Đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm tư về 'Tháng Năm - Những gương mặt'

Những ngày cuối tháng 4, nhiều người muốn đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại hành trình làm phim 'Tháng Năm - Những gương mặt'.

Cảnh trong phim tài liệu 'Tháng Năm - Những gương mặt'.

Đó là một trong những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam khắc họa chân thực cuộc sống người Sài Gòn những ngày đầu sau giải phóng.

Cần được công chiếu rộng rãi

Cùng “Sài Gòn tháng 5 năm 1975” của đạo diễn Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” do Hải Ninh đạo diễn, bộ phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn lịch sử.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Tháng Năm - Những gương mặt” là những cảnh quay được thực hiện vào lúc 1 giờ ngày 1/5/1975 và hình ảnh buổi sáng tháng Năm với “một biển cờ, biểu ngữ, biển nụ cười, biển tình thương...”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế. Ông từng là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Những bộ phim của ông đều rất thành công và giành những giải thưởng cao của Việt Nam cũng như nhiều LHP quốc tế. Trong đó có phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” đã được các hãng thông tấn thế giới bình chọn vào Top những phim hay nhất của châu Á.

49 năm sau giây phút lịch sử, trong những ngày Hà Nội cuối tháng 4/2024, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự hào chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại tấm thiệp chúc mừng của Viện phim Fukuoka Nhật Bản. Trên thiệp là hình cô bé được trích từ hình ảnh cuối cùng trong bộ phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh trầm tư: “Những ngày này tôi nhận được nhiều cuộc gọi phỏng vấn từ báo đài muốn tôi kể lại hành trình làm “Tháng Năm - Những gương mặt”. Thế nhưng, tôi đều từ chối bởi tôi còn một vấn đề trăn trở từ nhiều năm nay.

Như tôi đã chia sẻ rất nhiều lần, đầu tháng 4/1975, cả nước hồi hộp theo dõi tin tức chiến sự từ miền Nam gửi ra. Xưởng Phim truyện Việt Nam được lệnh cấp trên động viên tất cả đội ngũ nghệ sĩ tổ chức thành bốn đoàn làm phim tài liệu lên đường tham gia chiến dịch. Tôi được phân công làm đạo diễn của một đoàn.

Thời điểm tối muộn ngày 30/4/1975, trong số các xe của xưởng phim, xe chở đoàn quay phim của tôi đã đến và tiến vào trong Dinh Độc Lập đầu tiên. Khi đó, hai cánh cổng đã bị húc đổ từ trưa, trên nóc dinh có hai lá cờ của Quân giải phóng - một to, một nhỏ. Một giờ sáng ngày 1/5 ấy, tôi yêu cầu đoàn phim của mình làm việc ngay lập tức, thu lại những hình ảnh đầu tiên.

Thế nhưng nhiều năm qua, phim ít được chiếu vào dịp kỷ niệm 30/4. Vẫn biết làm phim theo ngân sách Nhà nước, chỉ chiếu 1 - 2 buổi “chiêu đãi” xong rồi thôi nhưng như thế là rất lãng phí. Tôi có một đề nghị rằng, có nhiều phim của Điện ảnh Quân đội, Xưởng phim Tài liệu… làm về sự kiện lịch sử này nên Cục Điện ảnh chiếu rộng rãi những bộ phim này để khán giả có thể nhìn lại từng khoảnh khắc lịch sử. Như thế chẳng hay hơn là để một đạo diễn như tôi cứ nói đi nói lại mãi về phim”.

“Nhiều người cứ nói các bạn trẻ không thích phim lịch sử. Nhưng nhầm rồi. Hồi tháng 10/2023 tôi vào TPHCM tham dự sự kiện điện ảnh do Storii, Trigger Film Academy và DCINE phối hợp tổ chức. Tại đây, chiếu 9 bộ phim của tôi, rất nhiều các bạn trẻ đã đón xem và hỏi tôi rất nhiều câu thú vị. Như thế đâu thể nói là giới trẻ thờ ơ với phim lịch sử? Hãy chiếu phim trên sóng truyền hình để những thước phim lịch sử được công chúng thưởng thức”, đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm tư.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thời trẻ.

Những khoảnh khắc và kỷ niệm

Đạo diễn gạo cội cho chúng tôi xem những đoạn hồi ký điện ảnh của mình và hồi ký về phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt”. Ông cho biết, trong những bộ phim của ông, người ta có thể thấy cái nhìn rất bình tĩnh trước những biến động của thời cuộc, con người.

