Dạo chợ Campuchia

PNO - Chỉ cần hộ chiếu còn hạn sử dụng trên 6 tháng và vài giờ xe chạy, người dân TP.HCM có thể sáng chợ Bến Thành, chiều chợ Phnom Phenh, thỏa mãn thú mua sắm xuyên biên giới bất cứ khi nào.

Thủ đô Phnom Phenh là điểm dừng chân đầu tiên cho du khách Việt và cũng là nơi tập trung nhiều chợ nhất tại Campuchia. Không hổ danh là thủ đô với nền kinh tế hàng hóa lớn nhất nước, Phnom Phenh có nhiều trung tâm mua sắm đáp ứng nhu cầu của khách từ bình dân đến cao cấp. Ví dụ như khách muốn mua hàng hiệu từ các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Bvlgari, LX… thì có thể tìm đến khu trung tâm thương mại Sorya, mua đồ Tây giá phải chăng thì tìm đến chợ Russian, mua đồ truyền thống và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu – đồ thực phẩm thì tìm đến mạng lưới chợ truyền thống dày đặc như chợ Mới, Olympic, chợ Cây Tre… Hàng vải truyền thống Campuchia tại TTTM Sorya Trung tâm thương mại thì na ná nhau, cho nên du khách Việt thường tìm đến các khu chợ truyền thống để mua đồ đặc sản, hoặc thỏa mãn thú trả giá đến phá giá thường thấy ở du khách nước ngoài. Điều đó khá thoải mái tại đây vì các chợ ở Campuchia nổi tiếng nói thách từ 30% - 70%, tùy vào khu bán hàng thiết yếu hay đồ lưu niệm. Dân buôn Campuchia đã quen câu cửa miệng của khách du lịch là “Discount” (bớt giá). Quầy lưu niệm tại chợ đêm ở Siêm Riệp Ngay tại chợ đêm ở khu du lịch Siêm Riệp, du khách có thể trả giá giảm đến 90% hoặc ít nhất giảm 50% cho mặt hàng đồ mỹ nghệ, đá, vàng bạc, các mặt hàng chế tác thủ công bản địa. Tuy nhiên so với chợ Việt Nam, người bán hàng Campuchia khá niềm nở và dễ tính, do đó nếu trả giá quá thấp, bạn cũng không lo bị mắng hay đốt phong long như ở nhà. Cần thận trọng khi nhận xét hàng hóa tại các chợ Campuchia vì người Việt sang đây buôn bán khá nhiều, thậm chí không ít tiểu thương gốc Cam lại sành sõi tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai. Đây cũng là điểm khiến khách Việt đi chợ Cam ít thấy lạc lõng xa lạ, cũng là động lực cho các bà nội trợ có thể mua sắm thỏa thích mà không cần phiên dịch. Trên chuyến xe từ TP.HCM đi Siêm Riệp, nhiều bà nội trợ là khách quen thuộc của nhà xe buôn chuyện sôi nổi về đề tài chợ Campuchia. Với họ, nước láng giềng đơn giản chỉ là một ngôi chợ xa mà mỗi dịp ghé thăm đều chứa đựng niềm háo hức phấn khởi. Trông chẳng khác gì chợ VN ! Hàng hóa bày bán tại các chợ Campuchia hầu hết giống như chợ Việt, từ cách trưng bày hàng, bố trí sạp và chủng loại mặt hàng, do gần về khoảng cách địa lý cũng như ảnh hưởng chung của các nền kinh tế khu vực như Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, về giá cả thì hàng hóa tại Campuchia đắt hơn Việt Nam một chút, nhất là các mặt hàng thực phẩm, đồ lưu niệm, hàng điện tử (trừ hàng không nguồn gốc, hàng lậu). Khách mua hàng có thể sử dụng cùng lúc 2 đồng tiền: USD và ria Campuchia với tỉ giá 1USD = 4.200 ria, trong đó đồng USD được ưu tiên sử dụng tại hầu hết các điểm thanh toán. Chợ Olympic giống như chợ Bình Tây tại Q.6 TP HCM, với mặt hàng chính là quần áo, giày dép, túi xách và các hàng gia dụng khác. Hàng hóa ở đây chủ yếu nhập từ Trung Quốc, do đó giá thành na ná như Việt Nam. Chỉ có quần áo truyền thống Campuchia với đặc trưng vải đính cườm lấp lánh khá đẹp mắt, giá khá cao, khoảng 65USD/cái áo may sẵn. Rẻ tiền hơn, khách có thể mua xà rông - loại vải quấn từ phần bụng trở xuống- để chụp hình và làm lưu niệm, với giá chỉ 3-5 USD/khúc. Một góc Chợ Olympic : chẳng khác như gian hàng quần áo tại Bình Tây, An Đông Để mua thực phẩm, nhất là các loại cá khô đặc sản của Campuchia như cá tra biển hồ, cá hố, đù đù, cá lóc, thịt rắn… thì khách có thể tìm đến chợ Cây Tre. Giá dao động từ 4-9USD/kg, có khác biệt giữa loại treo ngoài và loại hút chân không. Ngoài ra, khách Việt có thể nấu cơm Việt Nam với các loại thực phẩm tươi sống tại chợ này không khác gì chợ Hòa Bình hay Bến Thành với mặt hàng phong phú hơn, trình bày đẹp hơn. Ví dụ như các loại rau, cá, tiểu thương rất chịu khó trau chuốt mặt hàng, trưng bày rất bắt mắt khiến người mua rất thỏa mãn, dù giá có cao hơn chút ít. Đây cũng là điểm cần lưu ý và học tập. Nếu không chú thích, nhiều người nghĩ rằng đây là hình ảnh chợ Việt. Ngoài ra, Campuchia còn có nhiều ngôi chợ khác như chợ Mới, chợ Sorya, chợ Chân Cầu Sài Gòn… cũng là điểm đến tuyệt vời của các bà nội trợ. Còn một điểm nữa sẽ làm cho du khách ấn tượng về người Campuchia đó là lòng tự hào … về hàng bản địa. Bạn khó có thể hỏi đường đến khu vực tập kết hàng Thái hay hàng Trung Quốc, vì người Campuchia không chia từng khu vực theo xuất xứ hàng hóa như VN. Với họ, nếu không hỏi nguồn gốc thì chẳng bao giờ nghe họ nói về xuất xứ của nó, ví dụ như mua một chiếc áo Trung Quốc hoặc Thái (còn mạc hẳn hoi) nhưng người bán không hoa mỹ về xuất xứ thật của chúng, chỉ thuận mua vừa bán rồi thôi. Riêng mặt hàng sản xuất nội địa thì lại nhấn mạnh như trường hợp du khách thường gặp tại chợ đêm Siêm Riệp như sau: Cá tra biển Hồ, không phải cá tra Việt Nam! Nhiều thương hiệu Việt tại Campuchia khiến khách Việt không cảm thấy xa lạ Thậm chí một du khách người Việt thích thú khi nhìn thấy túi xách làm từ chất liệu như bao đựng cám gạo còn in chữ Việt Nam hẳn hoi lên đó nhưng người bán nhất định vạch cho được dòng chữ “Made in Cambodia” bên trong. Điều này làm không ít người ngẫm nghĩ, khi nhớ lại tại sạp quần áo chợ Tân Bình, TP.HCM, khi một nhân viên bán hàng đã buột miệng với khách: “Chị mua hàng Trung Quốc đi, hàng Việt mà xài kiểu gì được ? ”. Thật là xót xa. Thanh Châu

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/dao-cho-campuchia-ngam-cho-nha.aspx