Đảo chính Niger: Dân dọa xông vào đại sứ quán, căn cứ Pháp; Chủ tịch ECOWAS sẽ gặp ông Biden

Tình hình tại Niger vẫn đáng ngại khi các cuộc biểu tình bài trừ ảnh hưởng của Pháp liên tục nổ ra; Mỹ mời Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria - nước chủ tịch ECOWAS - gặp Tổng thống Joe Biden bàn giải pháp.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria - nước chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) - dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thành phố New York vào tháng tới và có thể sẽ bàn về vấn đề đảo chính Niger.

Cho đến nay, chính quyền quân sự Niger vẫn từ chối khôi phục trật tự hiến pháp và phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Các cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự liên tục nổ ra với tâm lý bài trừ ảnh hưởng của Pháp.

Trong khi đó, người dân Niger đang phải sống trong tình cảnh vốn đã cơ cực nay càng túng thiếu hơn vì các lệnh trừng phạt, đồng thời thấp thỏm từng ngày trước kịch bản can thiệp quân sự.

Các lãnh đạo chính quyền quân sự Niger tại cuộc biểu tình hôm 26-8 tại thủ đô Niamey. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Chủ tịch ECOWAS sắp gặp ông Biden bàn chuyện Niger

Ngày 27-8, ông Ajuri Ngelale - người phát ngôn Tổng thống Nigeria thông báo ông Tinubu sẽ gặp Tổng thống Biden bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) vào tháng tới và có thể sẽ thảo luận về tình hình ở Niger.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ nhóm họp từ ngày 18 đến 26-9. Theo hãng tin Reuters.

Ông Tinubu đang nỗ lực hợp tác với các lãnh đạo Tây Phi để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Niger.

Người ủng hộ phe đảo chính dọa xông vào đại sứ quán Pháp

Hãng tin Anadolu Agency đưa tin vào ngày 26-8 hàng trăm người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự Niger tập trung gần căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey nhằm phản đối sự hiện diện của Paris ở đây.

Giống như các cuộc biểu tình trước, những người biểu tình mang theo các biểu ngữ có khẩu hiệu chống Pháp và cáo buộc quốc gia châu Âu này can thiệp công việc nội bộ của Niger.

Người ủng hộ phe đảo chính Niger tập trung trước một căn cứ quân sự Pháp ở thủ đô Niamey hôm 11-8. Ảnh: Mahamadou Hamidou/REUTERS

Những người biểu tình thậm chí còn đe dọa xông vào đại sứ quán và căn cứ quân sự Pháp nếu quân đội và đại sứ nước này không rời khỏi Niger.

Cùng ngày, hàng chục nghìn người biểu tình tập trung tại sân vận động lớn nhất ở thủ đô Niamey nhằm thể hiện sự ủng hộ với chính quyền quân sự.

Các cuộc biểu tình trên diễn ra sau khi chính quyền quân sự Niger ngày 25-8 yêu cầu đại sứ Pháp rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng.

Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ yêu cầu trên, nói rằng chính quyền quân sự không có thẩm quyền trục xuất đại sứ.

Người dân Niger thấp thỏm, lo lắng

Được biết tới là một trong những nước nghèo nhất châu Phi, cuộc đảo chính ngày 26-7 đã khiến người dân nước này trở nên khó khăn hơn do các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với chính quyền quân sự, theo tờ Washington Post.

Giới lãnh đạo dân sự, những nhà hoạt động và người dân thủ đô Niamey nói rằng tình hình nhân đạo ở quốc gia Tây Phi này ngày càng tồi tệ khi cuộc khủng hoảng chính trị không có dấu hiệu chấm dứt.

Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), ngay cả trước cuộc đảo chính khoảng 13% dân số, tương đương hơn 3 triệu người, sống trong cảnh không đủ lương thực.

Người dân thủ đô Niamey (Niger) tại một khu chợ hôm 23-8. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Trong những tuần qua, người dân Niger phải chứng kiến giá thực phẩm tăng cao, đặc biệt sau khi ECOWAS áp lệnh trừng phạt khiến giá gạo tăng 17%. Nguồn điện cũng thiếu hụt sau khi Nigeria cắt nguồn cung cấp điện cho Niger nhằm gây áp lực lên phe đảo chính.

Bên cạnh đó, lệnh đóng cửa biên giới của chính quyền quân sự đã làm tê liệt hoạt động các doanh nghiệp và gián đoạn việc hỗ trợ nhân đạo vào Niger.

Giám đốc IRC tại Niger - ông Paolo Cernuschi nhận định quốc gia Tây Phi này đang tiến đến “điểm mà tình trạng thiếu hụt là không thể tránh khỏi".

Không những thế, người dân Niger còn thấp thỏm trước kịch bản ECOWAS can thiệp quân sự vào nước này. Một nông dân Niger tên Sahabi nói rằng mối đe dọa can thiệp quân sự đã khiến tương lai của ông trở nên bất định.

ECOWAS từng tuyên bố cuộc đảo chính ở Niger là lằn ranh đỏ sau các cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso và Guinea trước đó. Mặc dù ECOWAS khẳng định ưu tiên con đường ngoại giao để giải quyết tình hình ở Niger, song tổ chức này vẫn để ngỏ khả năng can thiệp quân sự nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dao-chinh-niger-dan-doa-xong-vao-dai-su-quan-can-cu-phap-chu-tich-ecowas-se-gap-ong-biden-post748798.html