“Phim của tôi không lên gân, không tuyên truyền khô khan, bao giờ cũng đặt lòng nhân ái, chủ nghĩa nhân bản lên đầu. Tôi làm phim từ trái tim mình nên các phim đều nhất quán tinh thần ấy. Làm phim với tôi là sự giãi bày tâm tư, tình cảm của mình với mọi người, để mình hiểu về xã hội, về những người sống quanh mình”, ông nói.

Vì thế, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Tháng Năm - Những gương mặt” được quay theo hai chủ đề chính: Sự hân hoan của người dân Sài Gòn sau giải phóng và tàn dư của một xã hội thực dân kiểu mới.

“Trưa 30/4/1975, khi đoàn làm phim chúng tôi đến ở Phan Thiết, bật đài lên, tôi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ hạ súng. Thời cơ đã đến. Chúng tôi lập tức lên xe thẳng tiến về Sài Gòn…

Càng gần tới Sài Gòn, xe càng đi chậm hơn vì bị tắc nghẽn. Cuối cùng chúng tôi đã lọt được vào thành phố sáng rực ánh đèn. Một cảm giác choáng ngợp, bàng hoàng đến nghẹt thở làm chúng tôi không ai nói với ai một câu nào.

Quả tình chúng tôi không biết đi đâu bây giờ trong cái thành phố xa lạ mênh mông này. Nhưng rồi trấn tĩnh lại, tôi nói với anh em: “Tôi có biết một nơi. Đó là Dinh Độc Lập. Tôi có xem trên ảnh. Bây giờ ta đến đó”.

Sau một hồi hỏi đường, hết quẹo trái rồi lại quẹo phải, cuối cùng một cô gái tự nguyện phóng Honda đi trước dẫn đường cho chúng tôi đến Dinh Độc Lập.

Chúng tôi xuống trình giấy giới thiệu của Ban Thống nhất Trung ương nhưng không có ai tiếp vì lúc này chưa có ai chỉ huy ở đây cả. Các sư đoàn ai đến trước vào trước, ai đến sau vào sau, mỗi đơn vị chiếm lĩnh một góc sân trong Dinh Độc Lập. Riêng tòa nhà chính do trung đoàn xe tăng canh gác, đó là trung đoàn vào Dinh Độc Lập đầu tiên theo đường Quốc lộ 1. Họ cấm chúng tôi không được lên tầng hai nơi giam giữ nội các Dương Văn Minh, còn ngoài ra muốn vào đâu cũng được.

Thiếp chúc mừng năm mới của Viện phim Fukuoka Nhật Bản. Trên thiệp là hình cô bé được trích từ hình ảnh cuối cùng trong bộ phim tài liệu “Tháng Năm - Những gương mặt”.

Ngước nhìn lên nóc Dinh Độc Lập, tôi thấy cả hai lá cờ Mặt trận một to, một nhỏ bay trong gió. Trong đó, lá cờ nhỏ là lá cờ của chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Nhìn quanh sân tôi thấy rất nhiều ánh lửa bập bùng trong đêm…

Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi tìm được một bộ đèn pha cầm tay của một phóng viên quay phim nào đó để lại trong phòng họp báo của Dinh Độc Lập. Chiếc đèn pha cầm tay đó đã giúp chúng tôi quay những thước phim đầu tiên”, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại.

“Sáng 1/5, Ban Quân quản chính thức tiếp quản Dinh Độc Lập. Việc làm đầu tiên của Ban Quân quản là ra lệnh cho tất cả mọi người phải lập tức rời khỏi dinh. Khi ra khỏi cổng dinh, tôi thấy đoàn các anh Hải Ninh và Bùi Đình Hạc đã có mặt ở trước vườn hoa.

Đoàn anh Trần Vũ nghe tin Sài Gòn được giải phóng cũng bỏ luôn Buôn Ma Thuột về Sài Gòn. Mỗi đoàn một việc, tất cả các máy quay phim đều xả hết tốc lực. Từ Dinh Độc Lập chúng tôi chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle. Đêm đó, trên lầu chín của khách sạn, chúng tôi đã gặp hầu hết các phóng viên ngoại quốc đang có mặt tại Sài Gòn…

Hôm sau, chúng tôi được phép trở lại Dinh Độc Lập để quay lễ thả các thành viên trong nội các Dương Văn Minh bị tạm giữ từ ngày 30/4... Từ hôm đó, sáng sáng chúng tôi vác máy quay ra đường, quay bất cứ những gì muốn.

Việc quay phim thời đó vô cùng khó khăn, phương tiện kỹ thuật không như bây giờ, nhưng anh em nghệ sĩ vẫn cùng nhau nỗ lực làm tốt nhất có thể.

