi ca nhạc họa nói riêng là món quà quý báu mà tạo hóa dành tặng cho trái tim và trí tuệ của loài người. Với tôi, nghệ sĩ thực thụ không chỉ làm tròn bổn phận của mình là sáng tạo những tác phẩm cho cuộc đời mà còn cần truyền cảm hứng sáng tạo ấy đến người khác. Tôi không làm thơ để trở thành nhà thơ. Những bài thơ của tôi - nếu có thể gọi như vậy - luôn là những cảm xúc chạm được trên đường đời, tôi muốn ghi lại và chia sẻ đến những người đồng cảm.

"Sau buổi công diễn 20-10, “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ tiếp tục phục vụ khán giả vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, TP Hà Nội).

Đạo diễn Lê Quý Dương đậu thủ khoa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khóa 1985-1990, chuyên ngành Lý luận phê bình sân khấu. Năm 1990, ông viết kịch bản sân khấu đầu tay "Chợ đời", được dàn dựng và tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đoạt huy chương vàng. Ông là hội viên, tác giả trẻ nhất của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khi mới 22 tuổi.

Năm 1993, Lê Quý Dương du học tự túc về ngôn ngữ Anh tại Sydney - Úc. Phải làm nhiều nghề để sinh sống và học tập, năm 1995, ông thi đậu học bổng OPRS tại Đại học News South Wales. Năm 2001, ông được Chính phủ Liên bang Úc và Khối Liên hiệp Anh trao tặng giải thưởng nghệ thuật mang tên cố Thủ tướng Anh Winston Churchill với thành tích ứng dụng các tinh hoa nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam và châu Á vào sân khấu đương đại Úc qua vở diễn "Lời thỉnh cầu mùa xuân".

Năm 2002, Lê Quý Dương thi đậu học bổng William Fulbright của Mỹ, được Thủ tướng Úc John Howard viết thư chúc mừng. Năm 2003, ông được trao giải thưởng Paul Verhoeven cho phim ngắn "She"...

Đạo diễn Lê Quý Dương hiện là Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác sân khấu quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (FACT - ITI/UNESCO).

THANH HIỆP thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/dao-dien-le-quy-duong-toi-luon-thich-doi-mat-thu-thach-20231021211208631.htm