Nội dung chủ yếu của đoàn nào cũng chỉ xoay quanh hai chủ đề: Niềm hân hoan của người dân Sài Gòn vừa được giải phóng và tàn dư của một xã hội sống dưới ách thực dân kiểu mới.

Chúng tôi liên tục chạm trán nhau trong khi quay. Đoàn nào cũng quay các cuộc tuần hành của sinh viên, thanh niên trên đường phố để nói lên niềm hân hoan và đoàn nào cũng săn lùng quay những người ăn mày để tố cáo chế độ thực dân…Các ổ xì ke, gái mại dâm cũng được quan tâm không kém vì đấy là những biểu hiện xấu xa của chế độ cũ, không quay nhanh sợ sau này không có mà quay”, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh kể.

Cũng theo nam đạo diễn nhớ lại, tuy sống trong vùng kiểm soát của chế độ thực dân kiểu mới, nhưng trong nhiều gia đình mà ông được tiếp xúc vẫn giữ được những nền nếp truyền thống của một gia đình Việt Nam. Ông ngạc nhiên nhìn thấy các em nhỏ khoanh tay lễ phép chào hỏi những người lớn tuổi. Ngược lại, bà con ở đây cũng không kém ngạc nhiên khi tiếp xúc với đoàn…

“Trong những ngày ở Sài Gòn, tôi được gặp khá nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở đây, đặc biệt là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người khi còn ở Hà Nội chúng tôi đều biết tiếng và hâm mộ.

Nhưng người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ mà tôi gặp lại là nữ diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng. Những ngày chiến sự vừa qua chị cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Oánh chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle.

Không biết ai trong đoàn phim nói cho ông Oánh biết tôi là con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nên mấy hôm sau ông đem đến cho tôi xem những bức ảnh cũ chụp trong thời gian ông du học tại Nhật Bản. Tôi hết sức ngạc nhiên thấy có rất nhiều ảnh ông chụp chung với cha tôi.

Ông cho biết, khi cha tôi làm nghiên cứu sinh ở Tokyo thì ông đang học đại học, và cùng sinh hoạt trong Hội Việt kiều do cha tôi làm chủ tịch.

Sau ba tháng, đoàn chúng tôi trở ra Hà Nội. Khi ra tới Huế, vừa tới đầu cầu Tràng Tiền tôi đã nghe tiếng loa phóng thanh ầm ĩ, và một tốp người rất đông đang đứng tập thể dục. Tôi biết rằng nếp sống mới đã đến với quê hương tôi. Bộ phim tài liệu Tháng Năm - Những gương mặt đã ra đời sau chuyến đi ấy”, vị đạo diễn hồi tưởng.

“Đã gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như mới hôm qua giây phút hân hoan của mọi người dân Sài Gòn khi nghe Thượng tướng Trần Văn Trà, Trưởng ban Quân quản thành phố Sài Gòn nói trong buổi lễ mít tinh mừng chiến thắng: Thắng lợi này là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam. Tất cả mọi người dân Việt Nam đều là người chiến thắng. Chỉ có kẻ xâm lược mới là kẻ thất bại mà thôi.

Câu nói của Tướng Trà đã làm nức lòng hàng triệu con tim Việt Nam và đến nay, sau bao biến động của lịch sử, vẫn còn nguyên giá trị”, đạo diễn Đặng Nhật Minh bộc bạch.

Lý giải vì sao chọn hình ảnh cuối bộ phim là gương mặt xinh tươi rạng rỡ của bé gái, đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định đó là một trong những hình ảnh ngây thơ, tươi sáng, tự nhiên nhất mà ông bắt gặp giữa những ngày tháng 5 năm 1975.

“Bộ phim kết thúc một cách tươi sáng, gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng bằng những hình ảnh bầu trời và non nước Việt Nam, cùng với những gương mặt tươi cười của người lính, những nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các thiếu nhi”, nam đạo diễn khẳng định.

Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật và còn được Liên hoan phim quốc tế tại Hàn Quốc vinh danh với giải thưởng cho thành tựu trọn đời.

Năm 2022, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tiến hành trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học - Nghệ thuật dành cho đạo diễn. Đây là Huân chương cao quý mà Nhà nước Pháp dành tặng những người sáng tạo nghệ thuật xuất sắc hoặc có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn hóa tại Pháp cũng như trên thế giới.

Hà Lan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dao-dien-dang-nhat-minh-tam-tu-ve-thang-nam-nhung-guong-mat-post681535.html